Nguyện cho 'gió hòa bình bay về muôn hướng'...

22 năm trôi qua sau ngày nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn ra đi (1/4/2000 – 1/4/2023), tôi lắng lòng mình lại, nghe những ca khúc quen thuộc để tưởng nhớ ông. Nguyện cho 'gió hòa bình bay về muôn hướng, rạng đông soi sáng tương lai' cho dân tộc Việt Nam.

Nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật diễn ra nhân dịp tưởng niệm lần thứ 22 ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Minh Hiền

Nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật diễn ra nhân dịp tưởng niệm lần thứ 22 ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Minh Hiền

Tôi sinh ra ở một miền quê Quảng Trị, sinh sau chiến tranh và hòa bình đã lập lại nhưng những tiếng bom, tiếng đạn và mùi thuốc súng thì tôi không lạ gì. Từ lúc 5, 6 tuổi ở với ngoại, hằng tuần hằng tháng tôi vẫn nghe tiếng nổ. Những tiếng chát chúa chết chóc do những người dân cưa bom đạn lấy sắt, đồng bán phế liệu hay lấy bộc phá làm thuốc nổ đánh cá, làm pháo.

Sau tiếng nổ như xé trời, là người dân trong xóm tôi bàng hoàng nghe ngóng, chạy tá hỏa tam tinh đến chỗ phát ra tiếng nổ xem có ai bị thương hay chết rồi hay không. Thường thì cứ 10 vụ nổ là hết 7, 8 vụ có người chết không toàn thây, đa phần là thanh niên hiền lành, lao khổ.

Những ngày ấy, tôi ám ảnh khôn nguôi vì trong xóm, không ai bảo ai, mỗi người tìm lấy một đôi đũa tre, xé miếng giấy từ bao xi-măng rồi đi tìm khắp sân, vườn tìm gắp những mảnh xương thịt vụn giúp gia đình người chết gom một phần thi hài. Có thanh niên nặng 50, 60 kg, sau khi bị bom đạn xé tan xác, người ta nhặt nhạnh chỉ được ít thịt xương rồi vội khâm liệm, coi giờ ngày tốt đem chôn cất.

Có gia đình nghèo không mua được quan tài cho người thân thì sang hàng xóm mượn tạm áo quan của ông già bà lão rồi mua trả sau. Tôi từng chứng kiến có người chết được đưa đi chôn vội từ lúc nửa đêm vì gia đình sợ để qua ngày khác thì giờ xấu, gặp xui xẻo.

Cả tuổi thơ ám ảnh về những cái chết như thế, nên tôi nghe nhạc Trịnh Công Sơn như nghe tiếng lòng mình. Tôi yêu thương những ca khúc Da Vàng như yêu làng xóm, đồng quê, đồng bào mình. Như thấy trong từng lời ca, tiếng hát khát vọng cháy bỏng muốn "hòa bình bay về muôn hướng, rạng đông soi sáng tương lai".

Cũng có những ca khúc Da Vàng, tôi chưa từng hiểu hết ý nghĩa. Ví như, "đàn bò vào thành phố, không còn ai hỏi thăm..." (Du mục), tôi thường tự hỏi, "bò" là động vật hay ẩn dụ?

Những ca khúc Da Vàng nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là "Cánh đồng hòa bình", "Đồng dao hòa bình", "Người mẹ Ô Lý", "Nước mắt cho quê hương", "Đôi mắt nào mở ra", "Dựng lại người, dựng lại nhà", "Ta thấy gì đêm nay", "Chờ nhìn quê hương sáng chói"…

Sở dĩ tôi thích nghe và thẩm thấu nhiều ca khúc Da Vàng là bởi nhiều câu hát nói về chiến tranh, bom đạn, chết chóc và thân phận con người. "Hàng vạn chuyến xe, Claymore lựu đạn. Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành. Từng vùng thịt xương có mẹ có em" là những ca từ trong ca khúc "Đại bác ru đêm" vẫn khiến tôi giật mình mỗi khi nghe lại.

Vào đại học năm 2000, trong khi chúng bạn cùng lứa thường rủ nhau đi uống cà phê nghe nhạc trẻ của tuổi 8x thì tôi thường từ chối vì không "nuốt" nổi nhiều bài hát có ca từ hời hợt. Tôi và một vài người bạn thường tìm đến quán cà phê quen thuộc trên con dốc cao ở đường Đinh Tiên Hoàng, thành phố Đà Lạt để nghe nhạc Trịnh Công Sơn.

Có khi chúng tôi nghe xong một bài hát, trở về phòng trọ thì cùng nhau bình luận, nhiều lúc bất phân thắng bại. Có lần, anh bạn học trước tôi hai khóa nói, "con tim yêu thương vô tình chợt gọi" (Một cõi đi về) chứ không phải "con tinh" như ca sĩ hát. Tôi cãi, Trịnh Công Sơn mà viết "con tim" thì bình thường quá, ai mà chẳng viết được.

Tôi khẳng định, "con" trong bài hát "Một cõi đi về" là "con tin" với lí lẽ: "con tin" là người bị bắt giữ để gây áp lực với chính người đó hay người thân của họ, buộc phải thực hiện những yêu sách nào đó. Và khi "con tin yêu thương vô tình chợt gọi", thì nghĩa là họ tuyệt vọng lắm rồi, những mong được giải thoát.

Anh bạn tưởng tôi cao siêu, đành chịu thua. Nhưng sau này khi có dịp tìm hiểu, tôi mới biết mình hiểu nhầm câu hát "con tin yêu thương vô tình chợt gọi" thật thảm hại. Ở Huế, người lớn thường mắng những cô gái "khôn" hơn người và nghịch ngợm là "đồ yêu tinh". Lời bài hát dễ thương vô cùng và cũng không có gì khó hiểu cả.

Cứ đến dịp tưởng niệm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những đứa con xa quê như chúng tôi thường tụ lại ở các tụ điểm ca nhạc năm nào cũng dành cho nhạc sĩ những đêm tưởng nhớ bằng âm nhạc.

Chúng tôi không quên tuổi thanh niên của mình, cũng như dân tộc Việt Nam chưa bao giờ thôi khao khát hòa bình. Chiến tranh tưởng đã lùi xa những vẫn còn trong kí ức của mỗi con người. Có thể vì thế âm nhạc của nghệ sĩ Trịnh Công Sơn còn vang mãi.

Phan Thế Hoài

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nguyen-cho-gio-hoa-binh-bay-ve-muon-huong-179230331221751264.htm