Nhà tù Nhật Bản: Thiên đường của người già hay ác mộng của quản ngục?
'Cuộc sống trong tù thật thư thái, thoải mái. Tôi bị giam giữ nhưng chẳng phải lo lắng gì. Có người để tâm giao, trò chuyện, ngày 3 bữa cơm là đủ', một phạm nhân bộc bạch.
Lặng lẽ ngắm bóng hoàng hôn khuất dần sau dãy núi, bà Tani xót xa cho phận đời tủi nhục của bản thân. Ở tuổi 80 gần đất xa trời, bà vẫn đang phải thi hành án trong nhà tù.
Ở trong tù cho bớt cô đơn
Cuộc sống cơm áo gạo tiền tuy còn nhiều chật vật, nhưng vợ chồng bà luôn chăm chỉ làm lụng, tích cóp để con cái có cuộc sống đủ đầy, ăn học nên người.
Sáu năm trước, chồng bà Tani bị liệt toàn bộ cơ thể sau một cơn đột quỵ. Sóng gió như một cú sốc trời giáng tới người phụ nữ mang gương mặt khắc khổ. “Khi ấy, tôi như rơi vào bế tắc, khủng hoảng. Tôi xấu hổ, e ngại mà không dám giãi bày với ai”, bà Tani bần thần.
Năm 70 tuổi, bà Tani bị cảnh sát bắt giữ vì tội ăn cắp vặt ở cửa hàng tạp hóa. Bà bị kết án 2 năm 6 tháng tù. “Tôi không túng thiếu đến mức phải đi ăn trộm. Tôi trăn trở về cuộc sống của mình, không muốn trở về nhà nhưng cũng chẳng còn nơi nào để đi. Chỉ còn cách vào tù thôi”, bà nói, giọng run run.
Song, cuộc sống trong tù khiến người phụ nữ này vui vẻ và cười nhiều hơn. "Con trai tôi cứ khăng khăng là tôi bị thần kinh, phải chữa trị. Thực ra, tôi áp lực và cô đơn quá, mới buộc phải ăn trộm", người phụ nữ giải thích.
Trong căn phòng giam lạnh lẽo, bà Nori bồi hồi nhớ lại quãng ngày sống trong nhung lụa. Mái tóc bạc trắng, người phụ nữ 75 tuổi chậm rãi kể: “Tôi đúng kiểu ở nhà được chồng nuôi. Mọi người trầm trồ ngưỡng mộ và cho rằng tôi thật may mắn khi lấy được chồng giàu. Song, tiền không mua được hạnh phúc”.
13 năm trước, lần đầu tiên bà Nori đánh liều trộm quyển tiểu thuyết ở hiệu sách. Nhưng cũng chính vào giây phút ấy, bà cảm nhận sự ân cần, chăm sóc của viên cảnh sát. Ông đặt tay lên vai bà, nhẹ nhàng khuyên nhủ: “Tôi hiểu nỗi cô đơn của chị, đừng làm vậy nữa”.
Thế nhưng, sự thấu hiểu ít ỏi đó không khiến bà Nori bớt hiu quạnh, lẻ loi. Là bà của 6 đứa cháu, mẹ của 2 người con trai, bà Nori vẫn không cảm thấy được quan tâm, chăm sóc. Bà bị kết án 3 năm 2 tháng vì tội trộm cắp những vật dụng giá trị.
"Có lẽ, bạn không hiểu cảm giác thích thú khi được ở trong tù như nào đâu. Mỗi khi hoàn thành công việc, tôi được khen ngợi và dường như được tiếp thêm cảm hứng. Tôi thích cuộc sống trong tù hơn. Những người bạn tù luôn cùng nhau chia sẻ mọi vui buồn, hàn huyên tâm sự. Tôi nhớ nhà tù khi được trả tự do”, bà Nori bộc bạch.
Quản ngục hay điều dưỡng viên trong viện dưỡng lão?
Câu chuyện buồn của bà Nori và Tani là những mảnh ghép của bức tranh u tối, về hệ quả của tình trạng già hóa dân số. Nhật Bản là quốc gia có dân số già nhất thế giới, với 27,3% người dân trên 65 tuổi, tỷ lệ này gấp đôi so với Mỹ. Tuy nhiên, đất nước mặt trời mọc này đang phải đối mặt với thực trạng: tội phạm cao tuổi.
Số lượng các vụ trộm cắp, bắt giữ người già ngày càng gia tăng. Theo khảo sát, 20% phạm nhân trong nhà tù Nhật Bản là phụ nữ cao tuổi.
Bloomberg đặt vấn đề: “Tại sao phụ nữ lớn tuổi chấp nhận ăn cắp vặt để sống trong nhà tù?”. Theo lý thuyết, việc chăm sóc người già là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội, song điều này đang dần thay đổi ở Nhật Bản.
Cuộc điều tra năm 2017 của chính quyền thành phố Tokyo cho thấy hơn 50% tội phạm ăn trộm thường sống một mình hoặc hiếm khi trò chuyện cùng người thân. Họ cho biết cảm thấy đơn độc mỗi khi gặp khó khăn.
Một nguyên nhân khác được Bloomberg đặt ra là phụ nữ “cảm thấy vô hình” trong chính căn nhà của mình. “Với họ, gia đình không mang lại cho họ cảm giác ấm áp, an toàn”, bà Yumi Muranakam, Quản lý Nhà tù dành cho nữ Iwakuni bày tỏ. "Họ không được thấu hiểu, như người giúp việc trong gia đình”.
Bên cạnh đó, hệ quả của thực trạng già hóa dân số là gần một nửa người già Nhật Bản sống một mình trong cảnh bần hàn. “Chồng tôi qua đời vào năm ngoái. Không người nương tựa, tôi cứ thế sống qua ngày. Tôi chỉ tính tới siêu thị để mua rau. Nhưng khi nhìn thấy túi thịt bò, tôi thèm quá nên đánh liều trộm chúng”, bà giãi bày.
Tại Nhật Bản, chi phí y tế hàng năm tại các cơ sở cải huấn tăng cao, chạm mức 6 tỷ yen (tương đương hơn 50 triệu USD) vào năm 2016, tăng hơn 80% trong 10 năm qua.
Vào ban ngày, nhà tù thuê điều dưỡng viên tắm rửa, vệ sinh cho các tù nhân cao tuổi. Song, vào ban đêm, công việc này được thực hiện bởi các cai ngục.
Satomi Kezuka, một sĩ quan kỳ cựu tại nhà tù dành cho nữ Tochigi, cách Tokyo 96 km về phía bắc, cho biết giờ nhiệm vụ của bà còn đối phó với sự mất kiểm soát của người già. "Họ xấu hổ và thường xuyên giấu đồ lót. Tôi luôn phải yêu cầu họ đưa cho tôi giặt hộ”, Satomi chia sẻ. Các cuộc điều tra cho thấy hơn 30% nhân viên cai ngục nữ đã xin nghỉ việc trong vòng 3 năm.
'Ngày 3 bữa cơm là đủ rồi'
Năm 2016, Nghị viện Nhật Bản đã thông qua đạo luật, đảm bảo người cao tuổi phạm tội được nhận hỗ trợ từ hệ thống phúc lợi và các dịch vụ xã hội của đất nước. Kể từ đó, các văn phòng của công tố viên và nhà tù làm việc chặt chẽ với các cơ quan chính phủ để đưa ra hỗ trợ cần thiết, kịp thời. Tuy nhiên, đảm bảo cho phạm nhân cuộc sống hạnh phúc lại nằm ngoài khả năng của nhà chức trách.
"Cuộc sống trong tù thật thư thái, thoải mái. Có người để tâm giao, trò chuyện, ngày 3 bữa cơm là đủ. Mỗi tháng một lần, con gái lại vào thăm tôi. Con bé cứ kêu thương mẹ quá. Có lẽ, tôi đáng thương thật", bà Kose nói.
Bà Kei, người đang thi hành án vì trộm nước giải khát, chia sẻ: "Tôi sống nhờ vào phúc lợi xã hội, số tiền eo hẹp đó không đủ để trang trải sinh hoạt phí. Khi được thả, tôi sẽ chật vật xoay sở với 9 USD/ngày. Chả có gì để hy vọng vào cuộc sống ngoài kia".