Nhận diện thách thức chờ tân Thủ tướng Anh

Củng cố nội bộ, giải quyết bài toán kinh tế, mở rộng ảnh hưởng quốc tế của London sẽ là nhiệm vụ không dễ dàng với bà Liz Truss, người kế nhiệm Thủ tướng Anh Boris Johnson. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.

Bà Liz Truss tiếp quản ghế Thủ tướng Anh với nhiều trách nhiệm nặng nề. (Nguồn: AP)

Bà Liz Truss tiếp quản ghế Thủ tướng Anh với nhiều trách nhiệm nặng nề. (Nguồn: AP)

Ngày 5/9, cuộc cạnh tranh vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh đã đi đến hồi kết. Ngoại trưởng Liz Truss đã đánh bại cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak để tiếp quản cương vị này và chiếc ghế Thủ tướng của ông Boris Johnson. Qua đó, bà trở thành nữ Thủ tướng thứ ba của xứ sở sương mù, sau bà Margaret Thatcher và bà Theresa May.

Trong bài phát biểu cảm ơn ngay sau khi chiến thắng, bà Liz Truss đã đánh giá cao nhiệm kỳ của Thủ tướng Boris Johnson khi “hoàn thành Brexit, đánh bại ông Jeremy Corbyn, triển khai tiêm vaccine toàn quốc và vững vàng trước Tổng thống Nga Vladimir Putin… trở thành người được hâm mộ từ Kiev đến Carlisle”. Đồng thời, bà cũng dành lời ca ngợi ông Sunak, cho rằng cuộc chạy đua đã thể hiện tài năng của các thành viên trong đảng Bảo thủ.

Dự kiến, ông Boris Johnson sẽ có phát biểu chia tay và đệ đơn từ chức lên Nữ hoàng Anh trong ngày 6/9. Cùng ngày, Nữ hoàng Elizabeth II sẽ chính thức bổ nhiệm bà Liz Truss vào vị trí Thủ tướng Anh tại điền trang Balmoral, Scotland. Bà Truss sẽ thành lập nội các mới, còn ông Johnson tiếp tục làm việc cho tới khi quá trình chuyển giao quyền lực hoàn tất.

Chính trị gia 47 tuổi không có nhiều thời gian để ăn mừng, bởi đằng sau chiến thắng đó là trách nhiệm nặng nề, như nghị sĩ kỳ cựu đảng Bảo thủ David Davis đã mô tả: “Trong số các Thủ tướng thời hậu chiến, những thách thức bà Liz Truss phải đối mặt có lẽ chỉ đứng sau bà Margaret Thatcher”. Vậy thách thức đó là gì?

Rào cản chính trị

Trước hết, đó là chia rẽ trong nội bộ đảng Bảo thủ và tỷ lệ ủng hộ thấp của cử tri. Ông Anand Menon, Giáo sư về chính trị và ngoại giao châu Âu tại Đại học King’s College London (Anh) nhận định những màn tranh luận gay gắt giữa ông Rishi Sunak và bà Liz Truss đã kết thúc. Tuy nhiên, hệ quả của nó cùng với một số chính sách dưới thời ông Boris Johnson đã chia Đảng Bảo thủ làm hai phe: Một bên ủng hộ cắt giảm thuế và thu hẹp quy mô chính phủ, bên còn lại cho rằng cần “nâng cấp” chính phủ với năng lực tài chính cần thiết để giúp đỡ nhóm người yếu thế, nhất là trong khủng hoảng giá cả hiện nay.

Trong khi đó, Giáo sư Ben Wellings thuộc khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Monash (Australia) nhận định rằng có sự khác biệt ngày càng lớn giữa các thành viên cốt cán của đảng Bảo thủ cầm quyền và một bộ phận đông đảo cử tri.

Thống kê của YouGov (Anh) cho thấy chỉ có 12% công chúng được hỏi kỳ vọng tích cực về nhiệm kỳ Thủ tướng của bà Liz Truss. Theo kết quả khảo sát của tổ chức này, kể từ cuối tháng 11/2021, tỷ lệ ủng hộ của đảng Bảo thủ cầm quyền đã dần sụt giảm còn 32% (ngày 2/9/2022), so với 41% của Công đảng đối lập.

Một bài toán khác là Scotland. Tháng 7 vừa qua, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon công bố ý định tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 về nền độc lập vào năm tới, với lập luận rằng tình hình đã có nhiều thay đổi so với cuộc bỏ phiếu đầu tiên năm 2014, hai năm trước khi Anh rời EU.

Bà Truss đã thể hiện rõ lập trường cứng rắn về vấn đề này và đề xuất trao quyền nhiều hơn cho Nghị viện Scotland, hay có động thái xoa dịu như thúc đẩy ký thỏa thuận thương mại với Ấn Độ để giảm thuế với rượu Scotch Whisky. Tuy nhiên, hiệu quả của cách tiếp cận này còn chưa rõ ràng.

“Trong số các Thủ tướng thời hậu chiến, những thách thức bà Liz Truss phải đối mặt có lẽ chỉ đứng sau bà Margaret Thatcher”. (Nghị sĩ kỳ cựu đảng Bảo thủ David Davis)

Bài toán kinh tế

Câu hỏi được nhiều cử tri đặc biệt quan tâm là cách bà Liz Truss vực dậy nền kinh tế đang đối mặt với khó khăn hiếm thấy hậu Thế chiến II. Theo The Guardian (Anh), nền kinh tế xứ sở sương mù đứng “bên bờ vực suy thoái”, khi hoạt động trong lĩnh vực tư nhân giảm mạnh do giá cả tăng cao.

Tác động từ đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine và một số yếu tố khác khiến giá năng lượng, lương thực và nhu yếu phẩm khác tăng cao. Thống kê cho thấy hóa đơn năng lượng của hộ gia đình Anh có thể tăng 80% vào tháng 10 và khiến nhiều doanh nghiệp lớn phải đóng cửa cơ sở sản xuất. Việc Dòng chảy phương Bắc I dừng hoạt động vô thời hạn có thể khiến tình hình trầm trọng hơn,

Giá đồng Bảng Anh liên tục giảm xuống còn 1 đồng Bảng Anh đổi 1,15 USD, mức thấp chưa từng có kể từ năm 1985, dưới thời bà Margaret Thatcher. Thực trạng này buộc Ngân hàng Anh tăng lãi suất lên 10,1%, cao nhất trong 27 năm qua và con số này có thể tiếp tục tăng nếu lạm phát chưa được kiểm soát.

Theo bà Helen Dickinson, Giám đốc điều hành Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC), trong bối cảnh lạm phát năm 2023 có thể lên tới 20%, Thủ tướng kế nhiệm Liz Truss cần sớm ban hành các chính sách quyết liệt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình.

Câu chuyện đối ngoại

Sau cuộc “ly hôn” tranh cãi với Liên minh châu Âu (EU), Anh đang nỗ lực định hình lại vai trò, vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới. Song để làm được điều đó, London cần làm rõ mối quan hệ với EU, chuyển mình từ thành viên sang đối tác thân thiện nhưng độc lập của khối.

Điều này đồng nghĩa rằng Anh và EU cần sớm giải quyết tranh chấp về quyền đánh cá và thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Bắc Ireland, tránh gián đoạn hoạt động của các doanh nghiệp hai bên, vốn đã chịu nhiều sức ép từ dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine.

Đây sẽ là nhiệm vụ không dễ dàng khi bà Truss mong muốn viết lại Nghị định thư Bắc Ireland. Ông Charles Grant, Giám đốc Trung tâm cải cách châu Âu nhận định, “chừng nào người Anh vẫn kiên trì với dự luật Bắc Ireland, như cách bà Truss có thể làm – quan hệ của Anh với EU sẽ không thể tốt lên”.

Một vấn đề khác là xung đột Nga-Ukraine. Cho đến nay, ông Boris Johnson và sắp tới là bà Liz Truss vẫn kiên định lập trường ủng hộ chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky. Anh cũng là một trong những nhà tài trợ hào phóng nhất cho Ukraine.

Tuy nhiên, giá năng lượng tăng cao, Dòng chảy phương Bắc 1 đã dừng lại và khác biệt về quan điểm dần xuất hiện trong EU, nhất là qua vấn đề cấm thị thực công dân Nga hoàn toàn có thể tác động đáng kể tới đảng Bảo thủ cầm quyền và bà Liz Truss, mặc dù khả năng Anh “đổi phe” khó xảy ra.

Trên cương vị Ngoại trưởng, bà Liz Truss đã bày tỏ thái độ cứng rắn của Anh trong xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: TACC)

Trên cương vị Ngoại trưởng, bà Liz Truss đã bày tỏ thái độ cứng rắn của Anh trong xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: TACC)

Với không ít nhà quan sát, bà Liz Truss được đánh giá là “người thừa kế” của ông Boris Johnson về vấn đề đối ngoại. Trên khía cạnh này, chiến lược “Nước Anh toàn cầu” nhiều khả năng sẽ được tân chủ nhân số 10 Downing tiếp tục phát huy, đặc biệt là tại châu Á – Thái Bình Dương.

Về kinh tế, London tích cực tăng cường quan hệ với New Delhi với chuyến thăm lịch sử của ông Boris Johnson, đồng thời thúc đẩy tiến trình Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Về an ninh, sự hiện diện của Anh trong thỏa thuận an ninh Australia-Anh-Mỹ (AUKUS), cùng các hoạt động tự do hàng hải của Hải quân Hoàng gia Anh tại vùng biển, đại dương ở khu vực phản ánh cam kết của London với địa bàn này.

Duy trì, củng cố và mở rộng “dấu chân” của London tại khu vực năng động này sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế của Anh đại dịch Covid-19, đồng thời khẳng định tầm ảnh hưởng lớn và độc lập hậu Brexit.

Có thể thấy, giống như thần tượng của mình, cố Thủ tướng Margaret Thatcher, bà Liz Truss sẽ lãnh đạo London trong một giai đoạn then chốt, khi xứ sở sương mù nỗ lực tìm chỗ đứng giữa vô vàn biến động của thời cuộc.

Song liệu nguồn cảm hứng ấy, cùng kinh nghiệm chính trị từ Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng Thương mại tới Ngoại trưởng qua ba đời Thủ tướng Anh có giúp chính trị gia này khôi phục sức mạnh của nền kinh tế và vai trò quốc tế của Anh trong giai đoạn mới?

Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhan-dien-thach-thuc-cho-tan-thu-tuong-anh-197123.html