Nhân rộng mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường

Nhằm phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường (BVMT), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã triển khai xây dựng các mô hình điểm khu dân cư BVMT. Các mô hình nói trên từng bước góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân ở các khu dân cư.

Người dân tham gia vệ sinh môi trường tại phường Thủy Biều, TP Huế.

Người dân tham gia vệ sinh môi trường tại phường Thủy Biều, TP Huế.

Chung tay vì môi trường

Thủy Biều, là một phường vùng ven, cách trung tâm thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) hơn bảy cây số về phía tây. Cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi về Thủy Biều, đó là không khí trong lành và dịu mát được bao bọc bởi những khu nhà vườn rợp bóng cây xanh, mặc dù lúc này Huế đang trong những ngày tháng sáu trời nóng như đổ lửa. Ði trên con đường làng được trải bằng bê-tông, rợp mát bóng cây xanh và sạch sẽ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Thủy Biều Ðào Văn Chính, cho biết: Năm 2006, Ủy ban MTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế chọn thôn Thủy Biều để triển khai xây dựng mô hình điểm BVMT ở khu dân cư, chúng tôi vừa mừng, vừa lo không biết có hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao cho không? Vì Thủy Biều là một trong hai địa phương của tỉnh thực hiện mô hình này. Sau khi bàn bạc, chúng tôi thống nhất chọn thôn Ðông Phước 2 để triển khai mô hình (năm 2010 được gọi là khu vực Ðông Phước 2, sau khi xã Thủy Biều trở thành phường). Lý do chọn, thôn Ðông Phước 2 là địa bàn trung tâm của xã cho nên tập trung nhiều cơ quan, cơ sở văn hóa, doanh nghiệp. Người dân trong thôn chủ yếu sống bằng nghề buôn bán nhỏ, chăn nuôi, làm vườn, công nhân... Vì vậy, tình trạng môi trường bị ô nhiễm và số lượng rác thải sinh hoạt, chất thải trong chăn nuôi của thôn thường cao hơn so với các thôn khác trong xã. Bên cạnh đó, trên địa bàn của thôn có Công ty cổ phần sản xuất xi-măng Long Thọ. Khói bụi từ công ty này thải ra môi trường, do không được xử lý triệt để đã gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sức khỏe người dân trong thôn.

Ðể xây dựng thành công mô hình, Ban chỉ đạo xây dựng mô hình điểm khu dân cư BVMT của xã phối hợp Ban Công tác Mặt trận thôn Ðông Phước 2, xây dựng kế hoạch theo hướng dẫn của cấp trên trình cấp ủy phê duyệt. Ban Công tác mặt trận thôn cùng với các tổ chức xã hội trong thôn, thường xuyên đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động bà con thực hiện việc thu gom rác sinh hoạt, xử lý chất thải trong sinh hoạt, trong chăn nuôi và khắc phục các tập tục, thói quen trong sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng không có lợi cho môi trường. Ðẩy mạnh công tác truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã, của thôn, cũng như cấp phát các loại tài liệu, như tờ rơi, tờ gấp, sổ tay BVMT; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho người dân kiến thức và các biện pháp BVMT tại khu dân cư.

Với phương châm "Mưa dầm thấm lâu", giờ đây mỗi người, mỗi gia đình đã chủ động thực hiện, cũng như nhắc nhở mọi người chung quanh cùng thực hiện. Rác thải của từng hộ gia đình đã được thu gom, đưa đến nơi quy định để cho nhân viên vệ sinh môi trường vào mỗi buổi chiều đi thu gom và vận chuyển đến bãi rác tập trung. Các hộ chăn nuôi gia súc đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc hố chứa chất thải để làm phân bón. Bên cạnh đó, Ban Công tác mặt trận thôn thường xuyên phát động ra quân làm vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh, xử lý rác thải, chất thải ở những nơi bị ô nhiễm vào những dịp lễ, Tết nhằm tạo cảnh quan môi trường ngày càng "xanh - sạch - đẹp", được đông đảo người dân hưởng ứng và tham gia nhiệt tình. Ðặc biệt, sau thời gian tuyên truyền, vận động Công ty cổ phần xi- măng Long Thọ đã đầu tư hơn hai tỷ đồng để lắp đặt hệ thống lọc bụi, xử lý khói, qua đó góp phần giảmtình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương. Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường cho biết thêm: Hiện nay, 19 tổ dân phố của phường Thủy Biều đã triển khai mô hình khu dân cư BVMT, với 100% hộ gia đình ký vào bản cam kết. Bên cạnh đó, 100% số hộ gia đình được sử dụng nước máy, có công trình phụ hợp vệ sinh, đường làng, ngõ xóm đã được trải bê-tông khang trang, sạch đẹp.

Gia đình chị Hoàng Thị Nga ở tổ 4, khu vực Ðông Phước 2, là một trong những gia đình chăn nuôi lợn lớn nhất trong khu vực. Chị tâm sự: Cũng chính vì ô nhiễm môi trường, mà gia đình tôi và bà con lối xóm luôn xảy ra bất hòa. Nguyên nhân, do việc xử lý chất thải chăn nuôi của gia đình không tốt, chủ yếu là xả thẳng xuống cống, rãnh chung của xóm gây ô nhiễm môi trường chung quanh khu vực. Sau khi được cán bộ mặt trận, cán bộ tổ dân phố tuyên truyền vận động, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng bể bi-ô-ga, trước hết là để xử lý chất thải trong chăn nuôi theo đúng quy trình, kỹ thuật, giảm ô nhiễm môi trường, sau đó là lấy ga để phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Ðiều làm tôi vui nhất, đó là tình cảm hàng xóm, láng giềng không còn bất hòa và mọi người đều có ý thức vì một môi trường sống trong lành.

Những con số biết nói

Thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Ban Thường trực Ủy Ban T.Ư MTTQVN và Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phối hợp thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia, năm 2006, Ban Chủ nhiệm Chương trình Toàn dân tham gia BVMT đã triển khai xây dựng mô hình điểm "Lồng ghép nhiệm vụ BVMT trong cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", với 22 mô hình được triển khai tại mười tỉnh, thành phố. Mục tiêu là xây dựng các mô hình về cộng đồng dân cư tự quản bảo vệ các nguồn thiên nhiên và môi trường; giữ gìn vệ sinh môi trường sống tại địa phương, trên cơ sở gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và sẽ nhân rộng các điển hình trong phạm vi cả nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN, Chủ nhiệm Chương trình Toàn dân tham gia BVMT Lê Bá Trình, cho biết: Từ kinh nghiệm triển khai xây dựng mô hình điểm "Lồng ghép nhiệm vụ BVMT trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư", chương trình tiếp tục triển khai xây dựng mô hình điểm "Khu dân cư BVMT"; mô hình "Khu dân cư thực hiện xóa đói, giảm nghèo và BVMT". Như vậy, tính đến năm 2011, chương trình đã xây dựng được hơn 100 mô hình khu dân cư BVMT tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trên cơ sở những kết quả đạt được, các địa phương đã chủ động triển khai, nhân rộng các mô hình khu dân cư BVMT, với gần tám nghìn mô hình. Ðiển hình như TP Hải Phòng đã nhân rộng được 2.568 khu dân cư BVMT, tỉnh Bắc Giang nhân rộng được 392 khu dân cư BVMT, TP Ðà Nẵng nhân rộng được 195 khu dân cư BVMT... Các khu dân cư BVMT đều bảo đảm và thực hiện đúng các tiêu chí mà chương trình đã đề ra như: 100% hộ gia đình ký và thực hiện cam kết BVMT trong sản xuất, kinh doanh và tổ chức cuộc sống hằng ngày; 100% hộ gia đình tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường ở tổ dân phố, thôn, bản; có lịch trình và tổ chức, huy động các thành viên trong cộng đồng dân cư tham gia hoạt động dân cư tự tổ chức thực hiện; đường làng, ngõ xóm, ngõ phố phong quang, vệ sinh, sạch đẹp, trồng cây xanh ở những nơi công cộng...

Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN Lê Bá Trình cho rằng: Việc xây dựng các mô hình điểm đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực về BVMT của người dân; phát huy được trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy và chính quyền địa phương, cũng như năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ mặt trận ở cơ sở và ban công tác mặt trận khu dân cư. Các cấp ủy, chính quyền đã ban hành được các nghị quyết, kế hoạch hành động cụ thể để lãnh đạo và chỉ đạo xây dựng mô hình điểm. Ngành tài nguyên và môi trường đã có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQVN trong việc hướng dẫn, kiểm tra, tạo điều kiện hỗ trợ các khu dân cư xây dựng mô hình điểm thực hiện nhiệm vụ BVMT. Ðồng thời, phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, có uy tín trong nhân dân, như cán bộ hưu trí, trưởng tộc, chức sắc tôn giáo..., góp phần gia tăng sức mạnh trong việc vận động nhân dân tích cực tham gia công tác tự quản môi trường.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình còn gặp không ít khó khăn, như ở một số địa phương nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với hệ thống mặt trận triển khai xây dựng các mô hình điểm chưa đồng đều, có nơi còn giao khoán công việc này cho mặt trận. Năng lực, trình độ các thành viên trong ban vận động ở một số nơi còn yếu, còn thụ động trong việc theo dõi tiến độ, kiểm tra chất lượng xây dựng mô hình. Thói quen, tập quán sinh hoạt còn lạc hậu ở một số loại hình khu dân cư, nhất là tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, chạy theo lợi nhuận kinh tế, cho nên ý thức gìn giữ, BVMT của một bộ phận nhân dân và tổ chức, doanh nghiệp ở các cộng đồng dân cư chưa thật sự chuyển biến rõ nét.

Ðể duy trì và nhân rộng các mô hình trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư xây dựng quy hoạch, kế hoạch hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là quy hoạch các làng nghề, xưởng sản xuất, các công trình xử lý nước thải, khu tập kết rác thải... Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT ở cơ sở, nhất là việc kiểm tra, phát hiện các hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cũng như tăng cường chế tài đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm. UBND các tỉnh, thành phố, các sở, ban, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện tốt hơn nữa để cho MTTQ các cấp đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia BVMT gắn với việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Bài, ảnh: TRUNG TUYẾN và CÔNG HẬU

Theo

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/20589002-.html