Nhà giàu Trung Quốc tìm mọi cách né tránh chiến dịch 'thịnh vượng chung'

Khi giới chức Trung Quốc nói nhiều hơn đến mục tiêu 'thịnh vượng chung', tầng lớp giàu có là những người lo lắng nhất. Họ đang tìm mọi cách tránh tầm ngắm của chính phủ để giữ lại khối tài sản của mình.

Tầng lớp giàu có và trung lưu Trung Quốc từ lâu đã có những tiêu chí chung về những gì tạo một cuộc sống thành công. Đứng đầu trong trong số đó là việc sở hữu một ngôi nhà, tiếp đến là cung cấp cho con cái một nền giáo dục tốt hơn bạn bè cùng trang lứa để chúng được vào một trường đại học danh tiếng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa sẽ thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại Trung Quốc bằng chiến dịch “thịnh vượng chung”. Ảnh: South China Morning Post.

Song, những động thái gần đây của chính quyền Trung Quốc đã ảnh hưởng đến những tiêu chí và mục tiêu của giới nhà giàu Trung Quốc. Quý III năm nay chứng kiến sự sụt giảm giá nhà trên diện rộng, từ các thành phố nhỏ đến lớn, cũng như việc Bắc Kinh siết chặt quản lý ngành giáo dục.

Đẩy tiền ra nước ngoài

Từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch “thịnh vượng chung”, tái phân phối tài sản trong xã hội, giới nhà giàu bị rơi vào tầm ngắm của chính phủ.

Theo các chính sách thuế mới sẽ có hiệu lực vào năm tới, tầng lớp trung lưu Trung Quốc có thu nhập cao trở lên sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân lên tới 45% khoản tiền thưởng cuối năm.

“Vài năm qua, nhiều doanh nhân và cá nhân giàu có tạm dừng các khoản đầu tư ra nước ngoài khi thấy nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ, cũng như thị trường bất động sản ở các thành phố như Thâm Quyến sẽ có giá trị gấp đôi, hay thậm chí gấp ba… Tuy nhiên, bây giờ mọi thứ đã bắt đầu thay đổi”, Liu Zhen, một nhà môi giới chuyên giúp người giàu Trung Quốc định cư và mua tài sản ở nước ngoài chia sẻ.

Giới nhà giàu Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa bởi mục tiêu “thịnh vượng chung”. Ảnh: CNBC .

Theo anh Liu, mặc dù chính phủ không đưa ra quy định chi tiết nào về mục tiêu thịnh vượng chung, cuộc thảo luận về nó đã làm dấy lên cảm giác khủng hoảng với nhiều cá nhân giàu có và sở hữu khối tài sản lớn khiến họ tìm mọi cách. Trong đó, họ liên tục tham khảo ý kiến của các chuyên gia thuế trong và ngoài nước, cũng như từ các cố vấn được tin tưởng để sắp xếp lại tài sản đứng tên.

“Nhiều người cảm thấy vẫn cần tiếp tục chuyển tài sản của mình ra nước ngoài và lấy thẻ xanh, nhưng hiện số lượng người có nhu cầu đã giảm đi và chi phí cũng cao hơn rất nhiều”, ông Liu cho biết.

Chia sẻ thêm, ông Liu cho rằng hiện có nhiều người trẻ có thu nhập cao từ việc đầu tư tiền số và fintech đang tìm cách sở hữu quốc tịch ở các nước như Malta, Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các chương trình đầu tư. Điều này giúp họ có thể mở tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, cũng như di chuyển tài sản và dòng tiền của họ khỏi Trung Quốc.

“Vài năm trước đây, mọi người chỉ nghĩ đến việc phải đầu tư thế nào”, Echo Zhao, một chuyên gia cố vấn cho giới siêu giàu tại hãng luật SF Law tại Thượng Hải, chia sẻ. “Giờ đây, họ không còn hăng hái nắm bắt cơ hội như xưa”.

Các bậc phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu cũng lo lắng vì số lượng các trường tư thục có thể cung cấp các giáo trình và khóa học quốc tế ngày càng giảm. Việc này làm tăng đáng kể chi phí chuẩn bị cho con em của họ đi du học trong tương lai.

Alice Tan, nhà điều hành hội thảo về tư vấn du học cho biết, ngày càng nhiều trường trung học ở các thành phố lớn hủy bỏ các chương trình quốc tế và giáo viên nước ngoài ngày càng khó xin thị thực để làm việc tại Trung Quốc.

Cảnh giác với bất động sản

“Những thay đổi gần đây về giá bất động sản và lạm phát đến quá đột ngột, đến nỗi khiến chúng tôi cảm thấy bị lạc lối vì đầu tư hay chi tiêu… Không biết liệu vài năm tới tình hình sẽ ra sao”, Xie Ping, chủ một doanh nghiệp tư nhân ở Chiết Giang, chia sẻ.

Theo ông Ping, việc sử dụng lợi nhuận kiếm được để mở rộng năng lực sản xuất có rủi ro rất cao, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận tiếp tục giảm và bất động sản không còn là thị trường an toàn nữa.

“Xu hướng này có vẻ đang lan rộng, giá nhà sẽ giảm ở hầu hết các nơi. May ra chỉ có những nơi đông dân mới ổn định hơn”, ông Ping nhận định.

Ngay cả ở các thành phố hạng nhất, giá bất động sản đã bắt đầu giảm do mọi người dự đoánh sẽ bị đánh thuế và sự sụt giảm dân số.

“Những người có nhiều tài sản trong tay hiện đang cố gắng bán bớt và chỉ giữ lại những bất động sản có giá trị. Dù vậy, khối lượng giao dịch nhà ở cũ tiếp tục giảm do tính thanh khoản ngày càng giảm”, Zhu Feng, một nhà môi giới bất động sản tại Thâm Quyến cho hay.

Trung Quốc sẽ sớm thí điểm đánh thuế bất động sản ở một số khu vực được chọn trên cả nước. Kế hoạch này là một phần của mục tiêu “thịnh vượng chung”, nhằm hạ nhiệt thị trường và nâng cao khả năng tiếp cận nhà ở của người dân.

Doanh thu thị trường bất động sản tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 9 ở hầu hết đô thị Trung Quốc. Giao dịch tổng thể ở các thành phố hạng nhất giảm 39,% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi thành phố hạng hai giảm 31% và các thành phố cấp 3 giảm 54,4%, theo số liệu công ty nghiên cứu China Real Estate Index System.

Theo báo cáo khảo sát Chỉ số tài sản hộ gia đình Trung Quốc năm 2021 do Trung tâm Khảo sát và Nghiên cứu Tài chính Hộ gia đình Trung Quốc (Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam), kỳ vọng của các hộ gia đình đối với sự phát triển kinh tế trong năm tới sẽ giảm sút trong quý III năm nay.

Cũng theo khảo sát trên, mức độ sẵn sàng mua nhà của các gia đình cũng sụt giảm. Tỷ lệ các hộ gia đình có kế hoạch mua nhà đã giảm đáng kể từ 11,6% trong quý IV/2020, xuống 7,7% trong quý III năm nay. Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã bắt đầu bị ảnh hưởng với tốc độ tăng trưởng chậm lại còn 4,9% trong quý vừa qua.

Hương Vũ (Theo South China Morning Post)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-giau-trung-quoc-tim-moi-cach-ne-tranh-chien-dich-thinh-vuong-chung-post166885.html