Nhà đầu tư cá nhân vẫn là lực đỡ chính cho các thị trường chứng khoán
Theo báo cáo cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu tháng 7 của Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nhà đầu tư cá nhân vẫn là lực đỡ chính cho các thị trường chứng khoán.
Tháng 7 đón nhận kết quả tăng trưởng kinh tế quý 2 ảm đạm, nhiều nền kinh tế chính thức rơi vào suy thoái.
Cùng với đó là sự bùng phát mạnh của làn sóng dịch bệnh thứ 2 đã khiến các triển vọng hồi phục kinh tế trở lên bi quan hơn.
Theo khảo sát các nhà quản lý quỹ đầu tư toàn cầu do Bank of America Merrill Lynch’s thực hiện hàng tháng, số nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế toàn cầu hồi phục theo hình chữ V đã giảm từ 18% của tháng 6 xuống 14% trong tháng 7, trong khi các dự báo hồi phục theo mô hình U hoặc W tăng lên (lần lượt là 44% và 30%).
Có tới 71% các nhà quản lý quỹ tham gia khảo sát cho rằng cổ phiếu đã vượt giá trị thực và giữ quan điểm thận trọng, chuẩn bị cho các tin xấu hơn từ thị trường.
Trong khi đó, dòng tiền đầu tư tại thị trường Việt Nam lại đón nhận các tín hiệu tích cực hơn trong tháng 7.
SSI dẫn chứng, dòng vốn ETF vẫn tích cực trong tháng 7 với tổng giá trị ròng gần 700 tỷ đồng, là tháng thứ 3 liên tiếp có dòng vốn dương (T5: 670 tỷ đồng; T6: 420 tỷ đồng).
Xu hướng tích cực ghi nhận ở hầu hết các quỹ. Đáng chú ý, động lực dịch chuyển sang khối ETF ngoại khi 2 quỹ thu hút được dòng vốn lớn nhất là VanEck Vectors ETF (262 tỷ đồng) và FTSE Vietnam ETF (146 tỷ đồng).
Ngược lại, xu hướng tăng đã yếu đi ở các ETF nội mới thành lập như VNDiamond ETF và VNFIN Lead ETF.
Quỹ ETF nội lớn nhất là VFM VN30 ETF đã có dòng tiền giải ngân trở lại từ giữa tháng, tuy vậy, diễn biến dịch Covid bất ngờ đã khiến quỹ bị rút vốn trở lại trong tuần cuối tháng, tính chung chỉ thu hút được 58 tỷ đồng trong tháng 7
Trong bối cảnh đó, các quỹ đầu tư chủ động ở Việt Nam tăng tỷ trọng cổ phiếu: tỷ trọng tiền mặt của các quỹ chủ động giảm rõ rệt kể từ đầu tháng 6 và được giữ ở mức thấp trong tháng 7. Tỷ trọng tiền mặt của quỹ VEIL (Dragon Capital) – quỹ chủ động lớn nhất tại thị trường Việt Nam tại cuối tháng 7 chỉ là 0,87%, của quỹ PYN Elite là 4%, đều là những mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay.
Ngoài ra, dòng vốn ngoại vào các quỹ đầu tư tại Việt Nam cũng có những tín hiệu tích cực. Theo EPFR, dòng vốn đổ vào trong nửa cuối tháng 7 đã cao hơn lượng rút ra nửa đầu tháng, tính chung cả tháng 7 có 6,5 triệu USD vốn ngoại tăng thêm vào các quỹ đầu tư tại Việt Nam.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, các thị trường lớn ở khu vực Châu Á (ngoại trừ Đài Loan) đều bị rút ròng nhưng mức rút ròng của thị trường Việt Nam (-3,6 triệu USD) thấp hơn nhiều so với các thị trường Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan...
Trong tuần đầu tháng 8/2020, có 7,6 triệu USD vốn ròng vào các quỹ ở Việt Nam (theo EPFR).
Trong thời gian tới, việc sớm kiểm soát dịch bệnh đóng vai trò quyết định đến tâm lý đầu tư cũng như hiệu lực của các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Việt Nam và vẫn sẽ là yếu tố chính chi phối diễn biến dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.