Nguyên tắc quan trọng khi cho phép F0 điều trị tại nhà
Những bệnh nhân Covid-19 được phép điều trị tại nhà thuộc nhóm có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng. Họ và người thân phải tuân thủ các quy tắc phòng dịch.
Điều trị tại nhà là phương án được hầu hết quốc gia trên thế giới lựa chọn khi số ca mắc tăng vọt, bệnh viện và hệ thống điều trị quá tải. Các F0 nhẹ, không triệu chứng tự chữa trị cũng giúp giảm áp lực cho nhân viên y tế, vơi bớt tâm lý lo sợ cho người dân.
Tuy nhiên, để phương án này thành công, các cơ quan y tế đều có hướng dẫn rõ ràng, tỉ mỉ và sự hợp tác, tự giác từ bệnh nhân, người thân.
Lựa chọn F0 được điều trị tại nhà
Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hay Dịch vụ Y tế Công cộng Anh (NHS), đều khẳng định hầu hết người mắc Covid-19 đều trong trạng thái nhẹ và có thể tự chữa tại nhà mà không cần đến chăm sóc y tế, nhập viện.
Với khuyến cáo này, hướng dẫn tự điều trị Covid-19 tại nhà chỉ dành cho các F0 không có triệu chứng hoặc tình trạng bệnh nhẹ đến trung bình. Cơ quan y tế của các nước cũng đưa ra hướng dẫn chi tiết về việc phân biệt bệnh nhân nhẹ, trung bình và diễn biến nặng.
Tại tâm chấn Covid-19 của thế giới, Bộ Y tế Ấn Độ khuyến cáo các bệnh viện quá tải, thiếu oxy, việc di chuyển và tới những "quả bom Covid-19 nổ chậm" như cơ sở y tế dễ khiến tình trạng thêm tồi tệ. Do đó, phương án đầu tiên được lựa chọn khi tư vấn cho bệnh nhân là điều trị tại nhà nếu có thể.
Bộ Y tế Ấn Độ đánh giá thời gian ủ bệnh từ 5 đến 12 ngày. Do đó, việc điều trị sau khi nhiễm virus có thể mất ít nhất 2 tuần. Căn cứ vào điều này, các F0 tự điều trị tại nhà trong khoảng thời gian 14-17 ngày kể từ lúc bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Ngoài ra, cơ quan y tế phân loại như bệnh nhân không triệu chứng là người không gặp bất kỳ tình trạng như ho, sốt, cảm cúm và độ bão hòa oxy trên 94%. Các trường hợp nhẹ là những người gặp tình trạng viêm đường hô hấp trên hoặc/và sốt, không bị khó thở, độ bão hòa oxy trên 94%.
Nếu gặp thêm bất kỳ triệu chứng nào khác hoặc độ bão hòa oxy <94%, Bộ Y tế Ấn Độ yêu cầu các F0 liên hệ bệnh viện gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ điều trị.
Các F0 điều trị tại nhà được công bố khỏi bệnh khi đủ hai tiêu chuẩn: Tự cách ly điều trị ít nhất 10 ngày kể từ thời điểm xuất hiện triệu chứng ho, sốt hoặc từ ngày lấy mẫu (đối với bệnh nhân không triệu chứng); 3 ngày liên tiếp không bị sốt. Sau thời gian tự chữa trị tại nhà, các F0 không cần phải lấy mẫu xét nghiệm lại.
Tương tự Ấn Độ, Campuchia cũng khuyến cáo người dân chỉ nên tự cách ly điều trị Covid-19 tại nhà khi bệnh nhẹ. Phương án này được áp dụng từ ngày 6/4 tại Campuchia khi số ca mắc tăng vọt, hơn 80% F0 mắc bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Trước khi bước vào thời gian điều trị, các bệnh nhân và người nhà phải ký vào tờ cam kết. Nếu vi phạm quy định, họ sẽ phải chịu xử lý hình sự.
Tại Mỹ, theo CDC, những người lớn tuổi và trường hợp xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp trên, bệnh diễn biến nặng tuyệt đối không tự điều trị ở nhà. Các F0 này cần liên hệ bác sĩ khẩn cấp ngay khi triệu chứng xuất hiện.
Ngoài ra, từ tháng 11/2020, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho hai phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng (gồm bamlanivimab, do Eli Lilly sản xuất; kết hợp casirivimab và imdevimab, do Regeneron sản xuất).
Hai phương pháp điều trị này đều được sử dụng đối với F0 tự điều trị tại nhà, không nhập viện và trẻ em trên 12 tuổi có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình. Đối với các bệnh nhân này, hai phương pháp trên có thể giảm nguy cơ nhập viện, diễn biến nặng. Ngay sau khi khởi phát triệu chứng, người bệnh cần được tiêm thuốc tĩnh mạch.
Ở Anh, bệnh nhân có thể về nhà tự theo dõi sau thời gian điều trị tại bệnh viện. Lúc này, người bệnh phải đạt yêu cầu là thể trạng và hô hấp ổn định, đang hồi phục và cơ sở vật chất tại nhà đáp ứng việc điều trị. F0 ở bệnh viện muốn về cần được làm xét nghiệm trước đó 48 tiếng. Khi về nhà, họ phải tự cách ly trong 14 ngày kể từ lần xét nghiệm dương tính cuối cùng.
Quy định nghiêm ngặt
Các tài liệu hướng dẫn tự điều trị tại nhà cũng yêu cầu điều kiện cơ sở vật chất và nguyên tắc phòng dịch nghiêm ngặt.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Ấn Độ, bệnh nhân Covid-19 phải cách ly với các thành viên trong gia đình, ở phòng riêng, đặc biệt không tiếp xúc người nhà, trường hợp bị bệnh lý nền (tăng huyết áp, thận, tim mạch...).
Các F0 phải ở trong phòng thông thoáng, mở cửa sổ, không được dùng máy lạnh. Trong suốt quá trình điều trị, người bệnh phải đeo khẩu trang y tế 3 lớp, thay mới sau 8 tiếng sử dụng hoặc khi khẩu trang bị ướt. Bộ Y tế Ấn Độ khuyến cáo người thân, bệnh nhân sử dụng khẩu trang N95 có lọc không khí; chỉ được vứt bỏ khẩu trang sau khi đã khử trùng bằng nước javen 1%.
Trong thời gian điều trị tại nhà, bệnh nhân nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước; thường xuyên rửa sạch tay bằng xà bông, cồn khử trùng; làm sạch bề mặt tiếp xúc thường xuyên.
Hướng dẫn của NHS và Bộ Y tế Ấn Độ đều nhấn mạnh người bệnh nên chuẩn bị máy đo nồng độ oxy để kiểm tra thường xuyên tại nhà. Nguyên nhân là nhiều bệnh nhân có diễn biến nặng âm thầm nhưng không xuất hiện triệu chứng. Đến khi nhập viện, tình trạng bệnh đã rất nặng và nguy kịch.
Người bệnh nên đo nồng độ oxy bão hòa trong máu và nhịp thở 2 lần/ngày và báo với cơ quan y tế ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Theo Mayo Clinic, các dấu hiệu được xem là bất thường ở bệnh nhân Covid-19 gồm có:
- Nồng độ oxy bão hòa trong máu <92%.
- Các triệu chứng như khó thở; đau/tức ngực dai dẳng; lú lẫn; môi hoặc mặt hơi tái xanh; da, môi hoặc móng tay màu nhợt nhạt, xám hoặc xanh lam...
Khuyến cáo từ cơ quan y tế các nước đều nhấn mạnh tính tự giác và tuân thủ của người bệnh, thân nhân khi tự điều trị Covid-19 tại nhà. Bởi nếu không tự giác, đây sẽ là con đường dễ nhất khiến dịch lan ra cộng đồng. Nhóm dễ gặp nguy hiểm, nhập viện và nguy cơ tử vong cao nhất chính là người cao tuổi, mắc bệnh lý nền.