Nhân rộng các mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả kinh tế cao
Các mô hình đã phát huy hiệu quả, tạo ra các sản phẩm cụ thể và mang tính riêng biệt, góp phần khai thác được tiềm năng lợi thế của địa phương.
Đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ngày 25/7 đã đi kiểm tra, tham quan các mô hình kinh tế do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai tại một số địa phương ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Các mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế, được bà con nông dân tích cực tham gia.
Đoàn công tác đã đến thăm quan mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh, xử lý phế phụ phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi, thúc đẩy tăng trưởng xanh tại xã Thủy Bằng, thành phố Huế; mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới và mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Phú Gia, huyện Phú Vang.
Các mô hình này được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đã phát huy hiệu quả, tạo ra các sản phẩm cụ thể và mang tính riêng biệt, góp phần khai thác được tiềm năng lợi thế của địa phương cũng như phù hợp với chiến lược phát triển nền nông nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đó là hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
Điển hình như bà con ở vùng cao A Lưới đã nắm bắt và phát triển mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học có sử dụng chế phẩm sinh học. Ngư dân tại vùng đầm phá Tam Giang phát triển nuôi cua gạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình cua thương phẩm truyền thống từ 1,5 - 2 lần.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mong muốn, ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế tăng cường công tác truyền thông; tổ chức các đợt tham quan, tiếp tục phổ biến quy trình kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, để nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả. Từ đó hình thành các các tổ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cũng như phát triển thương hiệu, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cũng như thay đổi tư duy sản xuất cho bà con nông dân.
“Hiện nay, về mặt quy trình công nghệ các mô hình đã hoàn thiện, kinh nghiệm sản xuất của bà con đi trước, của những người đang thực hiện mô hình đã sẵn có nên cần triển khai nhân rộng. Phương pháp là đưa người nông dân tiếp tục trao đổi với nhau, những người có kinh nghiệm chia sẻ với người ít có kinh nghiệm. Chính quyền địa phương tập hợp họ lại thành nhóm hợp tác, tổ hợp tác hoặc những hợp tác xã để lan rộng kinh nghiệm. Khi chúng ta cùng xây dựng thương hiệu chắc chắn hiệu quả sẽ tăng lên rất nhiều lần”, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết.