Nhà ở xã hội gặp nhiều rào cản

TP HCM còn 27 dự án chủ yếu đang hoàn tất thủ tục pháp lý tại các sở, ngành, cấp quận - huyện.

Theo kế hoạch, riêng giai đoạn 2021-2025 có 26.200 - 35.000 căn hộ nhà ở xã hội. Nhưng từ năm 2021 đến nay, mới có 6 dự án gồm 2.745 căn được đưa vào sử dụng; 4 dự án với 3.000 căn hộ khác đang xây dựng...

Cách đây 2 năm, tại TP HCM diễn ra lễ động thổ, khởi công nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Tuy nhiên, đến nay kết quả chưa như mong đợi.

Kết quả khiêm tốn

Trong nhiều dự án nhà ở xã hội động thổ, khởi công, MR1 thuộc dự án khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7, TP HCM) hứa hẹn cung cấp hơn 700 căn hộ vẫn chưa thi công. Dự án chung cư ở phường Phú Hữu, TP Thủ Đức cũng gặp nhiều rào cản. Dự án nhà ở xã hội tại phường Long Trường (TP Thủ Đức) với quy mô 600 căn hộ thậm chí như khu đất trống, cỏ dại um tùm xen lẫn cọc bê-tông.

Giữa tháng 10-2024, trong báo cáo mới nhất gửi UBND TP HCM về tình hình đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, Sở Xây dựng TP HCM cho biết từ năm 2021 đến nay có 6 dự án (5 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân) được đưa vào sử dụng với quy mô 2.745 căn hộ. Bốn dự án với gần 3.000 căn hộ khác đang xây dựng.

Dự án nhà ở xã hội tại phường Long Trường (TP Thủ Đức) hầu như chưa có gì

Dự án nhà ở xã hội tại phường Long Trường (TP Thủ Đức) hầu như chưa có gì

Đây là kết quả khiêm tốn. Bởi, căn cứ chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030 và đề án của Chính phủ về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp thì giai đoạn 2021-2030, TP HCM dự kiến phát triển 69.700 - 93.000 căn. Riêng các năm từ 2021-2025, con số là 26.200 - 35.000 căn.

Nhận diện vướng mắc

Sở Xây dựng nêu hàng loạt khó khăn trong phát triển dự án nhà ở xã hội. Theo sở này, từ năm 2023, thành phố xem xét từng vướng mắc trong các dự án cụ thể, đã chỉ đạo hướng tháo gỡ trong thực hiện thủ tục đầu tư với 63 lượt giải quyết, tương ứng 21 dự án.

Dù vậy, kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vẫn hạn chế do nhiều nguyên nhân. Cụ thể như cẩn trọng trong rà soát pháp lý các dự án nhà ở xã hội đã có chủ trương trước đây khi có yêu cầu gia hạn tiến độ, điều chỉnh quy hoạch, hoặc điều chỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư; các chính sách ưu đãi cho đầu tư và đối tượng nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn. Ngoài ra, chưa hình thành cơ sở dữ liệu về đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội để có sự liên thông với chủ đầu tư dự án nhằm kết nối cung cầu và huy động nguồn lực từ chính các đối tượng này thông qua tổ chức tín dụng của nhà nước…

Để các dự án sớm được triển khai nhằm hoàn thành chỉ tiêu, Sở Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp gồm quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, đất đai, tài chính…

Theo đó, khẩn trương hoàn chỉnh việc lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trong đó có quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Song song đó, bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để phát triển nhà ở xã hội.

Đối với khu đô thị dân cư liền kề phục vụ khu chế xuất, khu công nghiệp, khi phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị liền kề phục vụ công nghiệp cần tính toán về diện tích, quy mô các công trình hạ tầng xã hội để đáp ứng nhu cầu của người dân trong khu dân cư và công nhân của khu công nghiệp liền kề...

Đề xuất hàng loạt giải pháp

Sở Xây dựng cũng đề xuất lập tổ công tác liên ngành rà soát tính phù hợp, khả thi của pháp lý khu đất đối với việc chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất chuyển mục đích sử dụng đất để chủ đầu tư rút ngắn thời gian thực hiện nhiều thủ tục. Tổ chức rà soát, kiểm tra, xử lý thu hồi dự án đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư cũng là biện pháp được tính đến.

Về đất đai, tổ chức rà soát, xử lý thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai đối với các trường hợp được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội hoặc quỹ đất ở 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị… nhưng chậm triển khai, không triển khai, sử dụng đất không đúng mục đích theo Luật Đất đai.

Về tài chính, bố trí vốn đầu tư công để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội thuê, thuê mua theo quy định. Cùng với đó, đơn giản hóa thủ tục để đẩy nhanh giải ngân gói vay ưu đãi 120.000 tỉ đồng, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Phát triển nhà ở thành phố đối với các chủ đầu tư nhà ở xã hội và các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định.

Theo tìm hiểu, TP HCM còn 27 dự án chủ yếu đang hoàn tất thủ tục pháp lý tại các sở, ngành, cấp quận - huyện, đặc biệt là ở khâu pháp lý hóa quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư. Sở Xây dựng đã rà soát những dự án có khả năng sớm thi công, trong đó 1 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư; 18 dự án đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư...

Đẩy mạnh đầu tư công với 4 dự án

Về đầu tư công nhà ở xã hội, theo chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 đã được HĐND TP HCM thông qua và UBND TP HCM phê duyệt, giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách nhà nước dành để phát triển nhà ở xã hội khoảng 3.770 tỉ đồng.

Sở Xây dựng TP HCM vừa đề xuất nhiều giải pháp để các dự án thoát cảnh quây hàng rào, dầu dãi nắng mưa

Hiện nay, UBND TP HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư công đối với dự án tại số 4 Phan Chu Trinh, quận Bình Thạnh, với tổng số vốn khoảng 990 tỉ đồng. Trong thời gian tới, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh công tác đầu tư công 4 dự án nhà ở xã hội quy mô khoảng 4.000 căn hộ.

Bài và ảnh: QUỐC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nha-o-xa-hoi-gap-nhieu-rao-can-196241015212237573.htm