Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh - một ngòi bút đa sắc

Nguyễn Văn Vĩnh là một nhà báo đa tài. Ông có thể viết tin, nghị luận, làm thơ, khảo cứu, phóng sự đều sắc sảo. Ông cũng là người ham đọc. Người đương thời nhận xét, ông đọc bất cứ cái gì có chữ rơi vào tay. Ông đã cổ súy và truyền bá chữ Quốc ngữ với một câu nói nổi tiếng: 'Nước Nam ta mai sau này hay dở, là ở chữ Quốc ngữ'.

Sinh năm 1882, quê hương Nguyễn Văn Vĩnh là làng Phượng Dực (nay thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Từ nhỏ, học giỏi thần đồng. 15 tuổi đỗ thủ khoa Trường Thông ngôn, rồi đi làm thông phán Tòa sứ. Sau 10 năm làm công chức, ông xin ra ngoài làm báo, là chủ bút 7 tờ báo bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, trở thành nhà báo, nhà dịch giả nổi tiếng.

Người đa tài - chủ bút nhiều tờ báo

Chân dung nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh.

Chân dung nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh.

Năm 25 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh là chủ tờ báo lớn, và ngày 28/3/1907 tờ Đăng Cổ tùng báo chính thức ra đời. Khổ báo tương đương khổ giấy A4 bây giờ, phát hành hàng tuần, giá bán 10 xu.

Bên ngoài trang bìa tờ Đăng Cổ tùng báo có in mấy chữ Hán: Nghiệp duy cần, chí duy nhất, hợp lực tương trợ, đồng tâm cộng tề (Với nghề nghiệp chuyên cần, có một chí hướng, hiệp lực giúp đỡ nhau, tất cả đồng lòng).

Các trang trong chia làm hai cột, cứ vài ba trang chữ Quốc ngữ lại có trang chữ Hán, không định lệ. Nội dung tờ báo có tin tức trong và ngoài nước. Các bài xã thuyết đều do Nguyễn Văn Vĩnh viết, ký các bút danh: Tân Nam tử, Mũi tẹt tử. Về sau báo có thêm chuyên mục Nhời đàn bà, chuyên nói chuyện phụ nữ, lại có cả trang văn nghệ, đăng thơ, phú và cả thơ dịch, chủ yếu do Nguyễn Văn Vĩnh dịch những bài thơ Laphongten.

Ông Vĩnh còn làm chủ bút tờ Tuần báo Đông Dương tạp chí, ra thứ 5 hàng tuần. Ban biên tập gồm những người tài năng ở Bắc Kỳ mà ông Vĩnh quy tụ được, đó là: Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính, Tản Đà. Cả Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng Kim và Phạm Duy Tốn…

Đông Dương tạp chí là nơi truyền bá cổ súy chữ Quốc ngữ, kêu gọi sử dụng rộng rãi để luyện cho văn xuôi trong sáng bình dị, xây dựng nền quốc văn mới, diễn đạt tư tưởng trong các loại văn phê bình văn học, nghị luận.

Đến ngày 15/6/1915, Nguyễn Văn Vĩnh cho ra đời tờ Trung Bắc tân văn. Ban đầu đây là tuần báo, sau 4 tháng, báo ra 3 số mỗi tuần. Rồi từ tháng 1/1919, báo ra hàng ngày.

Nguyễn Văn Vĩnh đã viết hàng nghìn bài báo, với đủ các thể loại, nhiều mục với nhiều bút danh khác nhau. Ông chăm chút câu văn, tu sửa ngôn từ không chỉ là chữ Pháp, mà còn là chữ Việt để đọc lên nghe trong sáng, lại giản dị và súc tích. Có điều dù ở thể loại nào, Nguyễn Văn Vĩnh cũng thể hiện bằng một nghệ thuật hấp dẫn, thu hút.

Nổi tiếng về dịch thuật, ông dịch Hán văn sang Pháp văn, dịch Pháp văn sang chữ Quốc ngữ, với đủ thể loại: thơ, tiểu thuyết, kịch, truyện… Đặc biệt “Truyện Kiều” của Nguyễn Du được ông dịch sang Pháp văn. Đến nỗi có nhà báo người Pháp nói rằng, đọc bản dịch của ông Vĩnh thấy hay như bản gốc từ chính quốc.

Trâu cày… chữ

Tờ báo Đông Dương tạp chí và Trung Bắc tân văn.

Tờ báo Đông Dương tạp chí và Trung Bắc tân văn.

Ngòi bút Nguyễn Văn Vĩnh viết nhiều thể loại. Đó có thể viết tin, nghị luận, làm thơ, khảo cứu, phóng sự đều sắc sảo. Sinh thời, nhà văn Vũ Bằng đã nhận xét: “Ông Vĩnh là người lắm công nhiều việc. Ông làm việc như trâu cày. Thú thật, cho đến bây giờ, tôi sợ nhiều người nhưng chưa sợ gì như sợ cái tài viết của ông”.

Ông Vĩnh rất giỏi văn nghị luận. Những vấn đề trong xã hội, từ to lớn đến nhỏ bé thường nhật con người, ông đều có thể phát hiện và phân tích. Rồi để cổ vũ cho đọc báo, ông đã viết bài thơ “Đọc báo có lợi” đăng trên Trung Bắc tân văn:

“Làm người muốn mở mang trí não

Phải đem nhời nhật báo giảng ra

Âu châu các nước người ta

Thợ thuyền binh, lính đàn bà, trẻ con

Dẫu làm ruộng đi buôn cũng thế

Tờ báo chương sẵn để cạnh mình

Để xem người giảng văn minh

Ai ai cũng biết sự tình dở hay…”

Trên Đăng cổ tùng báo, ông cho đăng liên tiếp những chuyện phê phán thói lười biếng dẫn tới đói nghèo, hay lối sống thờ ơ. Ông viết bài kêu gọi người dân thực hiện dân quyền.

Lại có bài “Chết về gạo” phân tích sâu sắc vì sao độc canh cây lúa mà dân vẫn đói. Bài báo mang tính phát hiện, dáng dấp màu sắc của thương mại.

Trên Đông Dương tạp chí số 2, Nguyễn Văn Vĩnh đã có bài “Học hành”, chỉ trích thói học vẹt, sáo rỗng không thực tế. Và từ thế kỷ trước, ông đã phát hiện ra vấn đề du học, nói tới sự cần thiết cử người đi du học nước ngoài, học cái văn minh tiến bộ hiện đại cho đất nước mình.

Nguyễn Văn Vĩnh đi nhiều và luôn khám phá những điểm nóng, điều mà xã hội tâm đắc. Những bài báo có giá trị thời sự, một số quan điểm ông nêu ra vẫn có giá trị đối với báo chí ngày nay. Nhìn lại, hóa ra, hơn 100 năm trước Nguyễn Văn Vĩnh đã tiên phong và chủ động thay đổi rất nhiều chuyên mục trên báo chí của mình, để đáp ứng nhu cầu đời sống bạn đọc.

Trong chuyên mục Nhời đàn bà trên Đăng Cổ tùng báo và Xét tật mình trên Đông Dương tạp chí làm ví dụ. Ở đây mọi góc cạnh trong đời sống, chuyện mang thai, nuôi dạy con, chăm sóc chồng con, trang phục, vệ sinh, nữ công gia chánh, được nêu ra, và vì thế nó được công chúng đón nhận coi như là người bạn tâm tình.

Báo bấy giờ lên án các thói hư tật xấu của người Việt: Tệ nói dối, lãng phí, vô cảm, sự lười biếng, ỷ lại và cả về kỹ năng sống. Nguyễn Văn Vĩnh rất đau xót trước cảnh sống nhân dân còn nghèo khó, người sống còn không có cái ăn, mà bỏ nhiều tiền mua vàng mã đốt cho hồn ma. Cách đây 100 năm, ông đã lên án chuyện “đốt pháo là thậm dã man, thậm hay sinh phiền, thậm vô lý, nên bỏ dứt đi”.

Sinh tử vì nghề

Ngoài làm báo, Nguyễn Văn Vĩnh còn hoạt động doanh thương, đa ngành nghề. Năm 1906, đi dự Hội chợ Macxay về nước, ông trở thành chủ bút các báo: Đăng Cổ tùng báo, Lục Tỉnh tân văn, Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn… Ông từng sang Đức nghiên cứu về nhà in, nhà xuất bản, cách làm báo tân tiến. Khi về, ông bán máy cũ, thế chấp nhà in cũ, tài sản gia nghiệp, vay tiền ngân hàng Đông Dương, đầu tư vào công nghệ in mới.

Nguyễn Văn Vĩnh còn cho mở thêm một xưởng sản xuất nước chanh giải khát theo phương pháp tối tân, gọi là nước chanh T.B. (Trung Bắc). Ông còn làm đồn điền ở Cổ Bi, tổ chức khai khẩn rừng ở Kép và Phố Vị để làm củi và làm than. Ông mua lại cơ sở nhà hàng cơm Tây và khách sạn lớn ở phố Hàng Trống (tức Hotel des Colonies) đổi tên là “Trung Bắc khách sạn”.

Bươn chải, nhưng thiếu vốn, phải vay nợ, nợ chính là ngân hàng Đông Dương. Những năm 1930-1932, là thời kỳ kinh tế khủng hoảng, bao nhiêu nhà kinh doanh vay vốn ngân hàng đều sụp đổ. Cuộc khủng hoảng giống như cơn lốc quét mạnh vào ngôi nhà kinh doanh báo chí, in ấn của Nguyễn Văn Vĩnh. Nợ không trang trải được, ông phải thế chấp tài sản, vẫn không đủ. Ông lâm vào thế bần cùng, dẫn đến phá sản, nguy cơ phải vào tù. Ông đành chấp nhận đi đào vàng trả nợ. Ông sang Lào từ tháng 3/1936 và ngày 1/5/1936 đã chết đột ngột bên dòng sông SoPôn (Lào).

Nguyễn Vỹ, bạn thân của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, con trai Nguyễn Văn Vĩnh kể: “Quan tài của cụ Nguyễn Văn Vĩnh được đưa xe lửa từ Lào về đến ga Thường Tín. Tất cả các giới sĩ, nông, công, thương ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đều tự động kéo nhau đi, sắp hàng tư, hàng năm, có đến mấy chục ngàn người, đi bộ gần cây số, để đón rước linh cữu của bậc văn hào. Một số anh em làng Văn nhóm tại Tòa soạn báo Phương Đông của Lan Khai, thảo luận về việc đưa đám. Có mặt trong buổi họp: Trương Tửu, Lan Khai, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Triệu Luật, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân… Sau cùng, mọi người giao việc soạn bài điếu văn cho Trương Tửu”.

Nguyễn Văn Tố đã viết trên Tạp chí Tin tức Hội Tương tác Giáo dục Đông Dương, số ra tháng 6 năm 1936 như sau: “Ngày 1/5 vừa rồi, khi học giới nước Nam bị cướp đi một Nguyễn Văn Vĩnh mà họ vô cùng trọng vọng, có thể nói rằng tất cả những ai ở Đông Dương gắn bó hoặc quan tâm đến phong trào tư tưởng của người nước Nam đều xúc động sâu xa. Bởi vì ngay lập tức tất cả mọi người cảm thấy rằng một chút gì thuộc về cái thiện và cái dũng đã vừa tắt theo con người có khí chất mạnh mẽ và cao cả ấy”.

Ngô Bằng Giực phúng đôi liễn, tỏ lòng kính phục:

“Tài cao chí lớn, tận tụy với báo giới quốc dân, tiên phong khua trống phất cờ, công để ngàn sau nên sử sách.

Chức trọng quan sang, nhất thiết mặc trào lưu thế lực, thực nghiệp xây nền đắp móng, cuộc sao nửa độ đã tang thương”.

KHÚC HÀ LINH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nha-bao-nguyen-van-vinh-mot-ngoi-but-da-sac-10283679.html