Nguyên nhân khiến nam bác sĩ tử vong khi đá bóng giữa trời nắng

Nam bác sĩ bị ngã quỵ ngay khi đang đá bóng. Dù được cấp cứu kịp thời nhưng bác sĩ này nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê, ngừng tuần hoàn.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn dự báo từ nay đến ngày 28/4, nắng nóng gia tăng và diễn ra trên diện rộng tại các tỉnh Nam Bộ, Tây Bắc Bộ và Trung Bộ, nhiều nơi có nắng nóng đặc biệt gay gắt.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội - cho biết những ngày nắng nóng gần đây, số lượng bệnh nhân đột quỵ được đưa vào cấp cứu tăng, khoảng 30-40 bệnh nhân mỗi ngày.

Đặc biệt, ngày 22/4, một đồng nghiệp của PGS Chi (đang làm việc tại bệnh viện lớn ở Hà Nội) bị ngã quỵ ngay khi đang đá bóng. Dù được cấp cứu kịp thời, bác sĩ này nhanh chóng rơi vào hôn mê, ngừng tuần hoàn.

Đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ khi thời tiết nắng nóng kết hợp với các yếu tố nguy cơ. Ảnh: Lê Hiếu.

Đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ khi thời tiết nắng nóng kết hợp với các yếu tố nguy cơ. Ảnh: Lê Hiếu.

PGS Chi cho biết đây là trường hợp rất nặng, không thể cứu chữa. Bác sĩ 31 tuổi không có tiền sử mắc các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu… Tuy nhiên, bệnh nhân có sẵn bệnh lý bất thường mạch máu não. Vì vậy, khi gặp nắng nóng và gắng sức trong lúc chơi thể thao, bệnh nhân bị đột quỵ, xuất huyết não.

Nắng nóng không phải nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho bác sĩ, mà là yếu tố kết hợp, thuận lợi khiến người bệnh rơi vào tình trạng nguy hiểm. Tình trạng nắng nóng cũng làm nguy cơ đột quỵ gia tăng đối với những người có cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, béo phì…

Những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch… cách duy nhất để tránh đột quỵ là duy trì uống thuốc đều đặn để kiểm soát bệnh. Đột quỵ cần cấp cứu kịp thời trong khoảng thời gian 6 giờ đầu. Khi chậm trễ, bệnh nhân diễn biến nặng, dễ tử vong.

Những ngày tới, thời tiết trên cả nước được dự báo sẽ tiếp tục nắng nóng gay gắt. Các bác sĩ khuyến cáo, mỗi người phải biết bảo vệ mình trong điều kiện môi trường nắng nóng. Đặc biệt, khoảng thời gian từ 12-16h là thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, người dân nên hạn chế vận động, lao động ngoài trời nếu không thực sự cần thiết.

Bác sĩ này cũng lưu ý trong môi trường nắng nóng, nếu tập luyện quá sức, nhiệt độ tăng cao vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe như trường hợp kể trên.

BSCKII Phạm Thị Trà Giang, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), khuyến cáo khi nắng nóng bất thường, người cao tuổi đặc biệt người có tiền sử huyết áp cần thận trọng ra ngoài.

“Nếu ngồi trong điều hòa quá lạnh, bệnh nhân cũng dễ bị sốc nhiệt khi tiếp xúc với không khí ngoài trời. Để phòng chống tai biến, đột quỵ mùa nóng, người bệnh phải dùng thuốc kiểm soát định kỳ, theo đúng liệu trình bác sĩ đã kê đơn, kiểm tra huyết áp 2 lần/ngày. Nếu thấy huyết áp cao bất thường, người bệnh phải đến bác sĩ kiểm tra và điều chỉnh đơn thuốc”, bác sĩ Giang khuyến cáo.

Tại sao dễ bị đột quỵ khi nắng nóng? Nắng nóng là điều kiện thuận lợi làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở cả người trẻ và già.

Song Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguyen-nhan-khien-nam-bac-si-tu-vong-khi-da-bong-giua-troi-nang-post939196.html