Nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4: Khơi dậy niềm say mê đọc sách từ gia đình

Đọc sách mang lại nhiều lợi ích cho con người trong cả quá trình học tập trau dồi tri thức, kỹ năng sống và nhân cách. Nhiều người yêu sách, ham đọc sách và thành công trong cuộc sống chia sẻ rằng gia đình chính là nơi bắt đầu tốt nhất để hình thành thói quen tốt đẹp đó.

Đọc sách rèn luyện sức khỏe tinh thần

Năm nay đã 80 tuổi song ông Nguyễn Xuân Cần, tổ dân phố Vĩnh Ninh 2, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) vẫn duy trì thói quen đọc sách như hồi còn trẻ. Ông Cần nguyên là Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. Gia đình có 3 thế hệ chung sống (vợ chồng ông; con trai, con dâu và các cháu nội) nhưng ai nấy đều có tủ sách cá nhân. Riêng ông Cần sở hữu tủ sách gần 2 nghìn cuốn, trong đó có nhiều sách về văn hóa dân gian, văn học nghệ thuật, lịch sử, có những cuốn ông sưu tầm cách đây hơn 50 năm vẫn được lưu giữ cẩn thận.

Ông Nguyễn Xuân Cần, tổ dân phố Vĩnh Ninh 2, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) đọc sách cùng cháu.

Ông Nguyễn Xuân Cần, tổ dân phố Vĩnh Ninh 2, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) đọc sách cùng cháu.

Mỗi ngày, ông dành 3 tiếng để đọc sách. Điều đáng khâm phục là dù bị mất cánh tay trái do tai nạn bom mìn lúc tuổi niên thiếu nhưng với ý chí, nghị lực, ông chăm chỉ học tập, đọc sách, trau dồi kiến thức để thi đỗ Trường Đại học Tổng hợp, chuyên ngành Lịch sử. Cũng vì đọc nhiều, mày mò nghiên cứu, đến nay ông là tác giả, đồng tác giả của hơn 40 đầu sách, phần lớn về lịch sử, văn hóa Bắc Giang; đồng thời truyền cảm hứng, tình yêu sách cho con, cháu trong nhà.

Mới đây, ông học đánh máy vi tính bằng một tay để viết sách thay vì viết tay như trước. Ông đang viết cuốn ghi chép "Ký ức làng quê". Ngoài đọc sách sưu tầm, mua ở các nhà sách, ông Cần còn đọc nhiều sách, báo điện tử qua máy tính, điện thoại di động. "Chính vì đọc sách nhiều, trí não hoạt động thường xuyên nên đầu óc tôi mới minh mẫn, sức khỏe tinh thần được cải thiện nhiều", ông Cần chia sẻ.

Gia đình là nơi lưu giữ những quan hệ nhân bản, sâu sắc nhất, tạo nền tảng, làm cơ sở hình thành, duy trì, phát triển những giá trị đạo đức của cộng đồng. Việc hình thành, phát triển văn hóa đọc trong gia đình có ý nghĩa quan trọng, trong đó ông bà, cha mẹ là những tấm gương để con trẻ noi theo.

Ở tổ dân phố 5, thị trấn Phương Sơn (Lục Nam), ông Trương Văn Niệm, 73 tuổi, giáo viên đã nghỉ hưu vẫn thường xuyên đọc sách. Tủ sách cá nhân của ông có hơn 300 cuốn được mua từ những đồng lương ít ỏi thời còn dạy học. "Đọc những cuốn sách về lịch sử, các triều đại phong kiến, vĩ nhân, nhà khoa học, chính trị gia nổi tiếng trên thế giới giúp tôi mở mang kiến thức, hiểu biết thêm nhiều điều trong cuộc sống", ông Niệm nói.

Từ những câu chuyện, kiến thức đã được đọc trong sách, ông chia sẻ thông tin với các thành viên trong gia đình và hội viên trong câu lạc bộ thơ của thị trấn Phương Sơn-nơi ông sinh hoạt. Những cuốn sách hay của ông được mọi người chuyền tay nhau đọc. Nhờ thường xuyên đọc sách đã giúp ông và hội viên tích lũy thêm vốn sống, kiến thức, sáng tác những bài thơ hay, ý nghĩa. Mỗi ngày, ông Niệm đọc từ 15-20 trang sách. Vợ ông cũng thường xuyên đọc sách về sức khỏe, người cao tuổi.

Nhiều người học vấn không cao song rất đam mê sách, đồng thời lan tỏa văn hóa đọc trong gia đình, chị Vũ Thị Thu Hương, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) làm nghề bán vé số là ví dụ. Hồi nhỏ, chị Hương thích đọc sách, lớn lên lấy chồng sinh con, công việc khá bận song chị vẫn duy trì thói quen này. Có những lúc cuộc sống tưởng chừng bế tắc, chị tìm đọc những cuốn sách của các tác giả nổi tiếng với những triết lý sâu sắc về cuộc đời, từ đó tiếp thêm nghị lực sống cho chị.

Hằng tuần, dù bận đến mấy, chị vẫn thu xếp thời gian đưa các con đến nhà sách tìm mua những loại sách phù hợp với sở thích, lứa tuổi. Chị Hương kể, trước đây, các con chị chưa đam mê đọc sách song thấy mẹ hay đọc nên học theo. Do sách có nhiều tranh, trình bày bắt mắt, nội dung hấp dẫn, các con của chị ngày càng thích đọc hơn. Mỗi khi con được điểm cao, chị trao cho con phần thưởng là sách.

Để sách luôn là bạn

Sách là sản phẩm sáng tạo bằng trí tuệ và tâm hồn của con người, là kho tàng tri thức của nhân loại. Đọc sách giúp mở rộng kiến thức, nâng cao hiểu biết ở nhiều lĩnh vực, góp phần hoàn thiện nhân cách mỗi người. Tuy nhiên, nhịp sống hối hả, quỹ thời gian trong gia đình dần bị chia nhỏ cho công việc cùng với sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí nghe, nhìn dẫn đến sự thay đổi, thói quen đọc sách dần bị mai một.

Học sinh TP Bắc Giang tham quan gian trưng bày của các nhà sách.

Học sinh TP Bắc Giang tham quan gian trưng bày của các nhà sách.

Thật không hiếm khi bắt gặp hình ảnh trong các gia đình, nhất là vào buổi tối, mỗi người một chiếc điện thoại trong tay lướt mạng xã hội, chơi games, rất ít đọc sách. Nhiều gia đình sở hữu những tiện nghi đắt tiền, sang trọng nhưng vắng bóng sách.

Dịch giả, diễn giả Nguyễn Quốc Vương quê ở xã Liên Chung (Tân Yên) - người từng có 8 năm học tập, nghiên cứu về giáo dục lịch sử tại Nhật Bản hiện đang tích cực làm công tác khuyến đọc tại Việt Nam chia sẻ: Để văn hóa đọc hình thành trong mỗi cá nhân, gia đình, người lớn cần rèn luyện tư duy kiên trì để đánh thức bộ não.

Đối với những người ít có thói quen đọc từ nhỏ, khi đọc nên chọn cuốn sách dễ hiểu, bản thân yêu thích, đọc hằng ngày, mỗi lần đọc một ít. Khi đọc cố gắng tập trung, suy nghĩ về nội dung đó, liên tưởng tới trải nghiệm của bản thân, tưởng tượng ra hoàn cảnh, tâm trạng của nhân vật được đề cập tới, tóm tắt nội dung trang sách vào sổ tay, kể lại cho người khác nghe. Đối với trẻ em cần chọn lựa những loại sách phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sở thích. Học sinh nhỏ tuổi nên cho tiếp cận với sách có nhiều tranh minh họa để trẻ dễ tiếp thu, cảm thấy hứng thú.

Gia đình là nơi tồn tại những quan hệ nhân bản, sâu sắc nhất, tạo nền tảng, làm cơ sở hình thành, duy trì, phát triển những giá trị đạo đức cá nhân và xã hội. Việc hình thành, phát triển văn hóa đọc trong gia đình có ý nghĩa quan trọng, trong đó ông bà, cha mẹ là những tấm gương để con trẻ noi theo.

Theo tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), các nhà trường nên thường xuyên tổ chức cuộc thi giới thiệu về sách, hoạt động khuyến đọc để tạo hứng thú cho học sinh. Cùng đó, các thư viện, nhà sách tích cực sưu tầm, bổ sung, cung cấp những đầu sách hay, hấp dẫn, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sở thích, công việc, mối quan tâm của độc giả. Từ đó góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong gia đình, cộng đồng.

Bài, ảnh: Công Doanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/403108/nhan-ngay-sach-va-van-hoa-doc-viet-nam-21-4-khoi-day-niem-say-me-doc-sach-tu-gia-dinh.html