Nhân sự người Việt tại Meta: 'Cảm thấy may mắn giữa bão sa thải'

Làm việc tại trụ sở chính của Meta ở Mỹ giữa bão sa thải nhân sự ngành công nghệ, anh Trần Trung Hiếu cảm nhận rõ sự may mắn của bản thân và sức ép sinh tồn trong ngành.

Tình trạng cắt giảm nhân sự do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới. Điển hình là ở các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Meta, Google, Amazon, Twitter, IBM. Nhiều nhân sự người Việt tại các doanh nghiệp này đã chứng kiến tình trạng này hay thậm chí nằm trong nhóm bị sa thải hàng loạt.

"Tại Facebook, nhiều dự án bị hủy, nhiều nhóm và nhân viên đã bị sa thải", anh Trần Trung Hiếu (31 tuổi, TP. Hải Phòng), hiện là nhân viên của Meta - công ty mẹ của Facebook và Instagram, cho biết.

Anh Hiếu là cựu nhân viên của Apple. Trước khi gia nhập Meta, anh cũng nhận được nhiều lời đề nghị việc làm từ Amazon và Google.

Tình trạng sa thải chung

"Nhiều dự án mới đã bị hủy dẫn đến tình trạng sa thải hàng loạt nhân sự. May mắn là nhóm mình hiện tại vẫn ổn vì đang phát triển sản phẩm cốt lõi cho công ty", anh Hiếu tiết lộ.

Anh này cho biết phần lớn các nhân viên đều không biết sẽ bị sa thải cho đến ngày nhận thông tin chính thức. Một sáng thức dậy, nhân sự có thể nhận email đuổi việc mà không có sự chuẩn bị trước.

"Vào buổi sáng bị sa thải, nhân sự sẽ nhận được email thông tin chi tiết và sẽ không thể truy cập vào các hệ thống của công ty nữa", anh Hiếu nói.

Cũng theo anh này, bên cạnh việc sa thải nhân viên, các doanh nghiệp cũng cắt giảm nhiều phúc lợi cho người lao động. Tại Meta, nhiều nhà ăn cho nhân viên đóng cửa, các quỹ hỗ trợ nhân viên cũng bị cắt giảm rõ rệt. Hiện những nhân viên chưa bị sa thải tại Meta vẫn được duy trì mức lương nhưng tiền thưởng hàng năm bị giảm so với trước.

 Anh Hiếu tại văn phòng Meta ở số 1 đường Hacker (California, Mỹ). Ảnh: NVCC.

Anh Hiếu tại văn phòng Meta ở số 1 đường Hacker (California, Mỹ). Ảnh: NVCC.

Anh Hiếu chia sẻ vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các công ty công nghệ đã có khoảng thời gian phát triển nhanh, kéo theo tuyển dụng ồ ạt nhân sự và triển khai thêm nhiều dự án mới.

Tuy nhiên các dự án này chưa chứng minh được tiềm năng phát triển cũng chưa mang lại được lợi nhuận cho các doanh nghiệp so với nguồn tiền đầu tư. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp công nghệ làm ăn không hiệu quả hay thậm chí là thua lỗ.

Điều này dẫn đến việc nhóm các công ty công nghệ lớn (big tech) phải điều chỉnh lại định hướng kinh doanh, các dự án phát triển, tính hiệu quả của doanh nghiệp. Một trong những điều chỉnh đầu tiên chính là sa thải nhân viên.

"Hiện các big tech đang trong xu thế cắt giảm, tạm dừng tuyển dụng nhân sự đến giữa năm 2023. Thị trường tuyển dụng về công nghệ tại Mỹ tương đối cạnh tranh tại thời điểm này do đang có hàng loạt các cựu nhân viên Google, Facebook, Amazon hay Microsoft đang kiếm tìm cơ hội mới", anh Hiếu nhận định.

Theo một chuyên trang quan sát về tình trạng sa thải nhân sự, trong tháng đầu của 2023 đã có 272 công ty công nghệ sa thải tổng cộng 86.882 nhân viên, gấp 1,5 lần so với cả năm 2022 cộng lại và chưa hề có dấu hiệu dừng lại.

Áp lực làm việc ở các big tech

Anh Hiếu cho biết mỗi một công ty đều có áp lực riêng. Tại Apple, anh Hiếu chịu trách nhiệm về phát triển hệ thống xử lý, lưu trữ audio cho AirPods, iPhone. Vì vậy áp lực ở "Táo khuyết" là phải cố gắng xây dựng hệ thống một cách tối ưu nhất và hoàn thành trước khi hãng ra mắt sản phẩm mới hàng năm.

Còn với Facebook, nhóm của anh Hiếu chịu trách nhiệm phát triển hệ thống AI giới thiệu nội dung, được sử dụng cho Newfeed, Facebook Watch, Instagram Reel. Áp lực chủ yếu đến từ việc hệ thống này phải thường xuyên được cập nhật. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng để hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới.

 Anh Hiếu cùng và vợ đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Ảnh: NVCC.

Anh Hiếu cùng và vợ đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Ảnh: NVCC.

Tiết lộ với Zing, anh Hiếu cho hay quá trình phỏng vấn tuyển dụng các kỹ sư, nhà nghiên cứu khoa học ở các tập đoàn lớn (Facebook, Apple, Amazon, Google, Microsoft) tương đối giống nhau.

Theo anh này, khi phỏng vấn ứng viên cần chuẩn bị tốt kỹ năng lập trình, tư duy thuật toán cũng như khả năng trình bày logic lúc phỏng vấn. Ngoài ra, các câu hỏi thêm sẽ tùy thuộc vào trưởng nhóm phỏng vấn.

"Khi mình phỏng vấn vào Apple, đã có 3 nhóm chọn mình, mỗi nhóm hỏi một cách khác nhau. Tuy nhiên, mục đích chính của nhà phỏng vấn là để tìm hiểu về bạn, những dự án bạn đã từng làm cũng như xem các bạn xử lý các tình huống làm việc nhóm", anh Hiếu tiết lộ.

Anh cũng cho hay đôi khi buổi phỏng vấn cũng nhẹ nhàng như những người đồng nghiệp nói chuyện, tìm hiểu về nhau. Ngoài ra, nếu bạn là một nghiên cứu sinh hay đã tốt nghiệp tiến sĩ, sẽ có những câu hỏi liên quan đến các đề tài nghiên cứu của bạn.

"Apple gây ấn tượng với môi trường làm việc chuyên nghiệp, cơ sở vật chất và văn phòng hiện đại. Còn với Facebook là môi trường phát triển nhanh, nhân sự trẻ, cơ sở vật chất tiện lợi và đặc biệt là đồ ăn miễn phí siêu ngon", anh Hiếu nói.

Ngoài ra, khi được hỏi thêm về mức lương anh Hiếu chia sẻ không thể tiết lộ mức lương cụ thể vì đó là quy định của công ty. Tuy nhiên các big tech đều trả mức lương rất khó để từ chối và thuộc top của thị trường. Các big tech lớn đều sẵn sàng trả mức lương cao hơn cùng phúc lợi tốt hơn để cạnh tranh và kéo được ứng viên về làm việc.

Thúy Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhan-su-nguoi-viet-tai-meta-cam-thay-may-man-giua-bao-sa-thai-post1406931.html