Nhà đầu tư muốn chính sách, luật pháp ổn định, không có chi phí không chính thức

Cổng TTĐT Chính phủ vừa tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề 'Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá'.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến ngày 20-8-2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua.

Tín hiệu tích cực về đầu tư nước ngoài

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, đây là những tín hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng khối DN ĐTNN vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối tốt, không bị suy giảm quá nhiều. Các con số nêu trên cũng cho thấy Việt Nam đã thực hiện tốt việc cải thiện môi trường đầu tư trong những năm qua, đồng thời đã và đang thực hiện có hiệu quả mục tiêp kép: Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, phải nhìn một cách rất thực tế, cho đến nay ĐTNN vào Việt Nam đến từ “các thiên đường thuế” rất nhiều. Phần lớn đầu tư đến từ các nước châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc. Không có hoặc rất ít đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ và châu Âu. Xu hướng này thực tế chưa có cải thiện.

Trong khi đó, chúng ta rất kỳ vọng đầu tư từ Hoa Kỳ và từ châu Âu là đầu tư chất lượng cao. Những đầu tư này sử dụng công nghệ cao hơn, không sử dụng chi phí lao động thấp, loại đầu tư này rất phù hợp với chúng ta khi chúng ta muốn cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

“Vậy các nhà đầu tư mong muốn gì? Tôi cho rằng các nhà đầu tư muốn chính sách, luật pháp của chúng ta ổn định. Trong văn bản phải cụ thể, khi thực thi phải dự đoán được. Không có tiền gầm bàn, không có chi phí không chính thức. Đây là điều đầu tiên tôi cho rằng chúng ta phải khắc phục trước mắt”, ông Cung nói.

Theo ông Cung, phải thiết kế những gói chính sách mang tính chất “may đo”, không “may sẵn”, lúc đó chúng ta mới đáp ứng các nhu cầu của các nhà đầu tư. Từ đó, chọn được nhà đầu tư có chất lượng, đúng như Nghị quyết của Bộ Chính trị về thay đổi cách thức quản lý, thay đổi cách thức thu hút và có lựa chọn để nâng cao chất lượng nhà đầu tư. Phải thu hút được DN bên trong của chúng ta, hỗ trợ họ tham gia chuỗi dịch chuyển này. Nếu không thì chỉ có nhà ĐTNN tận dụng được lợi thế này.

Các khách mời trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: P. Thảo

Các khách mời trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: P. Thảo

Cần có các giải pháp đột phá

Ông Đỗ Nhất Hoàng nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia khác trên thế giới cũng đang ban hành nhiều chính sách rất mạnh mẽ để giữ chân cũng như lôi kéo các nhà ĐTNN về nước mình. Do đó, để cạnh tranh được, chúng ta cũng phải có các giải pháp đột phá, các cách làm mới thì mới có thể hấp dẫn được nhà ĐTNN.

Một số giải pháp mới hiện đang triển khai là chuẩn bị sẵn sáng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như quỹ đất sạch, nguồn cung cấp điện, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính…

Xây dựng các gói ưu đãi đặc biệt áp dụng cho các dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, tạo điều kiện cho DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị hoặc đạt tỷ lệ nội địa hóa cao. Hiện, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã dự thảo các gói ưu đãi đặc biệt này và đang xin ý kiến các Bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

“Vấn đề không phải chỉ có khâu thực thi ở địa phương mà ở cách tiếp cận trong xây dựng pháp luật của chúng ta đôi khi vẫn theo lối “tôi phải quản”. Cho nên, khi triển khai cần rất nhiều văn bản, nghị định, thông tư mới thực hiện được, mà như thế chồng chéo, trùng lặp nên cũng khó cho địa phương. Tôi cho rằng cái này không thể khắc phục từ dưới lên được mà cần khắc phục từ trên xuống. Còn trước mắt, nếu có vấn đề thì phải tập trung giải quyết vấn đề đó, theo hướng có lợi cho nhà đầu tư, theo hướng thu được cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nha-dau-tu-muon-chinh-sach-luat-phap-on-dinh-khong-co-chi-phi-khong-chinh-thuc-209018.html