Nhân lực tài chính - ngân hàng thời 4.0: Thay đổi tư duy, cách thức quản trị

Lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ mới, đồng thời là lĩnh vực chịu áp lực cạnh tranh cao nếu tụt hậu về mặt công nghệ.

CMCN 4.0 đòi hỏi nhân lực ngân hàng cũng phải thay đổi về chất

CMCN 4.0 đòi hỏi nhân lực ngân hàng cũng phải thay đổi về chất

Nhận diện thực trạng, nhân tố ảnh hưởng tới việc phát triển nguồn nhân lực ngành tài chính - ngân hàng; xu hướng sử dụng nguồn nhân lực ngành tài chính - ngân hàng thời đại cách mạng công nghiệp 4.0... là những nội dung chính đã được các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên lĩnh vực đào tạo và tài chính - ngân hàng chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành tài chính - ngân hàng trong cách mạng công nghiệp 4.0” do Học viện Ngân hàng tổ chức cuối tuần qua.

Thách thức phải đổi mới

Phát biểu tại hội thảo, TS. Bùi Tín Nghị - Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, CMCN 4.0 đã tạo ra những thay đổi căn bản và toàn diện trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ là cơ hội để đẩy nhanh quá trình điện tử hóa, tự động hóa, nâng cao năng suất lao động mà còn đặt ra những thách thức không nhỏ cho cả doanh nghiệp, nhà quản lý và các cơ sở đào tạo.

Trong bối cảnh ấy, vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao càng trở nên cấp thiết hơn. Đặc biệt, lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ mới, đồng thời là lĩnh vực chịu áp lực cạnh tranh cao nếu tụt hậu về mặt công nghệ.

“Trong khi số lượng nhân lực tài chính ngân hàng ngày càng tăng, thì chất lượng nguồn nhân lực lại chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng đủ các yêu cầu của đổi mới công nghệ”, TS. Bùi Tín Nghị chia sẻ.

Bàn về cạnh tranh nhân sự công nghệ thông tin (CNTT), nhân tài số, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, thực tế hiện nay đang thiếu hụt nhân sự chất lượng cao trong các định chế tài chính, đặc biệt là ở mảng CNTT và số hóa; ngân hàng cũng có ít lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh như các công ty công nghệ hoặc công ty tài chính công nghệ (Fintech); các chuyên gia CNTT quan tâm đến mức độ sáng tạo, văn hóa doanh nghiệp của công ty nhiều hơn uy tín và mô hình tổ chức...

Theo ông Lực, những điều này dẫn tới khó khăn, thách thức trong định hướng phát triển và sắp xếp, bố trí cơ cấu nhân sự để phù hợp với mô hình kinh doanh số. Đó là chưa kể nhân lực trẻ thay đổi công việc nhiều hơn, tuyển dụng nhân sự số và nhân sự CNTT có hiểu biết về kinh doanh rất khó khăn.

Nguyên do chính theo chuyên gia này là do môi trường làm việc thiếu cởi mở, hợp tác, văn hóa mang nhiều tính kiểm soát so với các công ty trong lĩnh vực công nghệ, thiếu hụt nguồn cung, cơ chế lương bổng, đãi ngộ, đánh giá cán bộ chưa phù hợp hay các chương trình giáo dục đào tạo thay đổi quá chậm...

Mâu thuẫn cũng như thách thức nội tại về nguồn nhân lực ngân hàng cho tương lai số hóa được ThS. Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng chỉ ra: nhân lực có kỹ năng chuyên môn chiếm số lượng rất lớn (trên 90%) nhưng kỹ năng về CNTT, kỹ năng ngoại ngữ lại còn rất hạn chế; hoặc có trường hợp nhân sự giỏi CNTT nhưng lại không giỏi về chuyên môn khiến lập trình ứng dụng hiệu quả không cao, dễ gây mâu thuẫn trong tác nghiệp. Thậm chí có thực tế nhân sự cấp cao thường ít am hiểu về CNTT dẫn tới quyết định chậm hoặc sai lầm khi đầu tư về công nghệ.

Thực tế không thể phủ nhận là khi hàng loạt công việc được đưa vào quy trình tự động hóa, các ngân hàng sẽ phải thay đổi nhân lực bằng việc cắt giảm số lao động dư thừa. Như Deutsche Bank, kể từ cuối năm 2017 ngân hàng này đã thúc đẩy kế hoạch cắt giảm 9.000 việc làm (tương đương 10% lực lượng lao động của mình tới năm 2020). Mục tiêu của quá trình này là có thể giúp ngân hàng tiết kiệm từ 500 triệu tới 1 tỷ USD để tái đầu tư cho công nghệ và tự động hóa, thay vì trả lương cho số lao động nằm trong kế hoạch cắt giảm.

Thích nghi và sáng tạo

Trong giai đoạn đầu chứng kiến sự thay đổi, chuyển dịch về nguồn nhân lực, câu hỏi đặt ra cho các ngân hàng là cần làm gì để duy trì lợi thế cạnh tranh và gia tăng lợi nhuận? Theo chuyên gia, việc thay đổi tư duy, thay đổi cách quản trị nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng cho mọi sự thay đổi của môi trường kinh doanh là câu trả lời cho các nhà lãnh đạo ngân hàng.

Với các định chế tài chính, TS. Cấn Văn Lực nhận định, giải pháp đặt ra để có thể thúc đẩy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng trước hết nằm ở việc xây dựng và thực thi chiến lược kinh doanh số, trong đó lưu ý tới văn hóa kinh doanh và quản trị mô hình kinh doanh mới.

Song song với đó tăng cường hợp tác và kết nối giữa NHTM và Fintech, Bigtech..., xây dựng hệ sinh thái với NHTM là trung tâm; đi cùng việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0; hình thành và áp dụng “khung năng lực” chuẩn, “khung chương trình đào tạo theo vị trí chức danh”...

Ông Dương Hải Chi - Phó trưởng phòng Đào tạo thuộc Vụ Tổ chức cán bộ (NHNN) cũng cho rằng cần chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, quan tâm tới xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên biệt cho đội ngũ cán bộ quy hoạch chuyên môn. Cơ sở đào tạo cũng cần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy học tập; xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về chất và lượng; hệ thống chương trình đào tạo phù hợp. Chính sách về nhân sự, cơ chế luân chuyển hay vấn đề hợp tác quốc tế cũng được đại diện Vụ Tổ chức cán bộ lưu ý trong kiến nghị tại hội thảo.

Dưới góc độ là đơn vị đào tạo, quan điểm của NGƯT. PGS.TS. Lê Văn Luyện - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng là cần chú trọng tới hướng tiếp cận xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, tập trung vào một số yếu tố: sự thích nghi và sáng tạo, phù hợp sứ mạng và tầm nhìn, tiếp cận thông lệ quốc tế, phù hợp bối cảnh, và phát triển năng lực. “Đơn cử như trong chương trình và phương pháp đào tạo, Học viện Ngân hàng đã ứng dụng công nghệ và đưa các kiến thức, kỹ năng, sản phẩm công nghệ mới vào giảng dạy”, ông Luyện thông tin.

Minh Khôi

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nhan-luc-tai-chinh-ngan-hang-thoi-40-thay-doi-tu-duy-cach-thuc-quan-tri-92479.html