Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy: Sáng tạo trên nền truyền thống

'Nét văn hóa truyền thống là ngôn ngữ thời trang tinh tế và đặc sắc nhất để tạo nên phong cách', với phương châm đó, nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy, Giám đốc sáng tạo thương hiệu thời trang Trịnh Fashion đã gặt hái được nhiều thành công. Chị đã chia sẻ với Hànôịmới Cuối tuần về hành trình sáng tạo cũng như khó khăn khi gắn bó với ngành thiết kế thời trang.

- Là người luôn rất chịu khó tìm tòi những nét truyền thống để đưa vào thiết kế của mình, đặc biệt là với áo chần bông, chị có thể chia sẻ với bạn đọc về đam mê này?

- Là người luôn rất chịu khó tìm tòi những nét truyền thống để đưa vào thiết kế của mình, đặc biệt là với áo chần bông, chị có thể chia sẻ với bạn đọc về đam mê này?

- Bố tôi là người nghiên cứu những họa tiết cổ nên từ nhỏ, như một sự tự nhiên, tôi đã được ngắm nhìn và cùng bố trò chuyện về những họa tiết trang trí. Điều đó giống như món ăn hằng ngày, cứ thấm dần vào mình. Khi tuổi còn nhỏ, tôi nhiều lần ngắm nhìn áo chần bông trong những cửa hàng. Nhưng lúc ấy chỉ biết là mình thích và cảm thấy sản phẩm này nếu đưa vào đó hình ảnh mới hơn thì chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn. Sau này, thiết kế đầu tiên của tôi là chiếc áo chần bông.

- Thế hệ của chị chắc có nhiều người biết về áo chần bông, nhưng thế hệ trẻ hiện nay ít có cơ hội biết về sản phẩm này. Chị có thể giới thiệu kỹ hơn về áo chần bông?

- Khi còn bé, mẹ thường mặc cho tôi chiếc áo chần bông hoa xanh. Chiếc áo cũ, nhiều khi mặc có những phần bông rơi ra nhưng rất êm, rất ấm, chỉ cần mặc một chiếc áo chần bông là thấy ấm lắm rồi.

Với áo chần bông, tôi lại nhớ bài thơ Áo bông che bạn của nhà thơ Trần Tế Xương, với những câu như: “Ai ơi có nhớ ai không/ Trời mưa một mảnh áo bông che đầu/ Nào ai có tiếc ai đâu/ Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô”. Còn theo tìm hiểu của tôi, cũng được bố xác nhận, đó là khi đào mộ một quan thái giám thời Lê - Trịnh thì có một sản phẩm áo bông được gấp ngay ngắn trong đó. Điều đó cho thấy chiếc áo này có từ xa xưa. Tuy vậy, sản phẩm áo chần bông hồi đó rất đơn giản. Áo bông chính là áo ba lớp, thường được dùng trong tiết trời lạnh.

- Vậy với tư cách là một nhà thiết kế, chị đã sử dụng vải chần bông như thế nào để phù hợp với cuộc sống hiện nay?

- Năm ngoái, tôi đã giới thiệu bộ sưu tập Thọ với sự thay đổi khá nhiều so với áo chần bông truyền thống. Chẳng hạn, tôi không làm 3 lớp mà làm 5 lớp để tạo nên chất liệu vải mới, có màu sắc, hoa văn khác nhau. Khi làm, tôi phải thử đi thử lại nhiều lần. Như khi tạo họa tiết hoa sen, tôi không chỉ sử dụng hình ảnh bông sen mà còn đưa vào đó cả hình và bóng, mang thời gian và ánh sáng để tạo nên một bức tranh trên mặt áo chần bông.

- Nhiều nhà thiết kế đã thành công với việc khai thác chất liệu truyền thống, nhưng không phải ai cũng giải quyết được bài toán kinh tế bởi người tiêu dùng thường chạy theo cái mới. Với chị thì sao?

- Ngay từ đầu tôi đã phải tự cân đối điều này. Tôi luôn cảm thấy nhiệm vụ đó là của mình, nếu mọi người chưa thích là do mình làm chưa đẹp. Khi tham khảo một số triển lãm nước ngoài, tôi cảm nhận được người nước ngoài rất thích văn hóa Việt Nam. Còn trong nước, có rất nhiều khách hàng có tình yêu lớn với sản phẩm áo chần bông. Tôi cảm thấy yên tâm với điều đó.

- Là một nhà thiết kế nữ, lại đi theo con đường truyền thống, chị cảm thấy có khó khăn gì không?

- Thời trang tạo cho tôi nhiều cảm xúc khác nhau, đặc biệt là tôi luôn cảm thấy hứng khởi, nhiều ý tưởng và mong muốn được thực hiện ngay những ý tưởng của mình. Thời trang với tôi như một cơ duyên, một trách nhiệm được giao phó.

Nhưng bất cứ công việc nào cũng có trở ngại, khó khăn. Nghề thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ, yêu nghề nhưng tiền công của người thợ trong ngành này rất thấp. Vì thế, hiện không còn nhiều người thợ giỏi theo nghề. Công việc của tôi cần những người thợ giỏi, tâm huyết và tôi nghĩ khâu thực hiện để đạt được những sản phẩm đúng ý của mình sẽ ngày càng khó khăn. Riêng tôi, tôi vẫn muốn lưu giữ những gì được thể hiện bằng bàn tay con người. Chắc chắn tính nghệ thuật, tình cảm và sự tinh tế trong những sản phẩm ấy sẽ cao hơn nhiều. Yếu tố văn hóa cũng được lưu lại từ đời này sang đời khác. Tuy có những trở ngại nhưng khi nhận được phản hồi của mọi người, đặc biệt là từ các bạn trẻ, tôi cảm thấy như được khích lệ để lại tiếp tục tìm tòi, cố gắng.

- Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Thúy Đinh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/980985/nha-thiet-ke-trinh-bich-thuy-sang-tao-tren-nen-truyen-thong