Nhà khoa học phát minh ra nước rửa tay đang cứu sống hàng triệu người mỗi năm là ai?
Trong đại dịch COVID-19, ngoài việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên đã trở thành thói quen mỗi ngày của người dân. Và người phát minh ra nước rửa tay cứu sống hàng tỷ người trên thế giới không phải ai cũng biết?
Trong suốt thế kỷ thứ XIX, ở Châu Âu và Mỹ, 25% bà mẹ sinh con tại bệnh viện đã tử vong do sốt hậu sản. Năm 1846, bác sĩ Ignaz Semmelweis của Bệnh viện đa khoa Viên (Áo) nghiên cứu và cho rằng nguyên nhân gây sốt hậu sản là do bàn tay chứa tác nhân gây bệnh vì không rửa tay của các bác sĩ giữa những lần tiếp xúc với người bệnh. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, nhiều người phản đối khuyến cáo rửa tay của Semmelweis, thậm chí Semmelweis còn bị sa thải và coi như kẻ tâm thần.
Sau đó, bác sĩ Louis Pasteur đã lật lại nghiên cứu của Semmelweis và tuyên bố: “Nguyên nhân gây ra cái chết hậu sản cho các bà mẹ chính là những đôi bàn tay không được rửa đúng cách sau khi thăm khám từ các bà mẹ bệnh sang các bà mẹ mạnh khỏe”.
Tuy nhiên, những năm sau đó, khuyến cáo rửa tay tại các bệnh viện vẫn gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều lý do như thiếu phương tiện rửa tay, thiếu nước, vi khuẩn gia tăng đề kháng kháng sinh và sự thiếu kiến thức về vệ sinh bệnh viện của các nhân viên y tế.
Năm 1992, một báo cáo khoa học của New England (Anh) về rửa tay tại khoa hồi sức cấp cứu cho thấy, mặc dù đã áp dụng những biện pháp giáo dục và giám sát đặc biệt, nhưng tỷ lệ tuân thủ rửa tay ở cán bộ y tế chỉ xấp xỉ 30% và tỷ lệ cao nhất chỉ đạt 48%. Cùng năm, CDC (Mỹ) cho biết tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện dao động từ 5-15%, dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn mắc phải cao đối với nhân viên y tế.
Y tá không có đủ thời gian để... rửa tay
Giáo sư Didier Pittet (Thụy Sĩ) vốn nổi tiếng với tinh thần cống hiến không biết mệt mỏi cho ngành y tế toàn cầu. Ông có bằng Cao đẳng về Y học Nhiệt đới và Sức khỏe Cộng đồng, bằng Thạc sĩ về Dịch tễ học và Sức khỏe Cộng đồng cùng vô số giải thưởng khác trong tay, ông đã cùng đồng nghiệp tiến hành nhiều nghiên cứu về vệ sinh bàn tay.
Vào thời kỳ đó, chỉ có mỗi xà phòng và nước và rất mất thời gian để rửa tay. Ví dụ, trước khi tiếp xúc với bệnh nhân, nhân viên y tế phải đến bồn rửa tay, mở vòi nước, nhúng tay vào nước, chà xà phòng và phải xoa ít nhất là 30 giây, tráng tay, lau khô rồi quay lại phía bệnh nhân. Thời gian làm đủ các công đoạn đó cần từ 1 phút đến 1 phút 30 giây, tùy vào khoảng cách giữa bồn rửa tay và giường của bệnh nhân. Động tác này được lặp đi lặp lại hàng chục lần trong ngày.
Kết quả nghiên cứu trong bộ phận hồi sức, ở đó mỗi y tá phải rửa tay 22 lần mỗi giờ. Việc này mất quá nhiều thời gian, trong khi một y tá phải chăm sóc rất nhiều bệnh nhân và cuối cùng họ không có đủ thời gian để có thể đáp ứng những đòi hỏi về vệ sinh tay.
Không nhận một đồng nào từ phát minh của mình
Trong quá trình nghiên cứu cùng các đồng nghiệp, giáo sư Didier Pittet đã tìm ra một chất thay thế hiệu quả cho các dung dịch vệ sinh thông thường thời bấy giờ là nước và xà phòng. Cụ thể, ông chứng minh rằng alcohol có khả năng loại bỏ vi khuẩn giống như xà phòng, kết hợp cùng với glycerol giúp làm mềm da và H2O2 giúp khử trùng, tạo nên công thức cho nước rửa tay tiện lợi như hiện tại.
Theo nghiên cứu của Didier Pittet và John Boyce (Mỹ) trên bàn tay của các nhân viên y tế sử dụng 2 phương pháp rửa tay khác nhau, nhóm 1 dùng xà phòng thường và dung dịch chứa 2% Chlorhexidine, nhóm 2 dùng dung dịch rửa tay chứa cồn và chất làm mềm. Sau 2 tuần sử dụng cho thấy, bàn tay thuộc nhóm 1 có hiện tượng da bị kích ứng, viêm da; bàn tay thuộc nhóm 2 không có tổn thương nào.
Một số nghiên cứu khác cho thấy có thể làm giảm cảm giác khô da tay sau khi rửa bằng việc thêm vào thành phần dung dịch rửa tay chứa cồn các chất làm mềm da như glycerol (1% đến 3%). Các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên bàn tay của 32 Điều dưỡng tại Bệnh viện Miriam (Mỹ) do John Boyce thực hiện cho thấy rửa tay bằng dung dịch chứa cồn không gây bong da và khô da tay.
“Nhờ vào hỗn hợp mới này, chúng tôi bắt đầu cuộc cách mạng trong ngành chăm sóc sức khỏe, thay thế phương pháp truyền thống không hiệu quả là sử dụng nước và xà phòng. Trong suốt quá trình, tôi nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ các đồng sự và WHO”, Giáo sư Didier Pittet.
Với khả năng tiêu diệt tới 99,99% vi khuẩn trên tay trong vòng dưới 30 giây, nước rửa tay đã nhanh chóng trở nên phổ biến. Các nhân viên chăm sóc y tế được khuyến khích và truyền cảm hứng làm sạch tay “đúng lúc, đúng cách” để tăng sự bảo vệ và giảm mức độ nhiễm trùng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân.
Hệ quả đi kèm của phát minh này là thị trường béo bở cho những tay buôn trục lợi, đặc biệt tại các quốc gia thế giới thứ ba như Kenya, nơi nước rửa tay trở nên quý như vàng và được bán với giá cắt cổ.
Do đó, Giáo sư Pittet đã chuyển giao bằng sáng chế cho WHO. Vào năm 2005, WHO chia sẻ công thức của ông ra toàn thế giới để đảm bảo tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận nước rửa tay giá rẻ. Tần suất và mức độ nghiêm trọng của các ca nhiễm trùng tại bệnh viện giảm đi trông thấy.
Năm 2008, Liên hợp quốc đã chọn ngày 15 tháng 10 hàng năm là ngày “Thế giới rửa tay với xà phòng”.
Đến năm 2009, Tổ chức y tế Thế giới – WHO đã lấy ngày 5 tháng 5 hàng năm là ngày rửa tay toàn cầu -World Hand Hygiene Day - phát động chiến dịch “BẢO VỆ SỰ SỐNG: HÃY VỆ SINH TAY” nhằm kêu gọi các cơ sở y tế tham gia hưởng ứng chiến dịch.