'Nhà dột từ nóc'

Một phiên tòa mà cả ba và con đều là bị cáo, nguyên nhân phạm tội đều liên quan đến ma túy. Đau lòng hơn, ba là người mua bán trái phép chất ma túy còn con trai lại là người tàng trữ trái phép thứ hàng hóa chết người đó, được mua từ chính ba của mình. Người ta thường nói 'nhà dột từ nóc', nhưng việc 'dột từ nóc' của gia đình này trăm sự éo le.

 Sa vào ma túy, nhiều thanh niên dính vào vòng lao lí

Sa vào ma túy, nhiều thanh niên dính vào vòng lao lí

“Thiệt khéo sắp đặt, nhà có hai người đàn ông thì đều ngồi ở đây. Tui còn đâu nước mắt nữa mà khóc” -người mẹ than - “Từ ngày ba con hắn bị bắt, tui cạn khô nước mắt rồi”. Nói vậy nhưng nước mắt bà không ngừng rơi. Hai trụ cột chính trong gia đình đều dính vào lao lí, không đau sao được. Nhưng đau hơn là khi xảy ra sự việc, hàng xóm dị nghị không hết lời. Nào là “nhà dột từ nóc”, nào là “người cha vô lương tâm, hết bán ma túy cho ai lại bán cho con”… “Án tù thì có thời hạn, còn “bia miệng” thì trăm năm vẫn còn trơ trơ ở đó, tương lai con tui rồi sao đây?”, người mẹ tự hỏi mình.

Không phải chỉ người trong cuộc mới nhức nhối mà người ngoài cũng xót xa không kém. Câu hỏi: “Tại sao ba lại đi bán ma túy cho con trai? Sao biết con trai nghiện ma túy mà không can ngăn, lại “nối giáo cho giặc”, cứ truyền từ người này sang người khác. Theo cáo trạng: Một người bạn là V.H. (cũng là bị cáo trong vụ án này) đã nhờ H., con trai của H.B. mua ma túy nợ từ ba mình và cùng sử dụng với nhau. Như vậy, từ việc mua bán ma túy này cho thấy hai ba con không ai lại không biết về hành vi của nhau. Do đó, trách nhiệm của B. trước pháp luật thì đã quá rõ ràng nhưng còn một trách nhiệm lớn lao hơn, trả giá đắt hơn đó là trách nhiệm với gia đình, con cái. Câu hỏi của HĐXX khiến bị cáo B. không thể trả lời được, đó là bị cáo có biết con trai của mình nghiện ma túy không? Cáo trạng ghi rõ H. mua nợ giùm cho bạn, rồi sau đó sử dụng cùng bạn. Bị cáo có thể vin vào đó mà nói mình không biết con nghiện hút, chỉ nghĩ con trai mua giúp bạn mà thôi. Nhưng có lẽ lương tâm không cho phép bị cáo lấy việc đó để biện minh cho trách nhiệm của bản thân mình. Việc con trai biết ba buôn bán trái phép chất ma túy đủ cho thấy bị cáo quá xem thường pháp luật, xem nhẹ trách nhiệm lớn lao của một người ba trong gia đình.

H. vốn đã có nghề kim hoàn nhưng tiếp tục học nấu ăn vì yêu thích công việc này. Sau đó H. tìm được việc phù hợp tại một nhà hàng khá nổi tiếng ở TP. Đà Nẵng. Công việc bận rộn nên thi thoảng bị cáo mới ra thăm nhà, ở lại 5,7 ngày rồi lại vào. Là con đầu trong gia đình 3 anh em, kinh tế không mấy dư giả, nhất là sau đợt ba bị tai nạn chấn thương nặng ở cột sống, không còn khỏe như trước nên H. ý thức được trách nhiệm của mình trong việc giúp ba mẹ lo cho các em ăn học. Vậy nhưng cuộc sống xa nhà khiến thanh niên này lại dễ dãi với bản thân, sa vào sử dụng ma túy. Theo lời khai của H., bị cáo bắt đầu sử dụng hồng phiến từ tháng 8/2018, tuy nhiên thi thoảng gặp bạn bè, đàn đúm mới hút chứ không thường xuyên vì… “biết rõ tác hại của ma túy”. Trong khi đó, ba H. có dấu hiệu mua bán ma túy từ khoảng cuối tháng 2/2019. B. trước đó làm nghề coi bói, thấy việc mua bán ma túy lãi nhiều nên đã “chuyển nghề” dù biết việc làm đó vi phạm pháp luật. Vào một ngày cuối tháng 2/2019, B. gặp 1 người đàn ông không rõ lai lịch mua 3 lần với tổng số 60 viên MTTH, giá 1,4 triệu đồng. Tại nhà B. có đặt 1 máy chơi game bắn cá, nhiều trong số khách đến chơi là đối tượng nghiện ma túy nên tiện cho việc bán hàng cấm. Tiêu thụ xong số hàng trên, B. tìm người mua trữ với số lượng lớn hơn, gần 1.000 viên ma túy hồng phiến với giá 32,5 triệu đồng để bán kiếm lời.

Nhìn người phụ nữ trong giờ nghị án cứ cuống quýt ôm con rồi lại quay sang ôm chồng, không chỉ người ngoài mà bản thân ba con bị cáo B. cũng không chịu được trước tình huống quá éo le ấy. Họ bật khóc như những đứa trẻ. Thực ra, bất cứ vụ án nào mà bị cáo là những người thân thiết ruột thịt trong gia đình cùng ra hầu tòa đều để lại sự xót xa cho HĐXX và những người có mặt tại phiên tòa. Bởi lẽ, người dưng rủ nhau phạm tội là chuyện khác, ba mẹ cùng lôi kéo hoặc tạo điều kiện để con phạm tội để lại những hệ lụy hết sức đau lòng. Cách đây không lâu cũng có một phiên tòa như thế khi cả ba mẹ, con cái trong gia đình đều cùng bị xét xử về tội danh buôn bán vật liệu nổ. Nhận thức pháp luật hạn chế, bị đồng tiền làm cho lu mờ tất cả, họ đã biến ngôi nhà của mình giống như một kho chứa vật liệu nổ được thu gom từ phế liệu chiến tranh, có thể nổ bất cứ lúc nào. Chưa nói đến mức độ nguy hiểm cho xã hội, hàng xóm mà chính tính mạng của các thành viên trong gia đình đó mới bị đe dọa nhiều nhất. Mới thấy, cái ác nếu không được ngăn cản từ phía gia đình thì khó ngăn cản được từ phía xã hội.

Trong gia đình, người ba được ví như cái “nóc nhà”, có trách nhiệm chở che, giáo dục con cái. Nhưng muốn giáo dục được con cái thì cái “nóc nhà” đó phải vững chãi, lành lặn, khi đó mới đủ sức che chở cho con, mới hướng con đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Bài học từ vụ án nói trên sẽ không muộn cho bất kì ai trong việc phấn đấu trở thành tấm gương sáng cho con noi theo, gần gũi, giáo dục để con không lầm đường lạc lối.

Phan Hoài Hương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=142481