Nhà thiết kế Minh Hạnh: Nghệ thuật chỉ có giá trị khi chân thật và văn minh

Suốt buổi trò chuyện, Minh Hạnh luôn cho thấy thế mạnh về tri thức, khả năng tích hợp, cân bằng, ứng dụng các giá trị Đông và Tây trong những sáng tạo của mình. Ý thức kết hợp truyền thống và hiện đại, sự hòa quyện một cách tự nhiên giữa trách nhiệm công dân và bản ngã sáng tạo khiến cho nhà thiết kế (NTK) hàng đầu Việt Nam này đạt đến tầm của một nhà văn hóa nghệ thuật đương đại.

KTSG: Thưa NTK Minh Hạnh, ý tưởng “Mạch Sống” đến từ đâu? Vì sao là sự phối hợp giữa Quân Y Viện 175, Saigon Times Foundation và Minh Hạnh?

KTSG: Thưa NTK Minh Hạnh, ý tưởng “Mạch Sống” đến từ đâu? Vì sao là sự phối hợp giữa Quân Y Viện 175, Saigon Times Foundation và Minh Hạnh?

– NTK Minh Hạnh: Vào tháng 1-2022, lãnh đạo Quân Y Viện 175 có nhã ý mời tôi tham dự sự kiện đám cưới tập thể của 20 cặp đôi y bác sĩ. Đầu tiên, tôi định tài trợ áo dài cưới cho tất cả các cô dâu. Nhưng sau đó, các cuộc trao đổi giữa chúng tôi dần hướng đến việc tổ chức một sự kiện nghệ thuật để tri ân các y bác sĩ tuyến đầu cùa Quân Y Viện 175 – những người đã đi công tác dài hạn ở Trường Sa, Nam Sudan và tham gia chống Covid-19 trong hai năm qua.

Qua một số lần khảo sát, tôi nhận ra tiềm năng dàn dựng một khu vườn cổ tích cho các cặp đôi dựa trên điều kiện tự nhiên của bệnh viện 175 – nơi có nhiều đại thụ, lá vàng khô, các khoảng sân rộng thoáng… Thật ra, tôi cũng muốn thực hiện một buổi trình diễn áo dài tại sân bay trực thăng của Bệnh viện 175 nhưng không gian ở đây không đủ lớn. Thành ra, cuối cùng chỉ có một buổi chụp hình cho các cặp đôi tại sân bay này.

Trong chương trình này, Saigon Times Foundation tài trợ học bổng cho 14 em học sinh có tinh thần hiếu học đang cần được tiếp sức đến trường trong và sau đại dịch Covid-19.

KTSG: Vì sao chị chọn tên chương trình là Mạch Sống? Chị có thể nói qua nguyên cớ hình thành ý tưởng và quá trình hiện thực hóa chương trình này?

– Sau Covid-19, những người còn sống phải tiếp tục tạo dựng và duy trì nguồn mạch của sự sống. Từ thuở xa xưa, văn học và văn hóa đã quan niệm nước là khởi nguồn của sự sống. Do đó, tôi hình dung sân khấu phải có một thác nước đổ từ trên cao xuống. Tuy nhiên, khu vực sân khấu đã được bê tông hóa nên việc làm thác nước sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian; vì vậy, tôi cho thực hiện hai hồ nước nhân tạo trên sân khấu. Mưa nhân tạo cũng góp phần hoàn thiện ý niệm nước – khởi nguồn sự sống này. Sau cơn mưa thì mầm sẽ lên chồi, trời tối lại quang và mọi buồn đau bế tắc được gột rửa.

Một khu vườn tình yêu thì không thể thiếu hoa lá. Các loài hoa mang bản sắc Việt như lúa, sen… chắc chắn sẽ xuất hiện trên sân khấu. Tôi chọn hoa thạch thảo trắng và tím vì ý nghĩa sâu sắc về tình yêu của chúng. Loài hoa này lại dễ tìm, giá thành rẻ hơn so với một số hoa khác. Thật may mắn, các gốc sứ đại thật và lá khô thật cũng có sẵn trong Bệnh viện 175. Các lồng chim được dùng để trang trí, trong khi các cánh chim ở ngoài lồng với ẩn ý rằng sự tự do mang lại hạnh phúc và khả năng sáng tạo cho con người. Thông qua hình ảnh các nong tằm và khung dệt trên sân khấu, tôi muốn đề cao sự cống hiến của các y bác sĩ trong công cuộc chống Covid-19. Vẻ đẹp của họ có thể ví von như tấm lụa thành hình từ những kiếp tằm vương tơ… Tôi chú trọng sử dụng biểu tượng để người xem tự kết nối với thông điệp của Mạch Sống.

Vì thời gian chuẩn bị cho chương trình rất ít ỏi, tôi phải trực tiếp điều hành và thực hiện hầu hết các khâu lớn nhỏ như: viết kịch bản và lời bình, lên ý tưởng thiết kế và dàn dựng sân khấu, đạo diễn, thiết kế và sản xuất áo dài cưới cũng như các bộ sưu tập áo dài nam nữ cho toàn bộ chương trình, stylist hình ảnh, chọn nhạc, xử lý các tình huống phát sinh đồng thời túc trực ở Bệnh viện 175 trong nhiều ngày liền để đảm bảo tiến độ và chất lượng của chương trình.

KTSG: Vậy nên, nhiều người gọi chị là “mụ phù thủy” của các chương trình thời trang?

– Tôi không có ý đa đoan, nhưng việc đến tay không xử lý không được. Sát ngày biểu diễn mà vẫn có thêm diễn viên bị F0. Nhiều thành viên quan trọng trong ê kíp ở Hà Nội không vào TPHCM được.

KTSG: Có thể thấy, sự thành công của Mạch Sống tạo ra ít nhất hai giá trị cốt lõi và mới mẻ: một là, các chương trình biểu diễn cộng đồng hướng đến việc tuyên truyền thông tin và cổ vũ trách nhiệm xã hội của con người hoàn toàn có thể được trình bày một cách mềm mại, lãng mạn, sáng tạo, phù hợp với nhu cầu thưởng thức hiện đại của khán giả, thực sự mang giá trị nghệ thuật; hai là, Mạch Sống đã nhắc nhớ về các sân khấu tọa lạc trong những khu chữa bệnh từ thời kỳ trước công nguyên, khẳng định tầm quan trọng của việc chữa lành tâm bệnh bên cạnh việc chữa lành thân bệnh. Điều đó còn khích lệ tinh thần sáng tạo nghệ thuật ở bất kì không gian nào – kể cả những nơi có vẻ “khô khan” và không ăn nhập với nghệ thuật là mấy. Lối tư duy và cách thức nào giúp chị tạo ra được đường dây tinh thần và sức lan tỏa của Mạch Sống?

– Sự lãng mạn trong nghệ thuật chỉ có giá trị khi nó được kết hợp với tính chân thật và các giá trị văn hóa, văn minh. Việc tổ chức một chương trình cộng đồng khó gấp trăm lần so với việc thực hiện một chương trình giải trí thuần túy. Các đơn vị tổ chức dù lớn nhỏ vẫn phải có sự đồng đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Người chủ trì các đầu việc phải được trao quyền thực sự và có trách nhiệm với nó. Từng cá nhân trong ê kíp biểu diễn phải thực sự hiểu được vai trò của mình. Chỉ có văn minh mới khiến chúng ta không nhược tiểu và thực sự có tiếng nói trong sáng tạo, dù là ở môi trường trong nước hay quốc tế.

KTSG: Chị đã làm cách nào để các tiết mục tập thể “đầy ắp” người có thể diễn ra mượt mà và đầy thuyết phục trên sân khấu Mạch Sống?

– Người đạo diễn sẽ phải truyền đạt tư tưởng của chương trình và tác phong làm việc cho ê kíp. Trước hết, họ phải hiểu đây là một chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng quốc gia. Nếu chương trình thành công, các giá trị tích cực sẽ được lan tỏa trong xã hội và ngược lại. Mỗi y bác sĩ trong chương trình đều ý thức rằng họ đang thực hiện một sứ mệnh danh dự cho chính nơi mà họ sống và làm việc. Dĩ nhiên, tôi phải hình dung được những “nghệ sĩ không chuyên” này có khả năng làm gì trên sân khấu. Tôi khước từ những thao tác di chuyển và vũ đạo cũ kỹ, công thức như bưng bê, quẫy lộn. Sự vận động của Mạch Sống phải vừa mạnh vừa tĩnh, kỹ thuật nhất định hòa quyện với cảm xúc. Toàn bộ người mẫu và vũ công phải chuyển tải được chất lính mạnh mẽ, dứt khoát, dũng cảm của người bác sĩ quân y.

KTSG: Qua Mạch Sống, khán giả đã có thêm một góc nhìn mới về “thời trang bệnh viện”. Theo chị, thời trang có giá trị chữa lành như thế nào và triển vọng của thời trang trong ngành y?

– Niềm hạnh phúc của con người rất quan trọng. Một chiếc áo đẹp có thể khiến người ta hạnh phúc và mặc đi mặc lại trong nhiều năm tháng, dù họ có hàng trăm chiếc áo. Ở bệnh viện, nét thẩm mỹ, chỉn chu trong trang phục của y bác sĩ và nhân viên giúp tăng thêm thiện cảm cho khách hàng. Khi bệnh nhân được khoác lên người bộ đồng phục tươm tất, dễ chịu, được chữa trị trong không gian sạch đẹp và hiện đại thì những trạng thái khác nhau của bệnh tật và nỗi buồn lo sẽ được cân bằng tốt hơn. Thời trang nói chung và thời trang bệnh viện nói riêng đều phải chứa đựng các giá trị chuẩn mực của thời đại. Nó không phải là câu chuyện để khoe mẽ hay xa xỉ mà chính là hiện thực cuộc sống. Ý thức này sẽ giúp những người có trách nhiệm quan tâm hơn đến giá trị và tiềm năng kinh tế của thời trang bệnh viện.

KTSG: Những ai quan tâm đến thời trang của Minh Hạnh đều nhận thấy cách ứng xử nhân văn của chị đối với chất liệu. Chị nghiên cứu, sưu tầm và khai thác các chất liệu truyền thống và thân thiện với môi trường như thổ cẩm, lụa… Chị đánh giá chất liệu nào sẽ lên ngôi trong thời gian sắp tới?

– Có ba yếu tố chính tạo ra quyền lực của thời trang: màu sắc, chất liệu và khuynh hướng. Người thiết kế thời trang phải hiểu được phông nền văn hóa mà họ đang sinh sống và sáng tạo, không thể sao chép tùy tiện thời trang của các quốc gia khác và cũng không thể thiếu tính chân thật. Trên tinh thần đó, tôi cực kỳ quan tâm chất liệu. Sau thổ cẩm và lụa, tôi hiện đang dành sự quan tâm cho gai. Lụa nhẹ tênh giống như lớp da thứ hai của con người, bảo vệ cơ thể và mùi hương tối đa. Gai cũng có một số đặc điểm của lụa nhưng không đắt và không đỏng đảnh như lụa, lại dễ trồng ở Việt Nam và một số nước trên thế giới. Chất liệu địa phương có thể giúp người dân thoát nghèo và tạo niềm tự hào cho họ.

Diễm Trang thực hiện

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nha-thiet-ke-minh-hanh-nghe-thuat-chi-co-gia-tri-khi-chan-that-va-van-minh/