Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách: 'Sứ giả' của văn hóa Việt
Năm 2017, Trịnh Bách bắt đầu phục dựng lại đèn của phong cách Sài Gòn cũ mà ông vẫn được thấy và được chơi ở Sài Gòn khi còn nhỏ. Sau đó, từ ký ức của cụ Văn, ông cũng đã hồi phục được một số đèn theo phong cách Báo Đáp xưa, của những năm 1950. Các đèn này đã được bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội để phục vụ công chúng...
Ví nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách là “sứ giả” của văn hóa Việt quả không có gì là quá, bởi suốt hàng chục năm qua, ông sẵn sàng rời bỏ không gian sống vốn đã thân quen ở Mỹ để về Việt Nam, lang thang khắp các vùng miền văn hóa, chuyện trò với các nghệ nhân, khảo cứu tư liệu trong sách vở, đặng khôi phục được những bộ trang phục triều đình nhà Nguyễn, rồi lại mày mò khôi phục những lồng đèn Trung thu, những con giống bột màu vốn rất gần gũi với người Hà Nội nhưng lâu nay vắng bặt trên thị trường...
Trịnh Bách sinh ra trong một gia đình dòng dõi ở Việt Nam. Mẹ ông xuất thân từ một gia đình quan lại triều Nguyễn. Năm 1972, Trịnh Bách sang Mỹ. Trong những năm 1980, ông đã học guitar với Andres Segovia - nghệ sĩ guitar cổ điển xuất sắc nhất thế kỷ 20. Đầu những năm 1990, ông và bạn bè xuất bản tạp chí “VietNow” bằng tiếng Anh ở Mỹ để truyền bá về lịch sử và truyền thống văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Làm tạp chí vẫn chưa thấy thỏa, vậy là ông rời Mỹ về Việt Nam sinh sống. Ở quê hương, ông từng dành rất nhiều công sức, tiền của để khôi phục vải vóc và trang phục cung đình Huế.
Đó là năm 1994, ông về Việt Nam để bắt đầu hành trình phục dựng các hiện vật cung đình triều Nguyễn. Ông bắt đầu bằng việc “mò mẫm” đi nghiên cứu các hiện vật, tư liệu lịch sử còn sót lại ở các bảo tàng, thư viện, các gia đình dòng dõi vua chúa. Đó là sự cẩn trọng hết sức cần thiết, bởi chỉ khi có một vốn kiến thức về di sản cung đình thì quá trình khôi phục mới đi đúng hướng. Ông quan niệm, chỉ tiến hành phục hồi những gì mình biết rõ ràng một cách “nói có sách, mách có chứng”, chứ không làm lấy xong, lấy được.
Ông cho rằng, muốn khôi phục thành công thì đầu tiên mình phải hiểu. Sự hiểu ấy phải thông qua nhiều nguồn, sách vở chỉ là một. Quan trọng nữa là phải tìm được các nhân chứng, các nghệ nhân. Nếu sách vở cho ta biết trước được hình ảnh hoặc bản vẽ cũ của trang phục thì nghệ nhân sẽ mách cho ta về đường kim mũi chỉ, về hoa văn, chất liệu vải. Thường thì vải tơ tằm cung đình được dệt bằng phương pháp thủ công. Vải và chỉ thêu được nhuộm theo màu sắc cổ truyền. May và thêu cũng hoàn toàn thủ công.
Trong quá trình khôi phục trang phục cung đình Huế, Trịnh Bách may mắn tìm được những người thợ thủ công. Trịnh Bách cho biết, để phục chế xong một bộ triều phục, mỗi nhóm thợ thêu 4 người phải mất trên dưới một năm. Cứ cần mẫn và bền bỉ như thế, những trang phục cầu kỳ của vua chúa như: Long bào Xuân Hạ Hoàng Đế, Phượng bào Thu Đông Hoàng Hậu, Sa kép Xuân Hạ Quý phi, Sa kép Xuân Hạ Thái tử, Mãng bào Thu Đông Hoàng tử… lần lượt được hoàn thành. Ngoài ra, Trịnh Bách còn phục dựng các đồ vật sập ngủ, sập trà chạm rồng, tủ ghế, sơn chạm, chân đèn, mâm bang cán phất trần, bình hoa, thống, đĩa, chén, hộp đựng thuốc hình khánh…
2. Không chỉ nặng lòng với những trang phục, đồ vật cung đình Huế, Trịnh Bách còn đau đáu với nhiều giá trị văn hóa Việt đã bị lãng quên, bị thất truyền. Sau khi về nước, chứng kiến việc trẻ em cứ đến Rằm tháng tám lại chơi các đồ chơi Trung Quốc mà không hề biết đến những đèn lồng Trung thu cổ truyền độc đáo của nước mình, Trịnh Bách thấy thương các em, và tự thấy mình cần phải “làm cái gì đó”.
Thế là từ năm 2007, ông lại mày mò trong sách vở, tìm kiếm các nghệ nhân. Sau nhiều chuyến đi về các làng nghề, Trịnh Bách đến khu Phú Bình (quận 11, TP Hồ Chí Minh) - vốn là chỗ vẫn sản xuất đèn Trung thu từ khi ông còn bé - đặng tìm nghệ nhân tâm huyết có tay nghề để phục hồi lại nghệ thuật quý báu này. Và mãi đến 2017, ông mới có cơ duyên gặp được gia đình cụ quả phụ Nguyễn Trọng Văn ở đấy.
“Gia đình cụ Văn đã có truyền thống làm đèn Trung thu từ nhiều đời ở làng Báo Đáp (Nam Trực, Nam Định). Từ khi chuyển vào TP Hồ Chí Minh, họ vẫn tiếp tục giữ nghề, dù rằng có phải thay đổi một ít về hình thức của những chiếc đèn này. Người làm việc trực tiếp với tôi là các em Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Trọng Thành, con trai cụ Văn. Họ rất kiên nhẫn, sáng dạ và quan trọng nhất là cầu tiến, yêu nghề…” - nhà nghiên cứu Trịnh Bách chia sẻ.
Ông cũng cho rằng, lồng đèn hình con thú có nguồn gốc từ thời Đường bên Trung Hoa. Khởi thủy chúng được làm với hình cá chép. Rồi sau đó còn có thỏ ngọc và cóc 3 chân, là những con vật sống với Hằng Nga trên cung Trăng… Nhưng phong tục này đã mất ở Trung Quốc từ lâu. Trong khi đó, người Việt về sau còn tiếp tục tạo thêm đèn hình các con vật khác như gà, bướm, chuồn chuồn, ông sao, củ ấu...
Ngày xưa ở Bắc Bộ có nhiều nơi làm đèn Trung thu cho trẻ em nhưng nổi trội nhất phải kể đến làng Báo Đáp. Theo Trịnh Bách, đèn Trung thu của người làng Báo Đáp nổi tiếng đến nỗi nhiều bảo tàng bên Pháp hiện vẫn còn giữ được những cái đèn Trung thu rất đẹp, tinh xảo của họ làm từ những thập niên đầu thế kỷ 20.
Người Báo Đáp phần lớn dán đèn Trung thu bằng giấy nhiễu, hoặc có khi bằng vải. Đến những năm 1940 trở đi, họ cũng đã bắt đầu dán đèn bằng giấy bóng kính. Khi vào Sài Gòn, họ theo phong cách và thị hiếu của các nhà buôn Chợ Lớn mà đổi sang hoàn toàn dán đèn lồng bằng giấy bóng kính, thường là mầu đỏ. Theo phong cách của người Hoa Chợ Lớn, đèn nhiều khi còn được gắn thêm lông thỏ và mặt mài gắn kính.
Năm 2017, Trịnh Bách bắt đầu phục dựng lại đèn của phong cách Sài Gòn cũ mà ông vẫn được thấy và được chơi ở Sài Gòn khi còn nhỏ. Sau đó, từ ký ức của cụ Văn, ông cũng đã hồi phục được một số đèn theo phong cách Báo Đáp xưa, của những năm 1950. Các đèn này đã được bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội để phục vụ công chúng.
Cùng với những chiếc đèn Trung thu, để mâm cỗ chơi trăng tháng tám của trẻ em thêm sinh động, Trịnh Bách còn tiến hành việc khôi phục những con giống bột màu. Sở dĩ ông quyết tâm làm, bởi xưa ở Hà Nội có những con giống làm bằng bột cho trẻ em vào dịp Trung thu. Đó cũng là một nghệ thuật độc đáo của người Việt, cũng như lồng đèn Trung thu, là những truyền thống và nghệ thuật mà trên thế giới chỉ người Việt mình có. Tết Trung thu ngày xưa, trẻ em không thể thiếu 3 món là bánh, con giống bằng bột và đèn (nhiều loại).
Qua nghiên cứu, Trịnh Bách khẳng định: Việt Nam là đất nước độc nhất có tục lệ nặn con giống bột làm đồ chơi trẻ em trong dịp Tết Trung thu. Tục nặn con giống bột có từ hàng trăm năm trước. Viện Viễn Đông Bác Cổ hiện còn lưu giữ được ảnh những con giống bột được chụp từ đầu thế kỷ 20, với chú thích là “Đồ chơi bằng bột nhuộm màu của Tết Trung thu Hà Nội”.
“Cũng như đèn Trung thu, các con giống bột xinh đẹp hiện vẫn được các bảo tàng Âu châu gìn giữ, và ghi chú rõ là con giống bột mầu cho trẻ con dịp Tết Trung thu Hà Nội” - nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho biết. “Con giống bột Trung thu Hà Nội có ba xuất xứ là khu vực Đồng Xuân (các phố Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Mã…), Phố Khách (Hàng Buồm, Mã Mây…), và nhất là làng Xuân La, Phú Xuyên. Vì lý do lịch sử mà các con giống bột Hà Nội từ lâu nay hầu như đã bị thất truyền.
Không ai còn biết đến chúng nữa. Những năm 1995, 1996, tôi vẫn thấy một thiếu nữ bán con giống bột Trung thu ở chợ Trung thu phố Hàng Mã (Hà Nội). Sau đó không thấy nữa, vì nghe nói bà cụ làm con giống đã quá lớn tuổi, không còn tiếp tục giữ nghề được nữa”.
Và thế là, từ những ký ức Trung thu xưa kết hợp với việc xem, chụp ảnh những con giống bột màu đang được lưu giữ trong bảo tàng ở châu Âu, Trịnh Bách lại tiếp tục hành trình đưa con giống bột màu trở lại với đời sống đương đại. Quãng năm 1998, trong một lần tìm kiếm, Trịnh Bách đã gặp được Đặng Văn Hậu - một thiếu niên nặn tò he ở Phú Xuyên (Hà Nội) rất khéo tay. Lúc đó hỏi Hậu và ông ngoại về con giống bột Trung thu Hà Nội thì cả hai đều không biết.
Lại mất tới hơn 10 năm nữa, năm 2017, khi ấy Đặng Văn Hậu may mắn được gặp bà Phạm Nguyệt Ánh ở Nhân Hòa, Hà Nội. Bà Nguyệt Ánh trước kia ở Đồng Xuân, là nghệ nhân cuối cùng của dòng giống bột Đồng Xuân còn sót lại hiện nay. “Với kiến thức của bà Nguyệt Ánh, tay nghề của Đặng Văn Hậu, và ký ức của tôi, chúng tôi đã hồi phục lại được cả ba dòng con giống bột và con bánh chim cò nói trên” - Trịnh Bách nói.
3. Trịnh Bách cho rằng, trong quá trình khôi phục lại những gì đã mất, khó nhất là tìm được nghệ nhân biết nghề, yêu nghề, và nhất là có lương tâm nghề nghiệp. Việc khó kế tiếp là phải tìm lại được công thức cho ra được nguyên liệu gốc. “Một cái khó nữa là chống chọi lại được trước sự ra đời của các “truyền thống giả”.
Vì bao năm chiến tranh, thiếu thốn, nhiều ngành nghề đã bị mai một. Phần đông người ta đã không còn biết đến các ngành nghề này nữa. Lợi dụng điều không may này, nhiều người đã tự đặt ra những thứ “gọi là truyền thống” để trục lợi, đánh vào khát khao tìm về truyền thống của mọi người, nhất là giới trẻ hiện nay. Từ ẩm thực, văn chương, cho đến thủ công mỹ nghệ. Việc này có hại cho tương lai của nền văn hóa dân tộc” - nhà nghiên cứu Trịnh Bách khẳng định.
Với những gì đã làm được trong hành trình khôi phục di sản cha ông để lại nhưng vì nhiều nguyên nhân, đến nay đã không còn nữa, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cho rằng: “Qua việc làm của mình, tôi không dám nhắn nhủ điều gì. Chỉ giản đơn là khôi phục lại được những gì đẹp đẽ của đất nước mà mình có thể. Và để cho mọi người biết được sự quý báu và đẳng cấp của nền văn hóa Việt Nam.
Hiện nay, ai cũng có mong ước hồi phục lại các di sản mà vì các lý do lịch sử đã bị mai một. Nhưng đã dấn thân vào thì phải làm việc một cách đứng đắn, bài bản với kiến thức vững vàng. Không được tùy tiện, ẩu tả để mọi người, nhất là thế giới, hiểu lầm về non nước mình. Đấy là điều sẽ mang tội với cha ông…”.