Nhạc truyền thống cuốn hút người trẻ
Nhạc truyền thống đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để phù hợp với nhu cầu của công chúng trẻ
Một trong những điểm nổi bật tạo nên ấn tượng của live concert "Anh trai vượt ngàn chông gai 2024" ở TP HCM, và có thể tại cả Hà Nội, là mảng màu sắc âm nhạc truyền thống.
Sức hút mạnh mẽ
Trong đêm công diễn 4 với chủ đề "Điểm tựa", bài hát "Trống cơm" được xem là hiện tượng chưa từng có của "Anh trai vượt ngàn chông gai" khi đứng vị trí số 1 trên Danh mục thịnh hành âm nhạc của YouTube. Suốt 1 tháng sau khi phát sóng, dù có thêm rất nhiều ca khúc mới nhưng "Trống cơm" vẫn bền bỉ trụ hạng trong top. Không những tạo nên trào lưu cover sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội, "Trống cơm" còn trở thành "bài mẫu" mới cho nhiều tiết mục biểu diễn trên các sân khấu.
Sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại đã thổi luồng sinh khí mới vào âm nhạc, giúp nó không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn mà còn mở ra những con đường phát triển bền vững cho di sản văn hóa Việt Nam. Nghệ thuật truyền thống, với những giá trị văn hóa lâu đời, chứa đựng bản sắc dân tộc là nền tảng vững chắc. Trong khi đó, các yếu tố hiện đại đem đến sự mới mẻ, tạo nên những biến chuyển thú vị, thu hút đông đảo khán giả, nhất là người trẻ. Việc kết hợp chất liệu truyền thống trong các tác phẩm âm nhạc hiện đại đang tạo ra sức hút mạnh mẽ, giúp khán giả trẻ dễ dàng tiếp cận và trân trọng những giá trị văn hóa lâu đời.
Mới đây, nam nhạc sĩ Masew (Lê Tuấn Anh) đã kết hợp với quán quân Rap Việt Double2T trong "Xập xình xập xình" như một cách để tôn vinh và phát triển nghệ thuật truyền thống. Âm nhạc trong "Xập xình xập xình" tươi vui, mang màu sắc lễ hội vùng cao khiến người nghe phải nhún nhảy. Ngay từ khi trình làng trailer, với những giai điệu đầu tiên, người hâm mộ đã dự đoán đây tiếp tục là một ca khúc phù hợp để biểu diễn văn nghệ ở trường học.
Âm nhạc truyền thống trở nên đặc biệt khi lan tỏa những giá trị văn hóa được gìn giữ lâu đời. Dù có lúc "lép vế" về mặt hiệu ứng so với nhạc trẻ song với cách làm mới của nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay, âm nhạc truyền thống được giữ gìn và phát triển một cách thiết thực.
"Các bạn trẻ hiện nay rất giỏi, họ nhanh nhạy, có khả năng sáng tạo mạnh mẽ. Vì vậy, họ có thể tạo ra được những điểm mới mà vẫn dung hòa được giữa âm nhạc hiện đại với âm nhạc truyền thống" - nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Phong nhìn nhận.
Dùng công nghệ để lan tỏa
Giới chuyên môn cho rằng bảo tồn di sản văn hóa không chỉ là việc lưu giữ những gì đã qua mà là tái sinh trong bối cảnh hiện đại. Chính những không gian sáng tạo đã giúp nghệ thuật dân gian được bảo tồn, phát triển mạnh mẽ.
Khi các nghệ sĩ trẻ sáng tạo trên nền tảng truyền thống, họ không chỉ tôn vinh di sản văn hóa mà còn góp phần vào quá trình tiếp nối và phát triển. Điều này thể hiện rõ qua các tác phẩm âm nhạc, hội họa, sân khấu hiện nay - nơi mà các yếu tố truyền thống như nhạc cụ, điệu hát, vũ đạo cổ... được kết hợp một cách sáng tạo với xu hướng đương đại.
Với những nghệ sĩ trẻ năng động và nhạy bén, âm nhạc truyền thống không chỉ được sáng tạo hơn mà còn lan tỏa mạnh mẽ bởi các ứng dụng công nghệ. Với sự nhạy bén và tinh thần sáng tạo trước những xu hướng mới, họ không ngừng tìm kiếm, khám phá những cách thức để kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Nhiều ca khúc của họ đã có vị trí cao trên các bảng xếp hạng âm nhạc thịnh hành ở các nền tảng.
Các nền tảng số, mạng xã hội đang được nhiều đơn vị tổ chức, nhà sản xuất chương trình nhạc truyền thống, cách mạng tận dụng để tiếp cận khán giả trẻ. Dù còn nhiều khó khăn nhưng phương thức này bước đầu đã đạt một số kết quả khả quan.
Sau 1 tuần khởi động, cuộc thi ca hát trực tuyến "Bài ca thống nhất" đã thu hút khá nhiều thí sinh tham gia. Mỗi video dự thi đăng trên kênh TikTok chính thức của cuộc thi thu hút từ vài trăm đến vài ngàn lượt xem. Đây là con số còn khiêm tốn so với các nội dung trên môi trường số hiện tại. Tuy nhiên, cách làm mới mẻ của sân chơi này là điều đáng chú ý.
Các thí sinh "Bài ca thống nhất" gửi video dự thi lên nền tảng/kênh của ban tổ chức và có thể cùng giao lưu, chia sẻ với nhau. Tính tương tác cao là điều góp phần tạo thêm sự thú vị của cuộc thi. Ban tổ chức cho biết cuộc thi không nhằm tìm kiếm nhân tài ca hát mà để lan tỏa âm nhạc cách mạng, âm nhạc truyền thống đến giới trẻ. Mục tiêu mà sân chơi này đặt ra là thu hút từ 500 triệu đến 1 tỉ lượt tiếp cận trên TikTok.
Đây cũng là phương thức để các đơn vị tổ chức áp dụng với mục tiêu lan tỏa âm nhạc cách mạng, âm nhạc truyền thống đến giới trẻ. Truyền thông Khang - đơn vị sản xuất "Dấu ấn Việt" hay Báo Người Lao Động với cuộc vận động sáng tác ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" cũng đã tận dụng tối đa những nền tảng số mà mình đang có để lan tỏa các tác phẩm âm nhạc đến công chúng.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cho rằng mạng xã hội không chỉ giúp lan tỏa âm nhạc đến người nghe mà còn có khả năng kích thích tác giả trẻ sáng tạo, góp phần làm phong phú thêm những sáng tác.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhac-truyen-thong-cuon-hut-nguoi-tre-196241031211646436.htm