Nguy hại từ rác thải khẩu trang y tế đã sử dụng

Khẩu trang y tế được coi là một trong những biện pháp ngăn ngừa hiệu quả đối với các căn bệnh truyền nhiễm, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát như hiện nay.

Tuy nhiên, với việc chỉ sử dụng một lần thì loại rác thải này đang có nguy cơ gây hại đến cuộc sống lâu dài của người dân.

Ở TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Những chiếc khẩu trang y tế sau khi sử dụng, do người dân thiếu ý thức vứt bừa bãi ở khắp nơi từ lòng đường, hè phố, công viên, chợ..., trở thành loại chất thải được xếp vào hàng nguy hại, có thể làm lây lan dịch bệnh.

Nếu như trước đây loại vật tư này chủ yếu sản xuất để phục vụ đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế thì từ khi xảy ra dịch COVID-19, đa số người dân đã sử dụng khẩu trang nói chung, khẩu trang y tế nói riêng để phòng dịch.

Theo đó, số lượng rác thải y tế nói chung, khẩu trang y tế nói riêng thải ra môi trường lớn hơn gấp nhiều lần so với trước khi bùng phát dịch.

Khẩu trang y tế và rác thải y tế vứt bừa bãi không đúng quy định nhưng chưa xử lý được triệt để.

Khẩu trang y tế và rác thải y tế vứt bừa bãi không đúng quy định nhưng chưa xử lý được triệt để.

Với thói quen không phân loại rác, khẩu trang y tế được người dân sử dụng hiện vẫn được xả lẫn trong rác thải sinh hoạt hoặc vứt bừa bãi trong môi trường tự nhiên.

Mặc dù, Chính phủ, Bộ Y tế đã có các văn bản pháp luật để xử phạt các hành vi xả rác ra môi trường nói chung, xả thải khẩu trang y tế không đúng nơi quy định nói riêng, thế nhưng, trên thực tế việc thực thi luật hầu như chưa được thực hiện.

Ông Trần Xuân Hải - Phó Chủ tịch UBND phường Lê Mao, TP.Vinh, Nghệ An cho biết: “Việc xử phạt đối với trường hợp vứt khẩu trang không đúng nơi quy định đến thời điểm này chúng tôi chưa làm được. Cái khó khăn ở đây là quá trình người dân sử dụng khẩu trang rồi vứt, chúng tôi không giám sát được, cho nên để xử phạt được là vấn đề khó. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, chủ yếu là nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc sau khi sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch bệnh cần vứt bỏ đúng nơi quy định, để tránh làm lây lan dịch bệnh”.

Ngay tại các khu vực, điểm cách ly phòng chống COVID-19 tập trung với những trường hợp là F1, việc xử lý khẩu trang y tế nói riêng, rác thải y tế nói chung vẫn đang có sự khác biệt. Điển hình như ở huyện Diễn Châu, nơi có hơn 70 F1, gần 300 F2 đang thực hiện cách ly tập trung và cách ly tại nhà.

Hiện ở điểm cách ly tập trung F1 thì xử lý rác thải y tế theo hình thức thu gom rồi đốt; đối với các trường hợp cách ly tại nhà thì rác thải y tế vẫn để lẫn với rác thải sinh hoạt. Trong bối cảnh hiện nay thì đây cũng là nguy cơ khiến dịch bệnh COVID-19 có thể bùng phát, lây lan.

Ông Phạm Xuân Sánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cho biết, đối với các điểm là khu cách ly, hiện tại chúng tôi đã thành lập các tổ thực hiện công việc xử lý rác thải. Hàng ngày thực hiện thu gom, phân loại và xử lý tại chỗ. Đối với rác thải y tế sau khi thu gom sẽ xử lý bằng cách đốt, còn rác thải sinh hoạt bình thường sẽ thực hiện chôn lấp và phun hóa chất khử khuẩn để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Để đảm bảo vệ sinh phòng dịch, mới đây, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Y tế Nghệ An cũng đã ban hành công văn chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị thực hiện việc xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 tại các khu vực, điểm cách ly, trong đó có xử lý khẩu trang y tế.

An Duyên - Khánh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguy-hai-tu-rac-thai-khau-trang-y-te-da-su-dung-n193954.html