Nhận được 3,5 tỷ đồng chuyển khoản nhầm nhưng không trả lại: Cảnh sát vào cuộc điều tra đưa kết luận bất ngờ

Nhận được số tiền lên tới 3,5 tỷ đồng từ một tài khoản lạ rồi được người nhận là chủ nhân số tiền nhắn tin xin lại nhưng người này vẫn kiên quyết từ chối.

Chuyển khoản nhầm 3,5 tỷ đồng nhưng không được đối phương trả lại

Hình minh họa

Hình minh họa

Cách đây khoảng 3 tháng, ngày 17/7, cô Cương (Thượng Hải, Trung Quốc) chạy vội vào đồn cảnh sát địa phương nhằm tìm kiếm sự trợ giúp. Cô cho biết đã chuyển khoản nhầm 1 triệu NDT (khoảng 3,5 tỷ đồng) tiền đặt cọc nhà vào số tài khoản của một người họ Hứa.

"Sau khi nhập số tài khoản, nhìn qua thấy người nhận cũng có họ Hứa, đúng với họ của người bán nhà, tôi nhanh chóng bấm xác nhận mà không kiểm tra nhiều. Không ngờ tôi đã nhập sai một số trong dãy số tài khoản ngân hàng. Toàn bộ 1 triệu NDT được chuyển đến tài khoản của một người khác, không phải người bán nhà.

Sau khi phát hiện sự nhầm lẫn, tôi đã chuyển khoản một khoản tiền nhỏ kèm lời nhắn và số điện thoại với hy vọng họ sẽ liên hệ và trả lại tiền. Tuy nhiên, tôi chờ đến gần 1 tuần mà không được trả lại tiền", người phụ nữ kể lại.

Chia sẻ thêm, cô Cương cho biết còn nhờ các con đăng tải thông tin này trên các trang mạng xã hội với hy vọng người nhận nhầm khoản tiền này đọc được và sẽ liên hệ để trả lại. Song may mắn không xảy ra. Cô không nhận được bất kỳ thông tin gì, tài khoản ngân hàng vẫn không có thông báo biến động số dư.

Nôn nóng không thể lấy lại được khoản tiền lớn, cô Cương đã trình báo thông tin này với cảnh sát nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ. Ngay khi tiếp nhận lời khai, cảnh sát cho rằng với cách giải quyết trên, người nhận được 1 triệu NDT không trả lại tiền là vô cùng sáng suốt và hoàn toàn đúng.

Viên cảnh sát cho biết, theo đúng quy trình, sau khi chuyển khoản nhầm cô Cương nên liên hệ với ngân hàng và báo cáo sự cố này. Sau khi có đủ thông tin chính xác do khách hàng cung cấp, ngân hàng sẽ tiến hành kiểm tra và tìm ra người nhận nhầm tiền. Từ đây, nhà băng sẽ có các biện pháp để hỗ trợ khách hàng lấy được số tiền của mình. Khi người nhận tiền nhầm đã tiêu hết số tiền đó và không chịu trả, người chuyển khoản có thể tiến hành khởi kiện ra tòa.

Sau khi làm đúng quy trình được cảnh sát đưa ra, cô Cương đã gặp được người họ Hứa tại ngân hàng. Tại đây, người này cho biết bản thân cũng vô cùng lo lắng khi nhận được số tiền lớn như vậy. Anh cho biết đọc được những lời nhắn. Tuy nhiên, anh nhất quyết không trả lại số tiền này cho đến khi có ngân hàng vào xác minh. Chờ khoảng hơn 1 tuần, cuối cùng, anh cũng nhận được điện thoại của ngân hàng mời đến trụ sở để làm việc. Khi biết chắc chắn chủ tài khoản chuyển nhầm tiền là cô Cương, người đàn ông này vui vẻ trả lại toàn bộ số tiền mà không thiếu một đồng.

Tương tự vào tháng 7/2024, một người đàn ông họ Thái hoảng hốt, mồ hôi đầm đìa chạy vào đồn cảnh sát tại quận Sùng Minh, Thượng Hải, Trung Quốc. Ông nói rằng mình vừa chuyển nhầm 1 triệu NDT (tương đương 3,5 tỷ đồng) cho người lạ. Đây là số tiền ông định chuyển cho bạn mình để đặt cọc nhà, nhưng trong giây phút bất cẩn đã để xảy ra sự nhầm lẫn tai hại này.

Ông Thái trình bày: "Vì bạn tôi cũng họ Từ, thế nên tôi không nhìn kỹ lại tên, cứ đinh ninh là đã đúng số tài khoản và chuyển tiền đi".

Sau khi chuyển khoản, bạn ông Thái chờ mãi vẫn chưa nhận được tiền. Lúc này ông Thái kiểm tra lại mới biết mình đã chuyển nhầm. Không có cách nào liên hệ với người nhận, ông đành nhờ đến sự giúp đỡ của cảnh sát.

Nhận được trình báo, cảnh sát quận Sùng Minh phối hợp với ngân hàng để điều tra và liên lạc với người đàn ông họ Từ, chủ tài khoản mà ông Thái đã chuyển nhầm 3,5 tỷ. Ông Từ lúc này đang sinh sống ở một tỉnh khác, bỗng nhiên nhận được một cuộc điện thoại tự xưng là cảnh sát thì nghĩ rằng mình bị lừa, dứt khoát tắt máy.

Đến ngày hôm sau, cảnh sát tiếp tục liên lạc và thuyết phục ông Từ trả lại tiền cho ông Thái. Ông Từ cho biết đã kiểm tra tài khoản, đúng là có một số tiền lạ được chuyển đến. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo số tiền đó đúng là của ông Thái và người đang gọi điện cho ông có thực sự là cảnh sát không. Vì vậy, ông Từ tuyên bố sẽ phải đến đồn cảnh sát ở địa phương để xác minh trước, rồi mới đưa ra quyết định giải quyết số tiền kia thế nào.

Cảnh sát và ông Thái đều cho rằng lời ông Từ nói là hợp lý. Đây là số tiền rất lớn nên không thể xử lý một cách vội vàng được, nên họ quyết định liên hệ thẳng với đồn cảnh sát địa phương nơi ông Từ sinh sống. Phía cảnh sát ở đây đã đến giải thích rõ ràng sự việc với ông Từ. Cuối cùng, ông mới tin rằng đúng là có người đã chuyển nhầm 1 triệu NDT (3,5 tỷ đồng) vào tài khoản của mình.

Nhờ sự phối hợp của cảnh sát ở 2 nơi, ông từ đã đến ngân hàng làm thủ tục và hoàn trả lại nguyên vẹn tất cả số tiền chuyển nhầm cho ông Thái mà không cần báo đáp thêm đồng nào.

Ngày 18/7, khi thấy tiền mình chuyển nhầm đã về lại tài khoản, ông Thái mới thở phào nhẹ nhõm, vì đó là số tiền ông dành dụm cả đời để mua nhà. Đồng thời, ông Thái cũng liên tục cảm ơn các cảnh sát và đề xuất phía cảnh sát tặng giấy khen tuyên dương ông Từ và những người hỗ trợ trong sự việc.

Bài học cần thiết khi nhận được tiền chuyển khoản nhầm

Cảnh sát cho biết khi nhận được tiền chuyển khoản nhầm, người dân cần lưu ý quan trọng nhất là không sử dụng số tiền nhận được vào việc chi tiêu cá nhân và chỉ làm việc với ngân hàng để trả lại tiền cho người chuyển nhầm, tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không xác minh được và không có bên thứ 3 làm chứng.

Người nhận tiền cũng cần chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo về việc nhận tiền chuyển nhầm hoặc đợi đại diện ngân hàng liên hệ làm việc.

Nếu nhận được điện thoại từ ngân hàng, bạn cần kiểm tra xem đó có đúng là số điện thoại của ngân hàng hay không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản vẫn nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp.

Trường hợp khoản tiền chuyển nhầm có giá trị nhỏ thì chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại.

Với số tiền lớn, chủ tài khoản nên sắp xếp thời gian đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh hay thậm chí là liên hệ với cảnh sát để giải quyết.

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhan-duoc-35-ty-dong-chuyen-khoan-nham-nhung-khong-tra-lai-canh-sat-vao-cuoc-dieu-tra-dua-ket-luan-bat-ngo-172241007100610226.htm