Nhận Bảo hiểm xã hội một lần: Người lao động chịu thiệt !

Thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực đưa chính sách bảo hiểm vào cuộc sống, từng bước bao phủ, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) để đảm bảo công tác an sinh, đặc biệt là tạo quỹ hưu trí ổn định...

Kỳ I: “Gặt lúa non” lợi bất cập hại

Phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh) thường xuyên rà soát hồ sơ, nắm bắt kịp thời tình trạng rút hưởng BHXH một lần của người lao động.

(baophutho.vn) - Thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực đưa chính sách bảo hiểm vào cuộc sống, từng bước bao phủ, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) để đảm bảo công tác an sinh, đặc biệt là tạo quỹ hưu trí ổn định, bền vững cho người lao động khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một bộ phận không nhỏ người lao động đang tự tước đi cơ hội hưởng lương hưu của mình khi quyết định rút nhận BHXH một lần, khiến cho tình trạng này có xu hướng gia tăng, dẫn đến những tác hại lâu dài.
Xu hướng tăng nhanh
Đã gần 10 năm tham gia BHXH, tích lũy trên 80 triệu đồng nhưng chị Vũ Thị Tươi, xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn vẫn quyết định mang sổ BHXH đi rút một lần để lấy tiền trang trải cuộc sống và làm vốn cho công việc mới. Dù đã được cán bộ BHXH huyện tư vấn về những thiệt thòi khi “rút non” BHXH như không được thụ hưởng các chế độ dài hạn hưu trí, tử tuất, bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí; về già sẽ sống phụ thuộc vào con, cháu và xã hội; nếu không may ốm đau, bệnh tật thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ không thể chi trả tiền khám chữa bệnh, nhất là những bệnh hiểm nghèo chi phí cao… song chị Tươi vẫn quả quyết: “Về già sẽ tính sau, giờ trước mắt số tiền này tôi có thể giải quyết được ngay miếng cơm, manh áo và những nhu cầu hiện tại”.Anh Trần Nam Xuân ở xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba cho biết lý do “rút non” BHXH: “Do đồng lương công nhân không dư dả nên tôi quyết định nghỉ việc về nhà trồng trọt, chăn nuôi. Mặc dù đã đóng BHXH được gần năm năm, nhưng vì cần vốn nên tôi đã rút BHXH một lần được hơn 40 triệu đồng đầu tư vào trồng bưởi và chăn nuôi”. Tuy nhiên, sau khi sử dụng hết “của để dành” thì cuộc sống của anh Xuân vẫn chưa hết khó khăn! Trên thực tế, số lượng người rút hưởng BHXH một lần như chị Tươi, anh Xuân không còn là hiếm và đang trở nên phổ biến khiến số lượng hồ sơ tăng nhanh trong hai năm trở lại đây. Tại Kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa XIX, đồng chí Phạm Thị Thu Hương-TUV, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thẳng thắn cho biết: Số người rút BHXH một lần có xu hướng gia tăng trên toàn quốc. Riêng tỉnh Phú Thọ đến tháng 11/2021 đã có 5.839 hồ sơ, tăng 3,25% so với cùng kỳ, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và việc thực hiện của Nghị quyết số 28-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH với mục tiêu “từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ” và “hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”.Trao đổi với phóng viên Báo Phú Thọ, ông Phan Sỹ Liên- Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Số người đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính nộp đơn xin thanh toán BHXH một lần vào thời điểm cuối năm tiếp tục tăng cao dù chúng tôi đã tuyên truyền để người lao động hiểu rõ mặt lợi, mặt hại khi rút BHXH một lần. Qua tư vấn thì có 1.531 người đã rút đơn không thanh toán BHXH một lần, trong khi tổng số người nộp đơn xin hưởng BHXH một lần đến cuối tháng 12/2021 là 7.370 người. Như vậy thực tế số người rút đơn chỉ chiếm khoảng 21%. Trong số này, có 362 người bảo lưu thời gian tham gia BHXH, 229 người tham gia BHXH tự nguyện, còn lại vẫn đang tiếp tục vận động tham gia BHXH… Đây là thực trạng đáng lo ngại bởi việc người lao động ồ ạt rút BHXH một lần sẽ gây ra nhiều hệ lụy cả trước mắt và lâu dài khiến gia tăng nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm, gây mất ổn định xã hội; tự tước bỏ cơ hội hưởng lương hưu, hưởng chế độ BHYT chăm sóc sức khỏe… khi về già.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, BHXH huyện Thanh Sơn tư vấn cho người lao động đến nộp đơn xin rút hưởng BHXH một lần về những lợi ích của chính sách bảo hiểm.
Đa dạng nguyên nhân
Trao đổi với chúng tôi, không ít người lao động cho rằng: Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến những người lao động tự do, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ thu nhập bấp bênh, do vậy, việc duy trì BHXH tự nguyện trở nên khó khăn hơn, trong khi họ đang cần một khoản để làm ăn, chi tiêu, trang trải cuộc sống trước mắt. Nhiều người còn lưu giữ quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”… Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn thông tin chính thống về chính sách BHXH cũng khiến không ít người lao động đi đến quyết định thanh toán BHXH một lần. Hai năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải cắt giảm nhân sự, sản xuất cầm chừng hoặc tạm thời cho công nhân lao động luân phiên nghỉ việc. Tính riêng trong năm 2021, đã có 160 doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký tạm ngừng hoạt động, 17 doanh nghiệp giải thể, nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân công, giảm giờ làm… khiến cho đời sống của hàng ngàn lao động thật sự khó khăn. Ông Nguyễn Đức Sinh - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh cho biết: Công đoàn hiện đang quản lý trên 43.000 lao động ở sáu khu, cụm công nghiệp, từ đầu năm đến ngày 10/12/2021, tổng số lao động nghỉ việc luân phiên trên 5.000 người. Thu nhập giảm sút đã tác động trực tiếp đến đời sống cũng như việc tham gia đóng nộp bảo hiểm xã hội của người lao động và chủ sử dụng lao động.

Chính sách BHXH đang đem lại cho NLĐ nhiều lợi ích. Đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, mức đóng bằng 25% mức tiền lương hàng tháng, trong đó NLĐ đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%. Với NLĐ tự do, khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện của mình, mức thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn với tỉ lệ đóng hàng tháng 22% nhưng tỉ lệ hưởng lương hưu khi đến tuổi có thể đạt đến 75% bình quân mức đóng. Ngoài ra, người hưởng lương hưu còn được cấp thẻ BHYT có mức hưởng 95% khi khám chữa bệnh đúng tuyến. Người thân, người chăm lo cho người tham gia BHXH còn được hưởng chế độ tuất khi người tham gia BHXH qua đời.
Trong khi chưa mở rộng được sản xuất, nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển dụng người lao động từ 18-35 tuổi; một số lại tìm cách không sử dụng công nhân nhiều tuổi để giảm thiểu chi phí, khiến người lao động khó tìm được việc làm mới, nguy cơ rơi vào tình trạng thất nghiệp hiện hữu, cộng với khó khăn trong cuộc sống cũng khiến người lao động đưa ra lựa chọn nhất thời, vì lợi ích trước mắt mà đánh mất quyền lợi lâu dài.
Theo bà Phạm Thị Phương Lan-Trưởng Phòng Chế độ BHXH tỉnh, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhận thức của người tham gia BHXH còn hạn chế, đa phần chỉ thấy cái lợi trước mắt. Khi lựa chọn phương án thanh toán BHXH một lần, không chỉ quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng do không có lương hưu mà ngay cả người thân của họ cũng không được hưởng tiền mai táng phí, tiền tử tuất khi mất đi. Hiện nay phương thức đóng BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng đang rất linh hoạt. Nếu thời điểm này khó khăn, người lao động có thể khoanh, treo sổ bảo hiểm, vượt qua giai đoạn khó khăn họ lại tiếp tục đóng cho đến khi đủ thời gian theo quy định để hưởng lương hưu. Do đó, chỉ khi nào người lao động nhận thức đầy đủ, toàn diện về BHXH, xác định tham gia đóng BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện là “của để dành” thì mới giảm được tình trạng “rút non” hưởng BHXH một lần.Trên thực tế đã có bài học nhãn tiền của giai đoạn trước, khi những người về nghỉ chế độ theo Quyết định 176/HĐBT ngày 9/10/1989 vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20 nhận BHXH một lần, tuy tính toán hơn số tiền lương hưu, nhưng giờ những người nghỉ theo quyết định 176 dù đã hết tuổi lao động, không có lương hưu, nhiều người muốn hoàn trả lại quỹ BHXH phần đã nhận và tiếp tục được đóng BHXH thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu nhưng pháp luật lại không cho phép. Đảng và Nhà nước luôn luôn muốn đảm bảo chính sách an sinh xã hội cho người lao động trên cơ sở ổn định quỹ hưu trí, giúp người lao động có cuộc sống ổn định khi về già, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, thể hiện sự ưu việt của chế độ.

Kỳ II: Cần giải pháp căn cơ

Nhóm phóng viên Chính trị - Xã hội

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202201/nhan-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-nguoi-lao-dong-chiu-thiet--182196