Nhận biết ung thư buồng trứng qua hiện tượng chậm kinh và các dấu hiệu đi kèm

Có một số nguyên nhân khiến kinh nguyệt bị chậm. Ung thư buồng trứng cũng có thể gây ra những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt như chậm kinh.

Nội dung

1. Các triệu chứng của ung thư buồng trứng
2. Thế nào là chậm kinh?
3. Chậm kinh là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư buồng trứng
4. Khám phụ khoa định kỳ
5. Xét nghiệm sàng lọc

Ung thư buồng trứng là một loại ung thư hiếm gặp ảnh hưởng đến buồng trứng. Ung thư buồng trứng gây ra một loạt các triệu chứng, bao gồm đau dạ dày, tăng tần suất đi tiểu và chán ăn... Trong một số trường hợp, cũng có thể gây ra những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ và dẫn đến chậm kinh.

1. Các triệu chứng của ung thư buồng trứng

Đau bụng có thể là một trong những triệu chứng của ung thư buồng trứng.

Đau bụng có thể là một trong những triệu chứng của ung thư buồng trứng.

Nhiều phụ nữ sẽ không có triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh ung thư buồng trứng. Khi các triệu chứng xảy ra có thể mơ hồ và nhẹ, cho thấy các tình trạng tương tự như hội chứng ruột kích thích. Điều này có thể dẫn đến sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị. Do vậy, phụ nữ nếu thấy các triệu chứng sau xảy ra trên 12 lần mỗi tháng cần đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa:

Đau bụng, đau bụng vùng chậu,
Đầy bụng, ăn uống không ngon miệng,
Sút cân không rõ lý do.
Buồn nôn, nôn, táo bón
Ợ nóng;
Đau lưng;
Đi tiểu thường xuyên;
Hay mệt mỏi
Chu kỳ kinh nguyệt bất thường, chảy máu âm đạo sau bất thường sau mãn kinh;
Đau khi quan hệ tình dục.

Nếu bị ung thư buồng trứng thì việc được chẩn đoán sớm là chìa khóa điều trị, quyết định nhiều đến tỷ lệ khỏi bệnh vì vậy không nên bỏ qua những triệu chứng này, đặc biệt nếu chúng kéo dài.

2. Thế nào là chậm kinh?

Hiểu được độ dài của chu kỳ kinh nguyệt có thể giúp xác định thời gian bị chậm. Thông thường, phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt dài 24 – 38 ngày. Mỗi người có độ dài chính xác khác nhau và có thể thay đổi vài ngày mỗi tháng. Nếu phụ nữ thường quan tâm đến chu kỳ kinh nguyệt của mình sẽ phát hiện ra những bất thường chu kỳ kinh nguyệt như lúc ít, lúc nhiều, lúc dài lúc ngắn hoặc mất kinh.

Kinh nguyệt không đều xảy ra khi khoảng thời gian giữa hai lần bắt đầu mỗi chu kỳ thay đổi thường xuyên. Chậm kinh là khi không chảy máu trong cả chu kỳ kinh nguyệt.

3. Chậm kinh là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư buồng trứng

Hầu hết chậm kinh không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Mang thai, căng thẳng, tập thể dục quá sức hay cường độ cao, ít mỡ trong cơ thể hoặc mất cân bằng nội tiết tố có thể gây ra kinh nguyệt không đều.

Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, kinh nguyệt không đều là dấu hiệu nghiêm trọng. Chúng cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Một nghiên cứu năm 2016 ở Mỹ cho thấy, phụ nữ có tiền sử kinh nguyệt không đều có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao gấp đôi. Nguy cơ này tăng theo độ tuổi, những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng ở tuổi 70 cao gấp đôi so với những người có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.

Mặc dù vậy, kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh không phải là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư buồng trứng. Có những triệu chứng khác phổ biến hơn, do đó nếu lo lắng về khả năng nguy cơ ung thư buồng trứng, nhất là khi gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư hoặc nhận thấy bất kỳ điều gì khác biệt trong chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng nên đi khám.

4. Khám phụ khoa định kỳ

Khám phụ khoa định kỳ giúp phát hiện sớm ung thư buồng trứng.

Khám phụ khoa định kỳ giúp phát hiện sớm ung thư buồng trứng.

Chẩn đoán sớm ung thư buồng trứng sẽ ngăn được sự phát triển ung thư tới 94%, những người được điều trị ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu sống lâu hơn 5 năm sau khi chẩn đoán. Đáng nói là chỉ khoảng 20% ung thư buồng trứng được phát hiện ở giai đoạn đầu. Điều này có thể là do nhiều triệu chứng chưa rõ và không đặc hiệu, do đó thường bị bỏ qua hoặc quy cho các nguyên nhân khác.

Khi khám, bác sĩ có thể tiến hành khám phụ khoa và phết tế bào cổ tử cung để kiểm tra nhiều vấn đề. Bác sĩ sẽ thực hiện một cuộc kiểm tra buồng trứng về kích thước, hình dạng và tính nhất quán.

Mặc dù các xét nghiệm phòng ngừa như khám phụ khoa và phết tế bào cổ tử cung có thể giúp hướng dẫn bác sĩ chẩn đoán, nhưng đôi khi cần phải có phương pháp phẫu thuật để xác nhận xem có chính xác bị ung thư buồng trứng hay không.

5. Xét nghiệm sàng lọc

Chưa có xét nghiệm sàng lọc ung thư buồng trứng. Nhưng các xét nghiệm khác có thể cung cấp thông tin giúp giải thích kết quả, đặc biệt là ở những người không có triệu chứng.

Hai xét nghiệm có thể được sử dụng để giúp chẩn đoán ung thư buồng trứng là siêu âm qua âm đạo (TVUS) và xét nghiệm máu CA-125.

Mặc dù các xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ phát hiện khối u trước khi các triệu chứng phát triển, nhưng chưa được chứng minh là làm giảm tỷ lệ tử vong của những người bị ung thư buồng trứng. Do đó, không được khuyến nghị thường xuyên cho phụ nữ có nguy cơ trung bình.

BS. Lê Quang Dương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhan-biet-ung-thu-buong-trung-qua-hien-tuong-cham-kinh-va-cac-dau-hieu-di-kem-169230531104324929.htm