Nhân Đại hội đại biểu Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Hưng Yên lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 - 2029 Tự hào truyền thống chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thành cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Chỉ trong 81 ngày đêm năm 1972, hàng trăm nghìn tấn bom đạn trút xuống đã gần như san phẳng tòa Thành cổ cùng cả thị xã Quảng Trị. Tại Thành cổ có hàng vạn anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, trong đó có nhiều chiến sĩ quê Hưng Yên mang trong tim khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Trở về sau chiến tranh, giờ đây, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, những chiến sĩ Thành cổ năm xưa đã và đang ngày đêm nhiệt huyết với hoạt động nghĩa tình đồng đội, tri ân người có công, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hội viên Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Hưng Yên gặp mặt ôn lại kỷ niệm một thời hoa lửa

Hội viên Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Hưng Yên gặp mặt ôn lại kỷ niệm một thời hoa lửa

Tới thăm những chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm xưa, câu chuyện về những ngày tháng anh dũng chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, ở xã Hoàng Hanh (thành phố Hưng Yên) bồi hồi nhớ lại: Năm 1971, khi mới 19 tuổi, tôi nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, rời quê hương, khoác ba lô lên đường tòng quân đánh giặc. Sau 3 tháng huấn luyện, tôi được biên chế vào Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 và nhận lệnh, hành quân ngày đêm vượt Trường Sơn vào Quảng Trị trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ngày ấy, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Quân đội ta tổ chức nhiều trận đánh giáp lá cà để giành giật từng căn hầm, mét hào, điểm chốt với địch. Đồng đội của tôi lớp này ngã xuống, lớp khác xông lên, xương máu hòa vào lòng đất và dòng sông Thạch Hãn. 81 ngày đêm kiên cường chiến đấu trước mưa bom, bão đạn của kẻ thù để bảo vệ Thành cổ, chúng tôi càng thêm trân quý cuộc sống hòa bình, tươi đẹp hôm nay.

Được thành lập từ ngày 13/9/2013, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Hưng Yên đã trở thành ngôi nhà chung để các cựu chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị kết nối, tri ân, giúp đỡ, sẻ chia và động viên nhau trong cuộc sống. Sau 11 năm được thành lập và hoạt động, Hội luôn bám sát tôn chỉ, mục đích và điều lệ Hội để hoạt động, đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Hiện nay, Hội có 1.065 hội viên. Các hội viên luôn phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết, gương mẫu, tập trung xây dựng, củng cố tổ chức vững mạnh trên cả ba mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức gắn với các phong trào thi đua. Hội thường xuyên sơ kết, tổng kết nhân rộng các điển hình tiên tiến để tạo động lực trong hội viên. Nhiều hội viên tuy tuổi cao nhưng vẫn gương mẫu tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ tham gia phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu và hưởng ứng các phong trào chung của địa phương.

Cùng với đó, các hoạt động nghĩa tình đồng đội, tri ân liệt sĩ và thiết thực giúp đỡ các hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn là dấu ấn đậm nét của Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Hưng Yên. Trong 11 năm qua, Hội đã tham gia cùng chính quyền địa phương và gia đình đưa 49 hài cốt liệt sĩ ở các nghĩa trang của tỉnh Quảng Trị về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà; vận động các nhà tài trợ ủng hộ hơn 500 triệu đồng xây mới, sửa chữa 11 căn nhà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng 35 sổ tiết kiệm cho các hội viên, tổng trị giá 250 triệu đồng; thăm và tặng quà 950 lượt hội viên khi ốm đau với tổng số tiền 125 triệu đồng; thăm, tặng quà 500 lượt hội viên và 300 lượt thân nhân liệt sĩ, thân nhân hội viên vào các ngày lễ, Tết… Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều hội viên đã góp công sức, hiến đất làm đường, hỗ trợ kinh phí xây dựng đường giao thông, công trình phúc lợi, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ... tại các địa phương. Hội đã tổ chức cho trên 2.000 lượt hội viên thăm lại chiến trường xưa, dâng hương, cầu siêu tri ân đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Những hoạt động của hội được cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ghi nhận, quan tâm tạo điều kiện, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, tin yêu.

Ông Vũ Văn Toàn, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Hưng Yên cho biết: Chúng tôi, những người lính trở về từ cuộc chiến Thành cổ luôn đau đáu phải sống có nghĩa tình và biết tri ân, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Hưng Yên sẽ luôn là mái nhà chung để đồng đội có thêm nhiều điều kiện kết nối, sẻ chia, hỗ trợ, giúp đỡ nhau; đồng thời gìn giữ, kế thừa và phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường của chiến sĩ Thành cổ làm nguồn động lực để chúng tôi tiếp tục sống vui, sống khỏe, gương mẫu, tích cực tham gia, cống hiến, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Thời gian tới, các cấp hội trong tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, vận động hội viên đoàn kết, giữ vững và phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, nâng cao bản lĩnh chính trị, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Lê Hiếu

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tu-hao-truyen-thong-chien-si-thanh-co-quang-tri-3176391.html