Nhà báo Nguyễn Đức Cảnh với Báo chí Cách mạng Việt Nam

Sáng ngày 1/10, Tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp cùng Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề: 'Nhà báo Nguyễn Đức Cảnh với Báo chí Cách mạng Việt Nam'. Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và đông đảo các nhà khoa học, cán bộ công đoàn, sinh viên báo chí cùng tham dự tọa đàm.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Đây là chương trình ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Tạp chí Công hội Đỏ (nay là Tạp chí Lao động và Công đoàn) xuất bản số đầu tiên (1/10/1929 – 1/10/2024) – do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Tổng biên tập.

Ông Trần Duy Phương, TBT Tạp chí Lao động và Công đoàn cho rằng: Tọa đàm nhằm tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với nền Báo chí Cách mạng Việt Nam; đồng thời cung cấp thêm nhiều thông tin, phát hiện mới về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đặc biệt là trên phương diện báo chí.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908-1932) là một trong những lãnh tụ Cách mạng tiền bối của Đảng, một người cộng sản kiên trung, đồng thời là một nhà báo lớn của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh là người sáng lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời cũng là chủ bút đầu tiên của Tạp chí Công hội Đỏ (tiền thân của Tạp chí Lao động và Công đoàn ngày nay). Nhớ đến đồng chí là nhớ đến một nhà báo cách mạng, nhà lý luận chính trị tài ba.

Cụ thể, tháng 9/1927, Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật được cử sang Quảng Châu, Trung Quốc gặp Tổng Bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí hội dự lớp huấn luyện chính trị (có hơn 10 người) do các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn giảng dạy. Đó là các bài giảng với tựa đề “Đường kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc. Sau lớp huấn luyện chính trị, Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật đã ly khai Quốc dân đảng, tự nguyện gia nhập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội.

Cuối năm 1927, đồng chí làm việc tại cơ quan in đặt tại cơ sở cách mạng ở phố Chợ Đuổi (nay là phố Tuệ Tĩnh, Hà Nội) với nhiệm vụ tuyên truyền vận động cách mạng, đặc biệt là truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin nhằm giác ngộ quần chúng.

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của báo chí trong vận động cách mạng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã sử dụng báo chí làm vũ khí chiến đấu sắc bén, tích cực chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động công nhân đoàn kết trong đấu tranh giai cấp.

Theo ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thì: Nhà báo Nguyễn Đức Cảnh đã góp phần tích cực vào việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời là Hội trưởng lâm thời Tổng Công hội Bắc Kỳ và là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Lao Động và Tạp chí Công hội Đỏ (nay là Tạp chí Lao động và Công đoàn).

Cho đến thời điểm hiện tại, dựa trên tài liệu công bố, có thể khẳng định Tạp chí Công hội Đỏ (xuất bản số đầu tiên ngày 1/10/1929) là tờ tạp chí có tính nghiên cứu, lý luận đầu tiên trong lịch sử báo chí cách mạng. Sự ra đời của Tạp chí Công hội Đỏ là dấu son của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, hé ra chân trời, triển vọng của giai cấp vô sản và của cách mạng. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị và tuyên truyền rất lớn của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ và của Đông Dương Cộng sản Đảng mà lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh là linh hồn.

Mục đích ra đời của Tạp chí Công hội Đỏ được tóm gọn trong lời tuyên ngôn: “Vô sản giai cấp phải có báo chí của vô sản giai cấp”. Tôn chỉ mục đích của Tạp chí được xác định ngay từ đầu là “Cơ quan truyền bá lý luận của Công hội Đỏ trong giai cấp công nhân Việt Nam”.

Tạp chí Công hội Đỏ số đầu tiên (01/10/1929) có 4 chuyên mục gồm: Luận thuyết; Kinh nghiệm phấn đấu; Thư từ đi lại; Tin tức; số thứ hai (01/11/1929) có 4 chuyên mục gồm Chính trị; Lý luận tranh đấu; Thư từ đi lại; Tin tức.

Việc quyết định ra tờ Tạp chí Công hội Đỏ (mà cho đến nay dù chỉ còn lưu trữ được 02 số đầu tiên) đã phản ánh trình độ lý luận, báo chí của Đông Dương Cộng sản Đảng và Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, mà người đại diện là lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Có thể khẳng định ý hướng của Nguyễn Đức Cảnh và những người đồng chí của mình là xây dựng nên một tờ tạp chí cách mạng đầu tiên, cho dù mới chỉ nằm trong khu vực của tổ chức Công hội Đỏ.

Trong khuôn khổ chương trình, Tạp chí Lao động và Công đoàn trao tặng tượng bán thân đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam để bổ sung thêm hiện vật tại phòng trưng bày giai đoạn báo chí 1925-1930.

Đây là chương trình ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Tạp chí Công hội Đỏ (nay là Tạp chí Lao động và Công đoàn) xuất bản số đầu tiên (1/10/1929 – 1/10/2024). Chương trình cũng nằm trong chuỗi các hoạt động hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (1925 – 2025).

Tạp chí Lao động và Công đoàn đã trở thành một trong những tạp chí có sức ảnh hưởng lớn nhất, với vai trò chính là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, đồng thời lan tỏa những thông tin về các hoạt động công đoàn trên khắp cả nước.

Không những thế, Tạp chí còn là nơi phản ánh tiếng nói của người lao động về các vấn đề, như: An toàn lao động, quyền lợi bảo hiểm, mức lương và các chính sách liên quan.

Một trong những thành tựu nổi bật của Tạp chí Lao động và Công đoàn trong suốt chặng đường 95 năm chính là những giải thưởng danh giá trong lĩnh vực báo chí, trong đó đặc biệt là phóng sự điều tra Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên đã đoạt giải C giải Báo chí Quốc gia năm 2023.

Một điều khá thú vị là đúng vào ngày kỷ niệm 95 năm ngày xuất bản số đầu, Tạp chí đã vinh dự có tác phẩm đoạt giải Cuộc thi chính luận Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng do Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương tổ chức. Điều đó cho thấy, Tạp chí không chỉ chú trọng về những tác phẩm chính luận, mang nặng về tính lý luận mà còn quan tâm đầu tư những phóng sự điều tra gai góc.

Các chuyên mục như “Đời thợ”, “Cà phê tối”, “Talk Công đoàn”... đã trở thành một dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng, nơi mà những câu chuyện, tâm tư và nguyện vọng của người lao động, trao đổi trực tiếp về các vấn đề nóng bỏng của công đoàn, quyền lợi người lao động và an toàn lao động, được chia sẻ một cách chân thực và đầy cảm xúc.

Những câu chuyện ấy không chỉ là phản ánh thực tế mà còn là những bài học về nghị lực, ý chí vươn lên của giai cấp công nhân, cũng là nơi để chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng, động lực cho người lao động.

Sự phát triển không ngừng của Tạp chí Lao động và Công đoàn qua các giai đoạn lịch sử là minh chứng cho sự bền bỉ, kiên cường của một cơ quan báo chí luôn đặt người lao động lên hàng đầu.

Trên con đường phát triển, Tạp chí đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, cải tiến cả về nội dung và hình thức, nhằm mang lại những thông tin chất lượng nhất đến độc giả.

Điều này đã giúp Tạp chí giữ vững vị thế là một trong những tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực công đoàn và lao động, đồng thời đóng góp to lớn vào việc bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống cho người lao động Việt Nam.

Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập không chỉ là dịp để nhìn lại quá trình phát triển đầy tự hào của Tạp chí, mà còn là dịp để khẳng định vai trò và sứ mệnh của Tạp chí trong tương lai.

Với những nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên và sự tin tưởng, đồng hành của bạn đọc, Tạp chí sẽ tiếp tục vững bước, trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của giai cấp công nhân, của các tổ chức Công đoàn và của toàn xã hội. Tạp chí Lao động và Công đoàn, dưới sự dẫn dắt của các thế hệ lãnh đạo và đội ngũ phóng viên tận tụy, vẫn, đang và sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình – mang lại tiếng nói cho giai cấp công nhân, bảo vệ quyền lợi cho người lao động và góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

Mai Chí Vũ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nha-bao-nguyen-duc-canh-voi-bao-chi-cach-mang-viet-nam-188710.htm