Nhạc sĩ Quang Vượng 'cháy' với niềm đam mê nghệ thuật

Dường như duyên nghề chọn người nên sau khi nhập ngũ năm 1974, ông Vũ Quang Vượng được phân công phụ trách công tác văn hóa - văn nghệ tại đơn vị. Từ đó ông đã thể hiện là nghệ sĩ đa năng với nhiều vị trí như: nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ. Ở mảng nào nhạc sĩ Quang Vượng cũng gặt hái được những thành tích đáng ghi nhận.

Đi qua chặng đường dài của người lính làm công tác văn hóa - văn nghệ, sau này nhạc sĩ Quang Vượng (SN 1956, quê Đông Anh, Hà Nội) chọn Bình Phước là quê hương thứ hai, tiếp tục niềm đam mê âm nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung. Nhạc sĩ Quang Vượng còn có bút danh Cao Nguyên, hiện là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật, Chi hội trưởng Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bình Phước. Khi nhắc đến Quang Vượng, văn nghệ sĩ trong tỉnh đều biết ông là người có bề dày hoạt động trong phong trào văn hóa - văn nghệ, với nhiều thành tích nổi bật.

Năm 1974, sau khi học xong cấp 3, thanh niên Quang Vượng lên đường nhập ngũ và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau đó, ông được phân công về đội văn nghệ Đoàn pháo binh Ba Tơ thuộc Bộ tư lệnh Pháo binh. Năm 1976, lần đầu tiên ông tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng Quân khu V lần thứ nhất, với vai trò là diễn viên đơn ca và độc tấu đàn bầu, đã được ban giám khảo đánh giá rất cao. Năm 1979, ông giành huy chương vàng với tiết mục độc tấu sáo trúc tại hội diễn nghệ thuật quần chúng Quân khu V lần thứ hai. Năm 1985, ông chuyển công tác về Binh đoàn 15 (Gia Lai) và khẳng định tài năng ở mảng thanh nhạc, nhạc cụ dân tộc khi đoạt giải giọng ca vàng, huy chương vàng độc tấu đàn bầu hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Năm 1995, nhạc sĩ Quang Vượng đoạt huy chương vàng đơn ca với ca khúc “Nắng cao nguyên” do chính ông sáng tác và trình bày trong hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quân tại thủ đô Hà Nội.

Năm 1999, ông chuyển công tác về Binh đoàn 16 thuộc Bộ Quốc phòng, đóng tại Bình Phước. Từ đây, ông chú tâm sáng tác, dàn dựng các chương trình văn nghệ nhiều hơn và tiếp tục tỏa sáng ở lĩnh vực sáng tác ca khúc.

Phong cách âm nhạc trong các sáng tác của nhạc sĩ Quang Vượng thể hiện rõ tình yêu quê hương, đất nước nói chung và mảnh đất Bình Phước nói riêng. Đặc biệt, nhiều sáng tác của ông đậm chất lính, giai điệu tươi trẻ, cấu trúc ngắn gọn, ca từ mang tính khái quát cao làm cho người nghe dễ cảm, dễ nhớ, lắng đọng khó quên.

Nhạc sĩ Quang Vượng cũng rất tâm huyết, nhiệt tình trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh. Từ các đợt đi thực tế sáng tác do Hội Văn học nghệ thuật hay Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) tổ chức, nhạc sĩ Quang Vượng đều tích cực tham gia. Trong số hơn 100 ca khúc của mình, ông có hơn 20 bài về quê hương Bình Phước, được BPTV dàn dựng thu âm, ghi hình quảng bá và phục vụ trong các sự kiện của tỉnh. Ông cũng là khách mời thân quen của các chương trình văn nghệ trên sóng phát thanh - truyền hình của BPTV.

Tại quê hương Bình Phước, nhạc sĩ Quang Vượng cho ra đời hàng loạt sáng tác mới, được giới chuyên môn đánh giá cao, công chúng đón nhận nhiệt tình và đoạt nhiều giải thưởng. Điển hình, giải nhất ca khúc “Quê hương biết mấy tự hào” cuộc thi sáng tác ca khúc do Hội Văn học nghệ thuật Bình Phước tổ chức năm 2011; “Phước Long tình yêu của tôi” đoạt huy chương vàng liên hoan Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2011; “Em mãi là bài ca” đoạt huy chương bạc tại hội diễn toàn quân năm 2008; “Tiếng hát chiến sĩ biên phòng Bình Phước” đoạt huy chương vàng liên hoan nghệ thuật Bộ đội biên phòng toàn quốc; “Thương nhớ Bác Hồ” giải nhì cuộc thi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức năm 2010 và nhiều giải thưởng khác ở cấp khu vực toàn quân, toàn quốc.

Nhạc sĩ Quang Vượng không chỉ đạt nhiều thành tích trong các lĩnh vực sáng tác, ca hát, biểu diễn nhạc cụ mà còn tham gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực như nhiếp ảnh, văn học... Nhiều người bất ngờ khi ông đoạt giải nhất cuộc thi ảnh do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức năm 2013. Về văn chương, ông cũng là cây bút có nhiều tác phẩm văn, thơ, tin, bài được đăng trên Tạp chí Văn nghệ, BPTV trong nhiều năm qua.

Năm 2019, nhạc sĩ Quang Vượng được nhận Kỷ niệm chương của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Đó là niềm vui và vinh dự đối với một văn nghệ sĩ. Với chặng đường hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, nhạc sĩ Quang Vượng luôn tự hào vì được khoác lên mình màu xanh áo lính. Ý thức vai trò của người làm văn hóa - nghệ thuật, ông luôn phấn đấu không ngừng học hỏi, từ chiến sĩ phụ trách phong trào văn nghệ tại đơn vị, được gia nhập vào đội ngũ những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp, Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Cuộc đời quân ngũ của ông gắn liền với những hoạt động văn hóa, văn học - nghệ thuật. Về với đời thường, ông thành lập công ty tổ chức sự kiện và vẫn luôn bận rộn với công việc dạy nhạc, sáng tác, biểu diễn, dàn dựng, thu âm, thu hình làm phim phóng sự... Đối với ông, làm nhiều việc nhưng không nặng về lợi nhuận mà chủ yếu để thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật.

Đức Hòa

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/nhac-si-quang-vuong-chay-voi-niem-dam-me-nghe-thuat-8539