Nhà sáng lập tập đoàn TH: 'Cần có Luật dinh dưỡng học đường'

Thực tế tại nhiều quốc gia cho thấy việc luật hóa các tiêu chuẩn dinh dưỡng học đường mang lại lợi ích lớn cho quốc gia.

Bà Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch hội đồng chiến lược tập đoàn TH

Bà Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch hội đồng chiến lược tập đoàn TH

Góp mặt tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước sáng 21/9, bà Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch hội đồng chiến lược tập đoàn TH chia sẻ ý tưởng để cải thiện sức khỏe, tầm vóc người Việt.

Theo lãnh đạo tập đoàn TH, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu dinh dưỡng quốc gia, song vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt ở lứa tuổi tiền học đường và học đường.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ mà chiều cao trung bình còn thấp, đứng thứ 15 từ dưới lên trong số 201 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tập đoàn TH đã có nhiều năm đồng hành cùng các bộ, ban, ngành và Chính phủ chăm lo cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em lứa tuổi vàng. Những mục tiêu lớn và những trụ cột chính của chương trình Sức khỏe học đường cũng là những mục tiêu dài hơi mà Tập đoàn TH đã, đang theo đuổi.

Năm 2019, Tập đoàn TH đã đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và các chuyên gia độc lập, tham khảo kinh nghiệm thực tiễn của các nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản để thực hiện “Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên”.

Mô hình điểm được thí điểm trong năm học 2020 - 2021 tại 10 trường thuộc 10 tỉnh thành, đại diện cho 5 vùng sinh thái lớn trên cả nước, bao gồm: miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Can thiệp chính của mô hình là 400 thực đơn bữa ăn học đường đa dạng, cân đối, giàu vi chất dinh dưỡng, bữa phụ chiều sử dụng 1 ly sữa tươi nguyên chất để cải thiện khẩu phần canxi, kết hợp giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất.

Kết quả nghiên cứu cho thấy Mô hình điểm đã có hiệu quả tích cực đối với sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ, đồng thời góp phần nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường thể lực cho cả ba đối tượng: học sinh, nhà trường và phụ huynh.

Thống kê và đánh giá từ chuyên gia cũng cho thấy, để cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em thì bữa ăn học đường mới là điểm quan trọng nhất. Chẳng hạn, thống kê bữa ăn ở trường của trẻ mẫu giáo khu vực thành phố sau khi được can thiệp đã đáp ứng được từ 78,8%-100% nhu cầu khuyến nghị.

Trẻ có thể có đầy đủ vi chất dinh dưỡng từ các thực phẩm đa dạng trong bữa ăn, mặt khác còn tập cho trẻ thói quen ăn uống đa dạng, lành mạnh tốt cho sức khỏe.

“Thực tiễn này cũng chỉ ra rằng, nếu cung cấp cho các trường các điều kiện cần và đủ bao gồm kiện toàn cơ sở vật chất, nhân lực, đào tạo chuyên môn, kết hợp giữa giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất thì có thể cải thiện được tình trạng dinh dưỡng của trẻ em”, bà Thái Hương chia sẻ.

Luật hóa tạo lợi ích quốc gia

Mặc dù Mô hình điểm đã có kết quả rõ rệt song theo bà Thái Hương, các quy chuẩn về dinh dưỡng học đường hiện vẫn chưa rõ ràng và tản mạn, cần sớm được chuẩn hóa và luật hóa.

Từ tâm nguyện góp phần cải thiện sức khỏe, tầm vóc người Việt và bề dày kinh nghiệm của mình trong công cuộc cải thiện sức khỏe, tầm vóc người Việt, Tập đoàn TH đề xuất xây dựng một bộ luật riêng tên là Luật Dinh dưỡng học đường.

Theo đó, chỉ khi Luật Dinh dưỡng học đường ra đời mới có thể kiểm soát hiệu quả vấn đề an toàn thực phẩm và bảo đảm dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em, góp phần dự phòng và giảm thiểu các bệnh mãn tính không lây.

Thực tế tại nhiều quốc gia cho thấy việc luật hóa các tiêu chuẩn dinh dưỡng học đường mang lại lợi ích lớn cho quốc gia.

Chẳng hạn tại Nhật Bản, kể từ khi có Luật dinh dưỡng học đường từ năm 1954, đến nay, hầu như mọi trường tiểu học và trung học công lập tại Nhật Bản đều có bữa ăn học đường được quản lý nghiêm ngặt về chất lượng, đáp ứng 100% tiêu chuẩn dinh dưỡng theo các quy định đã được ban hành.

Chính phủ Nhật công nhận bữa ăn học đường là một phần chính thống của chương trình giáo dục.

“Nhật Bản là một minh chứng rõ ràng. Từ năm 1954, để 70 năm sau không có cụm từ “Nhật lùn”, bà Thái Hương chia sẻ.

Trong trường hợp chưa xây dựng được ngay Luật dinh dưỡng học đường, lãnh đạo tập đoàn TH cho rằng trước hết cần đưa nội dung này vào 1 chương của Luật phòng bệnh.

Nội dung cần xây dựng một cách bài bản, cẩn thận, chỉn chu trên cơ sở các mô hình điểm đã có kết quả thực nghiệm, như đề án “Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên”.

“Kết quả triển khai Mô hình điểm sẽ là căn cứ khoa học và thực tiễn để có cơ sở xây dựng, chuẩn hóa về dinh dưỡng học đường và chính sách quốc gia, là nền tảng để xây dựng Luật về Dinh dưỡng học đường trong thời gian tới”, bà Thái Hương nhấn mạnh.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/nha-sang-lap-tap-doan-th-can-co-luat-dinh-duong-hoc-duong-d37116.html