Nhân lên hiệu quả Chương trình 135

Nhà văn hóa thôn Kỳ Đu được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135 và các nguồn vốn lồng ghép khác. Ảnh: MINH DUYÊN

Chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ là chương trình hỗ trợ lớn dành riêng cho vùng miền núi đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, chương trình này đã phát huy hiệu quả, trở thành nguồn vốn chính giúp hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên ổn định cuộc sống.

Trao “cần câu” cho hộ nghèo

Mí Thiên ở xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), là hộ nghèo được hỗ trợ bò giống. Từ khi có bò, gia đình mí như có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Mí Thiên cho hay: Bao năm, nhà tôi cứ quanh quẩn với củ sắn nên chẳng đủ ăn, cái nghèo, cái đói cứ bám mãi. Thấy nhiều nhà chăn nuôi, một hai năm là không còn khó khăn nữa, tôi cũng muốn học theo, nhưng không có tiền mua bò giống.

Trước đây, tôi đã từng vay vốn nhưng cuộc sống thiếu trước hụt sau nên tiêu cả vào vốn và rồi bò chẳng thấy đâu mà vốn vay thì không trả được. Vừa rồi được xã cho bò, cả nhà tôi đều mừng. Tôi sẽ nuôi con bò này thật tốt để nó đẻ ra bò con, mình bán đi mới có vốn đầu tư sản xuất.

Xã Xuân Quang 2 có 4 thôn trong đó thôn Kỳ Đu có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhờ được thụ hưởng nguồn vốn Chương trình 135, số hộ nghèo trong thôn giảm dần. Theo Trưởng thôn Kỳ Đu La Mo Quạnh, toàn thôn có 102 hộ với 306 khẩu. Hàng năm, hộ nghèo trong thôn được hỗ trợ bò và nông cụ sản xuất như máy bơm nước, máy cắt cỏ… Nhờ đó, đồng bào dần thay đổi tư duy canh tác, biết trồng trọt kết hợp chăn nuôi nên cuộc sống ngày một khá hơn. Minh chứng rõ nhất là số hộ nghèo giảm từ 50 hộ xuống còn 19 hộ.

Còn ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn Chương trình 135 đã hỗ trợ 1.300 hộ nghèo và 300 hộ cận nghèo trên địa bàn huyện, từ đây giúp 102 hộ thoát nghèo. Chương trình đồng hành cùng đồng bào trong phát triển sản xuất thông qua hỗ trợ trực tiếp theo định hướng gắn với nhu cầu của người dân, được đồng bào đồng tình hưởng ứng. Bà con có cơ hội phát triển kinh tế hộ và tiếp cận kiến thức mới.

Thêm vào đó, nhận thức của người dân được nâng cao nên mong muốn thoát nghèo trở thành nhu cầu cấp thiết của chính đồng bào, từ đây tạo tác động lớn cùng địa phương đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, từ nguồn vốn chương trình này, các công trình phục vụ dân sinh, hỗ trợ sản xuất được xây dựng và đưa vào sử dụng, từng bước thay đổi bộ mặt thôn, buôn. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số dần phát triển, bắt kịp với sự phát triển chung của huyện, của vùng và cả tỉnh.

Thay đổi thôn, buôn miền núi

Cùng với phát triển sản xuất, hạ tầng cơ sở được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135 đang góp phần “thay áo mới” cho vùng miền núi. Ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 cho biết: Thôn Kỳ Đu hôm nay có đường bê tông, trường học, có nhà văn hóa, kênh mương được kiên cố hóa… tạo nên sự phát triển đồng bộ. Hiện UBND xã xây dựng kế hoạch mở rộng khu dân cư thôn Kỳ Đu để đẩy mạnh sự giao thoa kinh tế, văn hóa, xã hội.

Chủ trương giao quyền cho chính quyền các cấp và khu dân cư của Chương trình 135 đã tạo được sự đồng thuận cao của đồng bào. “Ba năm trở lại đây buôn đổi thay nhiều lắm. Đường bê tông giúp bà con đi lại thuận lợi, trạm bơm điện dẫn nước về ruộng làm cây lúa nước phát triển… Ưng hơn là bà con được cùng tham gia xây dựng, quản lý công trình”, Ma Thoan, người uy tín ở buôn Lé B, xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) nói.

Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Vùng miền núi của tỉnh có 45 xã, thị trấn thì 16 xã và 29 thôn, buôn đặc biệt khó khăn được thụ hưởng nguồn vốn Chương trình 135. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh phân bổ gần 70 tỉ đồng vào thực hiện 109 công trình hạ tầng gồm 35 công trình giao thông, 33 công trình trường học, 31 nhà văn hóa, 3 công trình nước sinh hoạt, 2 công trình thủy lợi, 2 công trình chợ và 3 công trình khác.

Hàng ngàn hộ dân được thụ hưởng giống cây trồng, vật nuôi, trang thiết bị vật tư nông nghiệp để phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế. Các công trình được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135 căn bản phát huy hiệu quả sử dụng giúp thay đổi bộ mặt các xã, thôn, buôn vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, củng cố được lòng tin của đồng bào vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.

Việc hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo có cơ hội tiếp cận kỹ thuật canh tác mới, góp phần chuyển biến nhận thức, nâng cao kỹ năng và hình thành tập quán sản xuất mới cho đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đây thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn miền núi theo hướng hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường.

Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/234655/nhan-len-hieu-qua-chuong-trinh-135.html