Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tú: Người cần mẫn trên cánh đồng chữ nghĩa

Nguyễn Thanh Tú có một đức tính siêng năng và phong cách làm việc khoa học. Siêng năng ở chỗ, mỗi khi các báo đặt bài, ông đều rất đúng hẹn. Thậm chí hẹn nhau cả số chữ, tên bài, tên tiểu mục, chỗ nào viết ra chỗ nào chưa thể cho lên mặt báo, ông đều mau chóng hiểu ý từng báo, từng quãng thời gian, từng nhân vật, các vấn đề văn học nghệ thuật, nhất là những chỗ nhạy cảm của nó, để không làm mất thời gian của mình và người khác.

Nguyễn Thanh Tú nghiên cứu phê bình thuộc lứa sau Đổi mới. Tiếp nối các bậc đàn anh đi trước, Nguyễn Thanh Tú hiểu một điều sâu sắc rằng, phê bình cũng như sáng tác, phải tạo ra được phong vị riêng, bản sắc riêng. Dường như ông đã ý thức rất sớm điều này và tìm được mạch viết riêng cho mình.

Gần chục đầu sách về Hồ Chủ tịch đã cho ông một chỗ đứng riêng, vị thế riêng của người lính cầm bút về một đề tài tưởng rất dễ nhưng lại vô cùng khó này. Nguyễn Thanh Tú nghiên cứu sâu về con người văn hóa trong cấu trúc nhân cách kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiêu biêu phải kể đến: “Tiếng cười trào phúng Hồ Chí Minh” (2011); “Hồ Chí Minh - Những mạch nguồn văn hóa” (hai tập, 2012, 2013); “Hồ Chí Minh - Nhà ngụ ngôn kiệt xuất” (2013); “Hồ Chí Minh - Một tâm hồn nghệ sĩ” (chuyên luận-2015); “Hồ Chí Minh - Phạm trù mỹ học cái cao cả” (2019). Và cũng ở đề tài này, đến hôm nay, Nguyễn Thanh Tú đã dần dà như một chuyên gia đáng tin cậy hàng đầu.

Bìa một số cuốn sách của PGS - TS Nguyễn Thanh Tú.

Bìa một số cuốn sách của PGS - TS Nguyễn Thanh Tú.

Ở một khu vực khác, khu vực về chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, chống lại sự xấu độc, tha hóa, trà trộn trong các tác phẩm văn học nghệ thuật mới là rất khó khăn. Không chỉ riêng việc ngại đụng chạm, mà cái chính là sự dày công tìm đọc, nhận diện và chỉ ra những cài cắm độc hại, các mã độc trong tác phẩm văn học nghệ thuật để phản biện, phản tỉnh, thức tỉnh mọi người mới là việc cần chính yếu. Điều này, Nguyễn Thanh Tú âm thầm thực hiện đã bao năm, miệt mài, thấu lý đạt tình, là rất khó.

Mục Chống diễn biến hòa bình trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương, Nguyễn Thanh Tú đang là cây bút hàng đầu cũng chính là những đóng góp thiết thực của ông, tấm lòng trung hậu với văn học nghệ thuật của ông cần được ghi nhận. Nguyễn Thanh Tú luôn tìm được cái mới trong các bài viết, cuốn sách của mình. Ông tìm thấy chúng trên tinh thần lao động học thuật vừa say mê vừa nghiêm túc.

Chính ông đã âm thầm viết về các lứa trong đội hình nhà văn trẻ. Từ chống Pháp như Thanh Tịnh, Chính Hữu, Vũ Cao, Hoàng Cầm; chống Mỹ như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Lê Lựu, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Vương Trọng, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân… và lớp sau này như Nguyễn Hữu Quý, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng, Uông Triều, Đinh Phương… nghĩa là ông ý thức rất sâu về nhận diện đội hình đội ngũ các thế hệ nhà văn cũng là nòng cốt của nền văn học cách mạng, một vẻ đẹp nhân văn trong thời đại Hồ Chí Minh.

Ông từng nhận định: “Từ trải nghiệm của một người lính từng cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cá nhân tôi cho rằng việc bồi đắp, làm giàu đẹp đời sống tinh thần cho người lính quan trọng không kém việc chăm lo đời sống vật chất. Trong đó, những tác phẩm văn học in sách, đăng báo, tạp chí là “món ăn tinh thần” chất lượng cao, góp phần làm đẹp nhân cách, tâm hồn, tình cảm người chiến sĩ”.

Đối với cá nhân tôi, tôi luôn khâm phục và cảm động trong các cuộc mời ông tham gia Hội thảo khoa học về các vị vua chúa, danh thần, danh nhân có công với nước trong tiến trình lịch sử. Lịch sử dân tộc ta có không ít khúc còn mờ khuất, nhiều nhân vật có công trạng lớn lao còn bị nhìn nhận thiên kiến, sơ sài. Đó là những trăn trở của giới nghiên cứu lịch sử trong quá trình chung tay góp sức tường minh huân công đại đức của tiền nhân.

Trong các cuộc đi điền dã để thực hiện các tham luận trong hội thảo, Nguyễn Thanh Tú luôn có một cung cách làm việc khoa học, tỉ mỉ. Ông không chỉ đi tới các địa danh, vùng đất, nơi các danh nhân phát tích lập công, mà còn tìm tới các khu vực lưu trữ quốc gia, văn bản trong nước, ngoài nước đáng tin cậy, truy nguyên tới ngọn nguồn, suy đoán thẩm định và đưa ra hướng xử lý trên tinh thần nhân văn nhân ái của người Việt, để từ đó hình thành các tham luận có sức nặng, tường minh những sự thật lịch sử từng khuất lấp cả nghìn năm.

Các cuộc Hội thảo về Hữu tướng Phùng Thanh Hòa thời tiền Lý cách đây 1.500 năm; Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng cách đây 1.200 năm; Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu cách đây trên 800 năm đều đã được giới nghiên cứu lịch sử tâm huyết trong đó có Nguyễn Thanh Tú dày công và đầy đặn nhân tâm thực hiện. Âu cũng là tấm lòng thơm thảo của ông đối với tiền nhân.

Cũng trong tâm thức ấy, các bài phê bình công phu như những công trình khoa học của Nguyễn Thanh Tú về tiểu thuyết lịch sử của các tác giả: Hà Ân, Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Trần Thùy Mai, Uông Triều… đã cho thấy tấm lòng sâu đậm của ông với lịch sử dân tộc, nhất là các tác phẩm văn chương viết về lịch sử. Có những bài viết về tiểu thuyết “Phùng Vương”, “Ngô Vương”, “ Nam Đế Vạn Xuân”, “ Triệu Vương Phục Quốc”, “Lý Đào Lang vương”, “Lý Phật Tử định quốc” của Phùng Văn Khai đã chỉ thẳng ra những thiếu khuyết cần bổ cứu về kiến thức lịch sử cũng là tấm lòng ưu ái của nhà phê bình đối với nhà văn.

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tú.

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tú.

Nguyễn Thanh Tú có cuộc sống đời thường khá kín đáo. Dường như những điều không vừa ý, ông đều lặng lẽ để ở một góc trong lòng. Những điều gì có thể làm được cho người thân, bạn bè, đồng đội, ông cũng đều lặng lẽ làm như thế. Nếu đi đâu đó mà vô tình quên ông, chút quyền lợi vật chất chẳng hạn, sự sắp xếp thứ tự trước sau chẳng hạn, ông cũng coi là chuyện bình thường, không thắc mắc, càng không bao giờ để ý tứ gì. Ông rất hiểu ở đời nó thế.

Trên cương vị nhà nghiên cứu phê bình văn học, Nguyễn Thanh Tú trong hơn ba mươi năm qua đã có những đóng góp hữu ích trên địa hạt của mình. Ông luôn biết kéo lại gần bạn đọc với nhà văn, nhà văn với giới nghiên cứu phê bình trong một chừng mực tối ưu có thể. Sống ở trên đời, khi chúng ta biết lắng nghe nhau, gạn đục khơi trong, luôn nhìn thấy trước những điều tốt đẹp, dù nhỏ thôi mà nâng niu, dâng tặng cho nhau mới là điều đáng quý. Đã ở vào cái tuổi lục thập nhi nhĩ thuận như ông, hẳn đã rất thấm thía điều này.

Thực ra, công việc của ông là một công việc khó, nhất là những đấu tranh, phản biện mà mọi người luôn nhớ tới ông, mời ông giúp bài vở thật chẳng dễ dàng đâu. Bản thân tôi đã từng mấy lần cầu viện và biết được, khi phải thực hiện những thể tài như thế, ông đã rất thận trọng và công tâm trong đặt bút phê phán những sai lầm, lệch lạc, xấu độc trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Đó cũng là sự hy sinh, tinh thần hy sinh vì sự phát triển lành mạnh, đúng hướng trong đời sống văn bút.

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tú là một mắt xích quan trọng trong giới nghiên cứu phê bình hôm nay. Các trang viết của ông đã và đang đồng hành với giới sáng tác chúng tôi, cho chúng tôi thêm tự tin và sự yêu thương trên cánh đồng chữ nghĩa.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nha-phe-binh-nguyen-thanh-tu-nguoi-can-man-tren-canh-dong-chu-nghia-i668234/