Nguyễn Trương Quý: Bàn tay ra phố

Có một huyền thoại đô thị phương Tây lan truyền trong giới nữ, ấy là phụ nữ ra đường dù thế nào cũng nhất thiết phải cầm một cái xắc hay túi. Họ lập luận rằng, đi tay không ra đường giống như… cởi truồng vậy! Thế là mỗi phụ nữ nếu không bận rộn bế con hay xách làn đi chợ thì bàn tay không được trống vắng. Mỗi phụ nữ mặc nhiên trở thành khách hàng của ít nhất một nhãn hiệu thời trang túi xách.

Còn ở ta, quả thực tranh ảnh về phụ nữ xưa nay “không xay lúa thì ẵm em”. Nhưng đàn ông cũng đâu có rảnh tay, ông lý cầm ô đã đành, vô công rồi nghề như Chí Phèo cũng lăm lăm chai rượu - khi không uống thì có thể dùng làm dụng cụ hành nghề rạch mặt ăn vạ! Còn nhìn vào chân dung các vị anh hùng cái thế, từ thuở mang gươm đi mở cõi, tùy binh khí mà nhận diện vị thế xã hội.

Thế kỷ XX mở ra gắn với sự hiện đại hóa xã hội Việt Nam trong bối cảnh thuộc địa. Tầng lớp sĩ phu Nho học dĩ nhiên đã thất thế. Câu thơ tả về buổi giao thời của Tú Xương “vứt bút lông đi, giắt bút chì” mặc nhiên gói gọn thần tình sự thay đổi công cụ lao động của tầng lớp trí thức thuộc địa.

Chân dung Nguyễn Khuyến (1835-1909) trên bia mộ.

Chân dung Nguyễn Khuyến (1835-1909) trên bia mộ.

Bức ảnh thi hào Nguyễn Khuyến, người đồng thời Tú Xương, cho thấy một tay ông cầm chén rượu, tay kia phô ra những móng tay dài kiểu “lá lan”. Những bàn tay của các bậc trí thức xưa không để cầm nắm những dụng cụ lao động nặng, cái họ cầm trong cuộc đời ngất ngưởng ngoài chiếc bút lông là chén rượu, roi chầu thưởng thức hát cô đầu hay cần câu cá, mà cũng là câu chơi “tựa gối ôm cần lâu chẳng được”.

Cũng Tú Xương đã tự trào mình là đỉnh cao vô tích sự khi viết “sáng vác ô đi tối vác về”. Câu này mau chóng bị trưng dụng làm thành ngữ áp dụng cho chính các thế hệ công chức hậu sinh.

Người ta ngậm ngùi vì sự bạc nhược của tầng lớp trí thức nước nhà khi nhìn vào đôi bàn tay yếm thế, những người vốn dĩ không còn như hình tượng “vốn dòng hào kiệt”, xếp bút nghiên theo việc đao cung, thét roi cầu Vị, đã chỉ còn gửi gắm trong những bài hát nói ở xóm cô đầu. Từ roi ngựa đến roi chầu, sự chuyển dịch hình tượng nam nhi trong câu hát ả đào như trêu ngươi đàn ông Việt.

Nếu quan sát kho dữ liệu từ chương của các bậc sĩ phu buổi giao thời, người ta dễ tưởng sự khéo tay chỉ là một huyền thoại khi nói về người Việt. Ngay từ khi người Pháp áp đặt sự cai trị, tầng lớp thực dân bên cạnh việc nhìn ra các thói hư tật xấu của người An Nam, cũng dành một vài biệt lệ khi nói tới khả năng làm việc chân tay trong các ngành nghề cần tỉ mỉ của dân chúng.

Bản thông cáo của triển lãm thế giới 1889 tại Paris đã quảng cáo về các nghệ nhân An Nam tại đây, đại diện cho xứ Đông Dương: “Trí tưởng tượng của họ, sự chắc chắn của những đôi bàn tay, và khả năng làm việc nhanh chóng của họ thực đáng ngạc nhiên”.

Sự khéo tay chính là một trong những năng lực của người bản xứ mà người Pháp nhấn mạnh như một thành quả trong công việc khai thác thuộc địa khi tổ chức các đấu xảo, tức các triển lãm.

Việt Nam sử lược, bộ sử xuất bản bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam do Trần Trọng Kim viết đúng 100 năm trước, khuếch trương một chủ nghĩa dân tộc thông qua các nhận xét về người Việt, trong đó có “khéo chân tay”. Các nhà trí thức canh tân đã nhìn nhận chìa khóa cho sự tiến bộ là nhờ óc học tập và tay nghề thực nghiệp.

Một vị quan thời Pháp thuộc ở Sài Gòn với bàn tay có móng “lá lan”.

Một vị quan thời Pháp thuộc ở Sài Gòn với bàn tay có móng “lá lan”.

Cao trào hiện đại hóa xã hội ba thập niên đầu thế kỷ XX dẫn đến thay đổi tất yếu hình ảnh bàn tay con người. Bằng cái nhìn diễn giải của các ý thức hệ phương Tây, con người được quy định bởi phương tiện họ nắm trong tay.

Tượng đài to loại nhất Hà Nội thời Pháp có sự hiện diện của người Việt là đài Tử sĩ (Monument aux Morts) ở công viên Robin nhằm tưởng niệm các binh lính Pháp trong Thế chiến thứ nhất.

Ngoài phần nóc có tượng hai người lính Pháp đang cầm súng và ném lựu đạn thì bên dưới là tổ hợp bốn thành phần xã hội thuộc địa, “sĩ nông công thương”, nhưng hình tượng quen thuộc đập vào mắt người dân nhất chính là cảnh người nông dân gánh cày chìa vôi đi sau con trâu, khiến cho bức tượng và vườn hoa mang cái tên Canh Nông.

Trong khi ấy, tư tưởng Mác xít xâm nhập xã hội cũng gắn với hình tượng đôi bàn tay cầm búa liềm. Rất liên quan khi tượng đài Canh Nông đã bị giật đổ năm 1945 dưới thời Chính phủ Trần Trọng Kim và bốn mươi năm sau, bức tượng nhà cách mạng Mác xít lớn nhất mọi thời đại là Lênin đã được dựng lên tại đây.

Ảnh bàn tay có móng “lá lan” trên bưu thiếp thời Pháp thuộc.

Ảnh bàn tay có móng “lá lan” trên bưu thiếp thời Pháp thuộc.

Trào lưu nghệ thuật nhiều năm dường như phân biệt bằng cách các văn nghệ sĩ cho nhân vật của mình cầm gì trong tay. Những bức tranh của Tô Ngọc Vân trước 1945 và thời kháng chiến phản chiếu hai cách tiếp cận hiện thực: Thiếu nữ bên hoa huệ - tay nhân vật cầm vào bông hoa loa kèn (tức huệ tây theo cách gọi hồi ấy) một cách hững hờ và Đốt đuốc đi học - một người nông dân tay ôm cuốn vở và cây bút, tay cầm bó đuốc soi đường.

Những vật dụng con người cầm lấy đại diện chính thân phận và tâm trạng của họ. Suốt những năm tháng chiến tranh, bàn tay con người dường như không ngơi nghỉ trong văn chương, hội họa hay âm nhạc.

Thậm chí “tay không” cũng mang mục đích. Các thành ngữ “tay không tấc sắt” hay “tay không bắt giặc” được dùng như một phép ẩn dụ cho chiến tranh nhân dân, khi ai nấy đều nằm trong một trạng thái trực chiến của “ba đảm nhiệm” hoặc “ba đảm đang”.

Các bức tranh cổ động hay tượng đài nhất thiết gắn các nhân vật với các công cụ lao động hay chiến đấu.

Sáng hôm nay, anh tôi vác cuốc,
vác cuốc ra thăm đồng.
Anh cuốc như thế này, rồi cuốc như thế kia,
như thế này rồi như thế kia.
(Em yêu công nông binh - Lưu Hữu Phước, 1950)

Bài hát trên phải được dàn dựng với hoạt cảnh người hát biểu diễn động tác cuốc đất (nông dân), nện búa (công nhân) hay bắn súng (binh sĩ) thì mới diễn tả đúng tinh thần đời sống mới. Tuy nhiên bài hát này cùng với đôi câu thơ “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” của Hoàng Trung Thông có lúc bị giễu nhại vì tính thật thà của chúng.

Nhưng chẳng phải tính thật thà là một mục đích cần thiết để chúng ra đời hay sao? Xét cho cùng, những anh chàng thất tình “giơ tay buồn hái bông hồng tường vi” trong bài hát lãng mạn Cô láng giềng của Hoàng Quý thời trước 1945 cũng bày tỏ tình yêu rất thật thà.

Câu ca nổi tiếng nhất của Hoàng Quý gói trọn tư thế và tâm cảm của con người thành thị thời thuộc địa. Nhưng nó mang đến một ý niệm khác về bàn tay vô mục đích, điều dường như gần với một cảm thức vô vi của các nhà nho xuất thế hay tài tử rong chơi thời trung đại. Đôi bàn tay buồn cung cấp một ý niệm có phần siêu hình, thứ vắng bóng trong các diễn ngôn nặng tính mục đích của người Việt.

Tờ nhạc Cô láng giềng (Hoàng Quý) của Nhà xuất bản Tinh Hoa những năm 1950.

Tờ nhạc Cô láng giềng (Hoàng Quý) của Nhà xuất bản Tinh Hoa những năm 1950.

Bàn tay buồn còn trở lại trong hệ thống các biểu tượng của một nhạc sĩ hai thập niên sau Cô láng giềng, ấy là Trịnh Công Sơn. Người tình lãng du của nhiều thế hệ viết “Tay trơn buồn ôm nuối tiếc” (Nhìn những mùa thu đi) - tiếc ngày thu đi qua, tiếc một chuyện tình nhạt phai?

Rất nhiều lần bàn tay trống vắng được nhắc đến: Tay hư vô đốt nến/ Chiều qua bao nhiêu lần tay rời/ Bàn tay buông lối ngỏ/ Bàn tay quen hơi băng giá... thậm chí còn gián tiếp gợi lại đóa tường vi tiền chiến: Một đêm bước chân về gác nhỏ, chợt nhớ đóa hoa tường vi. Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ, giờ đây đã quên vườn xưa...

Bàn tay trống vắng rõ ràng là một ẩn dụ về sự mất mát. Trong khi đó, những bức hình nhạc sĩ những khi không ôm đàn guitar thì thường cầm điếu thuốc hay ly rượu. Có gì đó rất chung giữa cụ Tam nguyên Yên Đổ với Trịnh ở hình ảnh này, hay là hình tượng người thơ ca nước Việt thời nào cũng thế, nỗi buồn nhân sinh trút cả vào động tác cầm “chén rượu cay một đời tôi uống hoài” (Phôi pha).

Nhạc Trịnh Công Sơn cũng mang những cảm hứng từ triết lý Phật giáo. Bàn “tay không” thực ra cũng là “tay có”. Tay không cũng tạo ra năng lượng.

Tranh móng tay nho sĩ, khắc gỗ dân gian - Henri Oger (1909).

Tranh móng tay nho sĩ, khắc gỗ dân gian - Henri Oger (1909).

Phật giáo thừa kế 108 thế thủ ấn, và hình tướng Đức Phật cũng nổi tiếng với các thủ ấn mang những ý nghĩa riêng. Bức tượng lộng lẫy nhất trong hệ thống điêu khắc tượng cổ Việt Nam chính là tượng Phật Quan âm nghìn tay nghìn mắt.

Ngoài những bàn tay dụng một thế thủ ấn còn có rất nhiều bàn tay cầm một pháp bảo để cứu độ chúng sinh. Nhưng điều quan trọng là ở lòng mỗi bàn tay lại có một con mắt, thể hiện “tri” đi đôi với “hành”, biết gắn liền với làm, nhìn thấy nỗi khổ và có ngay hành động để cứu vớt.

* * *

Trong những câu chuyện trinh thám hay tình báo, tâm lý nhân vật có khi bị phát giác qua cử chỉ đôi tay, qua cách họ sử dụng đồ vật. Điệp viên thường che giấu được ánh mắt, nhưng dường như cách cầm nắm đồ vật, các thứ họ cầm trong tay ẩn chứa những cội rễ về văn hóa, giáo dục và thói quen sinh hoạt từ trước. Bàn tay người khéo léo ẩn chứa một kỹ năng đã được đào luyện, một ý thức về công việc ở mức độ tận tâm.

Vậy sau cả thế kỷ cầm roi chầu, vít hoa tường vi, nắn cung đàn đầy vơi, cầm cuốc cầm súng “như thế này rồi như thế kia”, giờ đôi tay người Việt cầm gì?

Người thợ thêu Việt Nam ở Triển lãm thế giới 1937 tại Paris, trong phim tư liệu.

Người thợ thêu Việt Nam ở Triển lãm thế giới 1937 tại Paris, trong phim tư liệu.

Một trong những thế mạnh của kinh tế Việt Nam đầu thế kỷ XXI là xuất khẩu hàng may mặc và da giày. Lĩnh vực này vận dụng sự cần cù và tỉ mỉ của bàn tay người Việt. Sau nhiều thập niên khái niệm Việt Nam mang đầy tính biến cố gắn với chiến tranh, hàng chữ “Made in Vietnam” có mặt trên tem hàng trong một cái áo sơmi hay đôi giày đang bán ở một trung tâm thương mại Mỹ hay Pháp mà không khiến khách hàng nghĩ đến bom napalm hay nghèo đói.

Thế còn khi không dùng bàn tay để lao động, người Việt lúc rảnh tay làm gì? Sau roi chầu một thế kỷ, đàn ông Việt cũng thạo cầm micro trong quán hát karaoke, thứ từng được một nhà nghiên cứu nước ngoài ví von như loại hình hát cô đầu kiểu mới, dĩ nhiên với điều kiện có tiếp viên nữ. Nhưng nhà nghiên cứu này sẽ phải đối diện một thực tế mới của công nghệ: người Việt đã kịp không để cho bàn tay được yên. Giờ đây chúng bận rộn với điện thoại thông minh.

Tượng đài "Canh Nông" ở Hà Nội năm 1939.

Tượng đài "Canh Nông" ở Hà Nội năm 1939.

Việt Nam ngoài việc là nơi lắp ráp nhiều điện thoại di động Samsung thì cũng là một thị trường nóng sốt của điện thoại di động nói chung. Lĩnh vực tạo ra các ứng dụng thông minh hay các trò chơi trên điện thoại thu hút một lượng lao động mới. Trò chơi gây nghiện nhất mạng toàn cầu năm 2014 là Flappy Bird do lập trình viên Nguyễn Hà Đông tạo ra vì độ khó của nó mặc dù yêu cầu rất đơn giản: điều khiển sao cho một con chim vỗ cánh bay lọt qua những cái khe giữa các ống nước trên màn hình.

Để thắng được trò chơi “điên rồ, khó chịu” như “ma túy” này, bàn tay người chơi phải cực khéo léo. Tất nhiên rồi, để chơi được những trò chơi gây nghiện ấy, mỗi bàn tay đã không thể rời vật bất ly thân là cái điện thoại.

Giờ đây, huyền thoại phụ nữ ra đường nhất thiết xách túi thời trang đã lu mờ trước hình ảnh một nữ thương gia tay cầm iPhone đời mới nhất, nói chuyện qua tai nghe không dây. Còn người tình của cô, bậc nam nhi thời mới, trả lời cô qua chiếc đồng hồ tích hợp chức năng điện thoại thông minh ở cổ tay. Bàn tay anh ta sẽ có thể vui buồn mà rảnh rang hái một đóa tường vi chăng?

Bài: Nguyễn Trương Quý - Ảnh: TLTG

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nguyen-truong-quy-ban-tay-ra-pho-20747.html