Nhà mẹ dột

Tôi chỉ định về thăm cha mẹ một lúc rồi đi vì còn bao việc phải làm nhưng cơn mưa ngâu làm tôi bị mắc kẹt hơi lâu. Cũng nhờ đó mà tôi phát hiện ra nhà mẹ dột khắp nơi, từ phòng thờ đến nhà bếp. Bàn ghế bị ướt sũng, giường chiếu thâm đen. Nhìn quanh tường nước mưa chảy ròng ròng như nước mắt. Củi đuốc đều đã ướt, mẹ giữ ở lại nấu cơm ăn mà khói cay xè…

Vậy mà mấy tháng trước, mẹ còn dúi tiền cho tôi: “Cầm mà mua bộ bàn ghế đẹp. Nhà cửa mới mà chả nhẽ khách vào chơi không có chỗ ngồi”. Tôi không muốn nhận nhưng mẹ cứ dúi qua dúi lại thì đành cầm. Mà thấy mẹ nói cũng đúng, nhà cửa trống trơn chẳng có đồ đạc gì cũng ngại. Tính cầm của mẹ ít bữa, kiếm được tiền sẽ gửi trả mẹ sau. Nhưng đã mấy ai làm nhà xong mà không rơi vào cảnh túng bấn nợ nần. Chủ thầu giục trả nốt tiền công thợ, rồi tiền sơn, tiền gạch, tiền cửa… đủ thứ tiền. Thỉnh thoảng bí quá chẳng biết xoay đâu lại về vay mẹ. Mẹ xuống thăm nhà thấy cái gì cũng thiếu, từ chục bát ăn cơm, bó đũa gỗ thơm đến mấy gói tăm cũng là mẹ đi chợ mua về. Hôm qua mẹ gọi điện bảo: “Mẹ mới mua được tấm vải xinh lắm, chắc là con sẽ thích, lên mang về mà may rèm cửa”. Mẹ luôn vun vén cho các con mà chẳng nghĩ đến bản thân mình…

Tính tôi cầu toàn mà thật ra là ưa hình thức. Muốn làm nhà rộng, vật liệu thứ gì cũng tốt nhất. Chi phí đội lên rất nhiều so với dự tính ban đầu. Tôi đã mang quan niệm cả đời chỉ xây nhà có một lần nên cái gì cũng cố. Bận bịu lo cho tổ ấm của mình mà không nhìn thấy nhà mẹ dột. Nếu tôi bớt một chút chỗ này, tiết kiệm chỗ kia thì có lẽ đã không nợ nần, đã để dành được tiền lợp nhà cho mẹ.

Nhà dột ngay trước mắt mà bao lâu tôi mới nhìn thấy được thì nói gì đến những buồn vui của cha mẹ già. Lúc hạnh phúc chúng ta như cánh chim chỉ muốn bay xa. Lúc gặp biến cố thăng trầm thường chúng ta chỉ biết chạy về bên cha mẹ. Ta phơi bày hết lòng mình ra mà đâu biết được vết thương thịt da mình nhưng cha mẹ đau. Hằng ngày, chúng ta hay nói với nhau toàn những chuyện vĩ mô: chiến tranh ở Syria, trái đất ngày càng nóng lên, trận siêu bão ở một nơi nào đó xa xôi… mà đâu biết mẹ bao đêm nằm trằn trọc không ngủ được vì đau dạ dày, đầu gối cha dạo này hay nhức mỏi. Những nỗi lòng của mẹ, tôi làm con mà lại không hiểu bằng mấy cô hàng xóm. Lần nào về thăm nhà, tôi cũng vội vàng, cuống quýt. Hết họp lớp thì đến thăm nhà đứa bạn cũ học cấp ba. Hết đi vòng quanh xóm thu mua nông sản sạch mang xuống phố cho đồng nghiệp lại bận đi thăm người này nằm viện, người kia ốm. Chẳng kịp nghe mẹ kể chuyện gì…

Tôi mang chậu hứng từng chỗ dột trong nhà. Nghĩ đêm đến mình ngủ ngon trong chăn ấm, đệm êm đâu có biết mẹ thức che chỗ này, hứng chỗ kia. Hệt như những năm đầu 1990, khi mấy anh em tôi còn bé. Nhà tường đất trộn rơm, mái lá cọ, phong phanh gió vì không có cửa. Lâu năm lá cọ mục, những ngày mưa nhà dột khắp nơi. Trên chiếc giường ọp ẹp chỉ còn duy nhất một chỗ khô, mẹ nhường anh em tôi nằm êm giấc mộng. Tỉnh dậy giữa đêm, tôi thấy mẹ đang lúi húi căng mảnh ni-lon trên đỉnh màn hứng mưa lộp độp. Mưa còn đọng thành giọt trên mi mắt mẹ. Cha thì đeo đèn ắc-quy đi soi ếch ngoài đồng giữa mưa dông, sấm chớp. Cha chẳng sợ hiểm nguy chỉ vì mong bắt được nhiều ếch để mẹ đi chợ bán lấy tiền đong gạo hoặc đóng học cho mấy đứa con. Mờ sáng cha về, ếch kêu ộp oạp trong chiếc tải vắt trên lưng cùng một xâu cò trắng. Thường là những chú cò đi kiếm ăn đêm sa chân xuống ruộng đồng ngập nước. Mà cha mẹ chúng ta cũng là những thân cò đắm đuối vì con…

Vũ Thị Huyền Trang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/145187/nha-me-dot