Nhà văn Đỗ Chu kiêu hãnh cô đơn

Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, đối với người nghệ sĩ, cô đơn tự xác lập hay cô đơn do ngoại cảnh, đó đều là những đặc ân. Bởi nhờ cô đơn làm chất xúc tác, cảm thức sáng tạo mới bừng vỡ nơi người nghệ sĩ và rồi thúc đòi truy tầm cái đẹp trong động hướng của sự giải thoát miên viễn. Nhà văn Đỗ Chu cũng từng bảo: 'Nhà văn cô đơn được thì càng tốt!'.

Tôi quan sát và thấy, thường thì người nghệ sĩ rất dễ xác lập sự cô đơn tự thân, nhưng lại rất khó để tách khỏi đám đông ầm ĩ, trong khi ai cũng biết sự sáng tạo chỉ có thể làm được trong im lặng nghĩ ngợi. Nguyên do của cái sự trên là bởi trong huyết quản người nghệ sĩ, ít nhiều đều có một gã nhân văn án ngự, sợ làm người khác buồn lòng nên không nỡ từ chối những niềm vui mang bộ mặt xã giao, chiếu lệ. Cũng do lo sợ người khác buồn lòng, vô hình trung, người nghệ sĩ tự đẩy cái tôi cá biệt ra khỏi mình để chạy theo ve vuốt niềm vui giả do kẻ khác tạo ra.

Nhà văn Đỗ Chu không thế! Giữa đám đông ầm ĩ hay một mình cô đơn thăm thẳm, ông luôn là một Đỗ Chu kiêu hãnh, không dễ để thỏa hiệp với bất cứ ai và bất cứ điều gì không phải mình, cả trong văn chương lẫn trong đời sống. Chính vì điều này, những ai chưa hiểu tính rõ nết, hoặc mới lần đầu tiếp xúc với nhà văn Đỗ Chu, ít nhiều có chung cảm giác... khó chịu.

Cái sự... khó chịu đó, một lần nữa được nhạc sĩ Đình Nghĩ kiểm chứng. Chẳng là, giữa tháng 4/2019, nhà văn Đỗ Chu vào Đà Lạt chơi. Biết ông vào Đà Lạt, nhiều văn nghệ sĩ ở Lâm Đồng đã tìm đến nghe Đỗ Chu nói chuyện văn chương. Ông thông tuệ, lại có lối dẫn chuyện rất duyên trong ngôn ngữ, trong hình tượng, tình tiết, bố cục; rồi cả cách nhấn câu, nhả chữ cũng rất sóng sánh nên nghe Đỗ Chu nói chuyện văn chẳng khác gì đọc văn ông: chỉnh chu, kỹ lưỡng, mực thước và trau chuốt... rất thú. Câu chuyện văn chương đang nắc nỏm, nhà văn Đỗ Chu chợt dừng lại nói có việc phải đi tìm mua một chiếc veston để mặc cho đỡ lạnh, vì mới từ Sài Gòn lên Đà Lạt và không mang theo áo khoác ngoài. Bấy giờ, mọi người mới nhận ra sự sơ ý của mình, vì để ông mải nói chuyện văn trong khi chỉ mặc phong phanh mỗi chiếc áo sơ mi mỏng. Trên đường ra chợ Đà Lạt, nhà văn Đỗ Chu nêu yêu cầu: “Đó phải là loại veston cũ, có sợi bằng cotton. Ta không có cảm tình với đồ veston mới!”.

Nhà văn Đỗ Chu (bên trái) và nhà báo Nguyễn Thanh Đạm.

Nhà văn Đỗ Chu (bên trái) và nhà báo Nguyễn Thanh Đạm.

Mất cả buổi sáng sục sạo khắp các quầy sạp bán veston cũ tại chợ đồ xôn Đà Lạt và một số cửa hàng bán đồ xôn trong nội đô, nhà văn Đỗ Chu vẫn chưa thể tìm được chiếc veston ưng ý. Mặc dù nếu có tìm được chiếc áo ưng ý, ông cũng chỉ sử dụng trong vòng 24 tiếng đồng hồ, trở về Hà Nội thời tiết nóng nực, chiếc veston không còn ý nghĩa nữa. Tuy vậy, với nhà văn Đỗ Chu, việc chọn áo cũng không thể qua quýt, sơ lược. Ông thà chịu lạnh, chứ nhất quyết không chịu khoác vào người chiếc áo không phù hợp. Thế rồi, nhà văn Đỗ Chu vẫy tay đón taxi đến nhà riêng của nhà báo Nguyễn Thanh Đạm chơi. Tại đây, nhạc sĩ Đình Nghĩ bảo sẽ tặng ông một chiếc veston vừa ý và tức tốc trở về nhà để lấy áo.

Quả nhiên, một lúc sau, nhạc sĩ Đình Nghĩ quay lại với chiếc veston rất đẹp, trước sự trầm trồ của những người có mặt ở đấy. Mọi người nghĩ, thể nào nhà văn Đỗ Chu cũng sẽ thích chiếc áo kia thôi, bởi nhạc sĩ Đình Nghĩ xưa nay có tiếng kỹ tính, chỉnh chu, gu ăn mặc lại khá gần gu của nhà văn Đỗ Chu. Cầm chiếc áo trên tay, nhà văn Đỗ Chu thừa nhận áo có màu đẹp, chất lượng vải tốt nhưng cảm ơn và từ chối. Quá ngạc nhiên, mọi người hỏi lý do, ông bèn thủng thẳng đáp: “Áo ngắn hơn người ta độ 2 phân. Đỗ Chu nó phải lụ khụ. Mặc áo này vào thì nó không còn là ông Chu nữa”. Cứ nhìn vào tình tiết nhỏ này đủ biết nhà văn Đỗ Chu là người kỹ tính đến mức khắt khe. Chẳng trách một số người vẫn bảo: Tính Đỗ Chu khó chịu và cố chấp lắm!

Tôi thì nghĩ, các tài năng lớn thường là những cá tính mạnh. Cá tính là dấu hiệu xác đáng của tài năng. Chỉ những ai thật sự mang sứ mệnh sáng tạo mới chấp nhận sống lầm lũi cô đơn trên con đường riêng của mình. “Đã không có thân phận, không có buồn vui riêng tư, phỏng cái viết ra liệu ai đọc, cái hát lên liệu ai nghe. Mỗi nhà văn cần phải tìm một con đường riêng cho mình trong sáng tạo nghệ thuật. Điều ấy là sống còn”, nhà văn Đỗ Chu tâm sự.

Nhà văn Đỗ Chu, tên khai sinh là Chu Bá Bình. Ông sinh năm 1944, tại xã Quảng Minh, nay là thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, hiện sống ở Hà Nội. Truyện ngắn và tùy bút của nhà văn Đỗ Chu đã được bạn đọc nhiều thế hệ đón nhận, với một văn phong giàu chất thơ, lắm nghĩ ngợi. Ông là chủ nhân của một số giải thưởng văn chương danh giá: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng ASEAN.

TRỊNH CHU

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nha-van-do-chu-kieu-hanh-co-don-n180054.html