Nguyên nhân phổ biến gây nám da

Di truyền, tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời, thay đổi nội tiết tố khi mang thai là các yếu tố tác động không nhỏ tới làn da, tăng nguy cơ nám.

 Tình trạng nám da có thể khiến phụ nữ khó chịu và thiếu tự tin khi giao tiếp. Ảnh: Rapdermbh.

Tình trạng nám da có thể khiến phụ nữ khó chịu và thiếu tự tin khi giao tiếp. Ảnh: Rapdermbh.

Nám da là những mảng da sạm, tối khó nắm bắt trên mặt, có thể giống "vị khách không mời" gây khó chịu cho bạn. Hiểu được nguyên nhân và lựa chọn cách điều trị hiệu quả có thể giúp bạn có làn da sáng, rạng rỡ hơn.

Tiến sĩ Sonia Tekchandani, bác sĩ da liễu nổi tiếng và người sáng lập Tender Skin International tại Ấn Độ, chia sẻ với Hindustan Times Lifestyle về nguyên nhân, yếu tố rủi ro và phương pháp điều trị nám hiệu quả.

Nguyên nhân gây nám da

Tiến sĩ Sonia giải thích nám là tình trạng da khiến các mảng tối xuất hiện trên mặt, phổ biến nhất là ở má, trán và môi trên. Các mảng này có thể đối xứng hoặc không đồng đều và thường rõ hơn ở những vùng da lộ ra ngoài hay tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Nám da phổ biến ở phụ nữ hơn nam và nó thường liên quan việc mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai.

Tiến sĩ Sonia tiết lộ nguyên nhân chính xác gây nám vẫn chưa rõ ràng, nhưng một số yếu tố có thể góp phần làm tăng nguy cơ nám da. Những yếu tố này bao gồm:

Phơi nắng

Tiếp xúc ánh nắng mặt trời là nguyên nhân phổ biến nhất gây nám da. Tia cực tím (UV) từ ánh nắng mặt trời có thể kích hoạt quá trình sản xuất melanin quá mức, gây ra các mảng hoặc đốm sẫm màu trên da. Điều quan trọng là bạn phải thoa kem chống nắng có chỉ số SPF cao, ngay cả trong những ngày nhiều mây, để bảo vệ làn da khỏi các tia có hại của mặt trời.

Thay đổi nội tiết tố

Những thay đổi nội tiết tố, chẳng hạn khi mang thai hoặc khi dùng thuốc tránh thai, có thể gây ra nám da. Điều này là do những thay đổi này có thể kích thích sản xuất melanin, gây ra các mảng hoặc đốm sẫm màu trên da. Đặc biệt, phụ nữ đang mang thai hoặc dùng thuốc tránh thai nên có biện pháp phòng ngừa đặc biệt để bảo vệ da khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời.

Di truyền

Di truyền cũng có thể đóng vai trò trong sự phát triển của nám. Nếu cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình bạn bị nám da, bạn cũng có nhiều khả năng mắc bệnh này. Tuy nhiên, chỉ vì bạn có tiền sử gia đình bị nám không có nghĩa là bạn cũng sẽ phát triển nó.

Loại da

Nám phổ biến hơn ở những người có tông da sẫm màu hơn, vì cơ thể họ tự nhiên sản sinh ra nhiều hắc tố hơn những người có làn da sáng hơn.

 Tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ nám da. Ảnh: Childrensskincenter.

Tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ nám da. Ảnh: Childrensskincenter.

Trị nám da như thế nào?

Tiến sĩ Sonia nói rằng mặc dù nám không thể chữa khỏi, vẫn có những lựa chọn điều trị giúp giảm sự xuất hiện của các mảng sẫm màu này trên da, bao gồm:

Chống nắng: Sử dụng kem chống nắng và tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể giúp ngăn ngừa tình trạng nám trở nên tồi tệ hơn.
Lột da hóa học: Lột da hóa học có thể giúp làm giảm sự xuất hiện của nám bằng cách loại bỏ lớp trên cùng của da, nơi chứa các mảng nám.
Liệu pháp laser: Liệu pháp laser có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu và tiêu diệt các tế bào sản xuất melanin, làm giảm sự xuất hiện của nám.

Nám có thể được ngăn chặn?

Nám da có thể được ngăn ngừa bằng cách thực hiện từng bước và những thay đổi nhỏ trong lối sống. Dưới đây là một số mẹo do tiến sĩ Sonia gợi ý:

Thoa kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30, ngay cả trong những ngày nhiều mây.
Đội mũ rộng vành và đeo kính râm để bảo vệ da mặt khỏi ánh nắng mặt trời.
Tránh ra ngoài vào giờ nắng cao điểm.
Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ, không gây kích ứng da.
Tránh tẩy lông vì điều này có thể gây kích ứng da.

"Mặc dù không phải là tình trạng y tế nghiêm trọng, nám da có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự tự tin và chất lượng cuộc sống của một người. Nếu được điều trị và quản lý đúng cách, mọi người đều có thể giảm bớt sự xuất hiện của nám da và ngăn không cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Điều cần thiết là phải hãy tìm kiếm lời khuyên chuyên nghiệp từ bác sĩ da liễu để xác định nguyên nhân cơ bản gây nám và lựa chọn cách điều trị hiệu quả nhất cho loại da cụ thể của bạn", tiến sĩ Sonia Tekchandani kết luận.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguyen-nhan-pho-bien-gay-nam-da-post1436539.html