Nhạc Việt 'ngủ đông'
Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, các sản phẩm âm nhạc, live show hay chương trình lớn đều bị hoãn. 6 tháng đầu năm 2021 là nốt trầm rõ rệt của Vpop.
Dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2019. Trải qua ba đợt bùng dịch, cộng đồng nói chung và giới làm nghệ thuật nói riêng vẫn giữ được tâm thế ung dung, nhẹ nhàng "đợi thời".
Có thể nói, dù đã có hơn một năm sống chung với dịch, showbiz và cụ thể hơn là thị trường âm nhạc vẫn duy trì được cường độ làm việc, phát triển nhịp nhàng.
Nhưng với đợt bùng dịch thứ tư ở Việt Nam, khán giả và nghệ sĩ mới dần cảm nhận được sâu sắc "nốt trầm" nặng nề của mảng nhạc.
Thị trường âm nhạc "ngủ đông"
Thời điểm giữa năm 2020 là lúc thị trường âm nhạc sôi nổi với các bài cổ động tuyên truyền phòng chống Covid-19. Các đợt bùng dịch tiếp sau đó, dù gặp nhiều hạn chế và khó khăn, các nghệ sĩ vẫn năng nổ giữ độ nóng tên tuổi bằng những hoạt động trực tuyến, live show, livestream. Các MV chỉn chu về mặt chất lượng hình ảnh và âm nhạc vẫn được ra mắt đều đặn.
Nhưng ở lần bùng dịch thứ 4, mọi thứ rơi vào tình trạng "ngủ đông". Nhiều live show lớn phải hủy, không ít dự án vốn được mong chờ phải tạm hoãn. Dịch bệnh không chỉ bào mòn vật chất, mà cả tinh thần của nghệ sĩ cũng như công chúng. Tưởng như âm nhạc chẳng mấy được thiết tha.
Số liệu tăng trưởng lượt view của các MV trong 3 tuần gần đây thấp hơn hẳn so với đầu mùa hè. Dịch đã "ngấm", và năng lượng tích cực của công chúng dường như không đủ để lan tỏa tới lĩnh vực âm nhạc. Khán giả vẫn động viên nhau bằng những lời lạc quan, ấm áp, tự nhủ "khó khăn nào rồi cũng sẽ qua".
Nhưng nhìn vào thực tế, ngành âm nhạc đang gặp thử thách lớn, khi cộng đồng dành sự quan tâm ưu tiên cho số ca mắc mới, các điểm phong tỏa và chiến dịch tiêm ngừa. Nếu có thời gian ngơi nghỉ khỏi những lo âu, nhiều người có xu hướng chọn phim ảnh.
Những tên tuổi đã hoạt động lâu năm trong thị trường âm nhạc, bằng kinh nghiệm tích lũy được, đành lùi lại các dự án đã lên lịch. Điều này cũng dễ hiểu, bởi hiện tại, dẫu có ra bài hát mới cũng không có sân khấu để quảng bá, tác phẩm có thành hit cũng không có show để biểu diễn.
Mỗi sản phẩm âm nhạc thường được đầu tư từ vài trăm triệu cho đến cả tỷ đồng. Nếu không thể thu lại qua các hoạt động biểu diễn, quảng cáo liên quan, phát hành MV/album rõ ràng không phải bài toán kinh tế thông minh. Thay vào đó, ca sĩ cùng ê-kíp đành ngồi im nghe ngóng, chờ giai đoạn căng thẳng qua đi, và chờ thời điểm thích hợp để quay trở lại.
Chia sẻ vấn đề trên, nhạc sĩ, nhà sản xuất Hứa Kim Tuyền nói: "Dịch bệnh ảnh hưởng quá nhiều lên những người làm nhạc. Giãn cách xã hội nên chúng tôi không thể quay MV được, hầu hết dự án đều không thể sản xuất thời điểm này. Với những MV đã hoàn thiện thì đây cũng không phải thời điểm đẹp để ra mắt. Mọi người đang quá nhiều nỗi lo về sức khỏe, kinh tế, không còn tâm trí nghe nhạc. Có phát hành sản phẩm cũng khó mà đạt được hiệu ứng như mong muốn".
Gen Z không ngại rủi ro và tương lai của nhạc Việt
Thị trường trống trải những tên tuổi lớn, cơ hội cho các tân binh trở nên rộng mở hơn.
Bớt được sự cạnh tranh với các đàn anh đàn chị, nhóm ca sĩ trẻ rộng đường tiến quân, chiếm sóng trên các kênh truyền thông và nền tảng âm nhạc. Khả năng tiếp cận, bắt mắt và bắt tai công chúng qua mạng Internet của những gương mặt trẻ cũng được đánh giá cao trong thời điểm các hoạt động biểu diễn trực tiếp bị ngừng lại như hiện nay.
Nhìn vào thực tế, bảng xếp hạng âm nhạc những tháng gần đây liên tục ghi nhận sự xuất hiện các ca khúc của tân binh như Chàng trai sơ mi hồng (Hoàng Duyên), Thích em hơi nhiều (Wren Evans), Bỏ em vào balo (Tân Trần)…
Chia sẻ với Zing, Wren Evans cũng thừa nhận nếu không rơi vào đợt dịch Covid-19, chưa chắc chàng trai 20 tuổi đã ở Việt Nam để theo đuổi âm nhạc, thay vào đó đã lên đường du học. Và cũng chính đợt bùng dịch thứ 4 là nguyên nhân khiến Wren Evans ra mắt Thích em hơi nhiều, với mong muốn truyền tải năng lượng tích cực, vui vẻ, tươi sáng tới khán giả.
Ngoài các ca khúc debut, những bản cover tạo trào lưu do loạt gương mặt trẻ cất giọng cũng gây chú ý. Juky San, Thịnh Suy, Changg, Thương Võ, Tăng Phúc, Trương Thảo Nhi… mang đến hương vị mới cho các ca khúc cũ, tạo nên điểm sáng tươi tắn cho bức tranh âm nhạc đang phủ một màu trầm buồn bởi dịch bệnh.
Chưa bao giờ việc dự đoán xu hướng âm nhạc nửa cuối 2021 lại khó như bây giờ. Khán giả sẽ thích nghe gì? Người làm nhạc sẽ chọn sản xuất thứ âm nhạc nào? Các MV được phát hành theo chiến lược ra sao? Không một ê-kíp làm nhạc nào đưa ra câu trả lời chính xác.
Thị trường và tâm lý khán giả phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Dịch ổn, khán giả mới có hứng thú nghe nhạc, mới có điều kiện mà làm nhạc. Một khi dịch bệnh chưa được kiểm soát, kế hoạch âm nhạc của các nghệ sĩ vẫn luôn ở trong tình trạng không thể đoán trước.
Tuy nhiên, không phải âm nhạc trầm lặng trong những ngày này nghĩa là chúng ta đang mắc kẹt trong những điều ảm đạm.
Không dễ đoán trước những màu sắc âm nhạc chiếm lĩnh thị trường trong nửa năm còn, nhưng tính healing (chữa lành) - một trong những tính chất cơ bản của âm nhạc - chắc chắn vẫn được phát huy mạnh mẽ. Chẳng phải sau một cơn bạo bệnh, người ta thường cần đến những liệu pháp tinh thần tích cực đó sao? Dịch bệnh rồi sẽ ổn và âm nhạc sẽ quay trở lại, một cách đầy sức sống.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhac-viet-ngu-dong-post1233925.html