Nhận diện rõ, đấu tranh hiệu quả với tội phạm khai thác khoáng sản trái phép

Chiều 31/5, tại Công an TP Cần Thơ, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tổ chức hội ý nghiệp vụ nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trong cấp phép, khai thác, vận chuyển, tập kết bãi kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp tại khu vực ĐBSCL.

Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí là lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Cục CSGT (Bộ Công an) và các đồng chí Phó giám đốc, đại diện Công an 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.

Báo cáo tại hội nghị, Công an các địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tăng cường công tác quản lý về khoáng sản; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm ngay tại cơ sở, giảm đáng kể hình thành các “điểm nóng” phức tạp về khai thác khoáng sản trái phép.

Các lực lượng chủ động phối hợp tuần tra trên các tuyến sông, kịp thời phát hiện các vụ việc vi phạm, khai thác cát trái phép, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc. Lãnh đạo chỉ huy và CBCS luôn phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản, góp phần kiềm chế và làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật.

Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường chủ trì hội nghị.

Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường chủ trì hội nghị.

Đánh giá của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường tội phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, mang tính hệ thống. Công tác quy hoạch, cấp phép mỏ cát trên địa bàn khu vực ĐBSCL chưa sát với nhu cầu thị trường gắn với phát triển kinh tế xã hội, chưa giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng với quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Vùng ĐBSCL được xác định là nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp cho hầu hết các công trình phía Nam nên luôn trong tình trạng “nóng bỏng”, xuất hiện nhiều điểm nóng về vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vật chuyển, kinh doanh khoáng sản. Khu vực ĐBSCL đang triển khai 4 dự án trọng điểm quốc gia các tuyến đường bộ cao tốc và đường Vành đai 3 (TP Hồ Chí Minh). Ngoài ra, tại các địa phương có 266 công trình, dự án đang và sẽ triển khai nêu nhu cầu sử dụng cát rất lớn trong khi nguồn cung khan hiếm.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Dưới sự điều hành của Thiếu tướng Hà Xuân Duy, Phó cục trưởng Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, các đại biểu tập trung đánh giá kỹ, nhận diện rõ các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép.

Trong đó, tập trung 4 nhóm vấn đề chính, gồm: công tác triển khai mô hình, tổ chức, phối hợp trong việc phòng, chống liên quan đến tội phạm hoạt động khoáng sản; rà soát các quy định pháp luật để kịp thời đề xuất sửa đổi những bất cập nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm; đánh giá công tác đấu tranh, xử lý tội phạm, nhất là nhận diện, áp dụng biện pháp đối với các hành vi vi phạm và triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, thu thập củng cố tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm liên quan trong hoạt động cấp phép, khai thác, vận chuyển, tập kết bến bãi kinh doanh và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Theo Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, qua hội ý thảo luận đã nhận diện rõ các sai phạm, tội phạm trong hoạt động cấp phép, khai thác, vận chuyển tập kết bến bãi kinh doanh thông thường; các tuyến, địa bàn trọng điểm; phức tạp và phương thức thủ đoạn trong các khâu từ khảo sát, quy hoạch, cấp phép, khai thác, quản lý tiêu thụ, sử dụng nguồng gốc vật liệu có nguồn gốc từ khai thác trái phép.

Các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra 4 vấn đề tồn tại, hạn chế và 10 nguyên nhân (cả khách quan lẫn chủ quan, gồm 2 khó khăn vướng mắc liên quan đến pháp luật hình sự và 8 khó khăn liên quan đến pháp luật hành chính ), đồng thời rút ra 5 bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao công tác phòng ngừa, đấu tranh trong thời gian tới.

Trung tướng Trần Minh Lệ đề nghị Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác phòng ngừa, nắm sát, chắc địa bàn, thu thập, củng cố tài liệu chứng minh và kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nhan-dien-ro-dau-tranh-hieu-qua-voi-toi-pham-khai-thac-khoang-san-trai-phep-i732943/