Nhân văn Hồ Chí Minh với sự nghiệp đổi mới hiện nay
Giá trị văn hóa của nhân loại, lý tưởng và mục tiêu mà loài người luôn vươn tới trong quá trình phát triển của mình đó là nhân văn. Trong lịch sử nhân loại với nhân cách tiếp cận dưới gốc độ khác nhau, nhưng tựu trung nhân văn, nhân đạo được xem là nhu cầu sống của con người. Trong thời đại ngày nay, trên bình diện quốc gia, nhân văn thể hiện ở những giá trị trường tồn tạo nên sức mạnh để giành độc lập tự do và hòa bình với sự hợp tác toàn cầu để giải quyết vấn đề dân tộc nằm trong các vấn đề chung của nhân loại đó là đảm bảo sự bình đẳng cho con người, cho mọi quốc gia vì sự phát triển hài hòa, bền vững.
Với Việt Nam, qua hàng ngàn năm lịch sử trước nạn xâm lăng vẫn bảo vệ được độc lập, chủ quyền, tự do và bản sắc văn hóa của mình, đó là nhờ “có lòng yêu nước nồng nàn” và phát huy được những giá trị nhân văn cao cả của dân tộc dưới ngọn cờ “độc lập, tự do, hạnh phúc”.
Ngày nay, dưới nội hàm của chủ nghĩa nhân văn Mác - xít và tư tưởng Hồ Chí Minh, với khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, Đảng ta đã huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để giành chính quyền trong Cách mạng Tháng tám, để đánh thắng “hai đế quốc to” với tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Nhưng “độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do độc lập cũng không có ý nghĩa gì”. Theo Người, độc lập dân tộc là cơ sở mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, là điều kiện, cơ sở để giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột. Cho nên, độc lập tự do phải gắn liền với CNXH thì độc lập mới bền vững, hạnh phúc của nhân dân mới được thực sự, người lao động mới hoàn toàn được giải phóng. Người nói: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.
Hồ Chí Minh chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân, Người yêu thương mọi người, có lòng nhân ái vị tha với những kẻ lầm đường lạc lối, khoan dung với cả kẻ thù. Người theo đuổi con đường giải phóng con người từ khi ra đi tìm đường cứu nước “phải cứu lấy dân ta” và kiên trì theo đuổi con đường đó một cách triệt để, sáng tạo nhằm xây dựng một chế độ xã hội trong đó con người có đủ điều kiện phát triển toàn diện và phát huy hết mọi năng lực tiềm tàng của mình. Đây chính là sự vĩ đại Hồ Chí Minh mà tư tưởng nhân văn của Người không chỉ là ngọn cờ của dân tộc Việt Nam mà là của các dân tộc bị áp bức, của cả nhân loại. Chính vì vậy mà tư tưởng và văn hóa của Người được coi là “nền văn hóa của tương lai”. Phát huy sự tương đồng với tình cảm yêu hòa bình, hữu nghị, hòa giải và đạo lý của nhân loại tiến bộ, với tình yêu thương con người sâu sắc và “tình hữu ái vô sản”, Hồ Chí Minh đã khơi dậy và tăng cường tình đoàn kết, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân các nước, các tổ chức, các lực lượng, các nhân sĩ và của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa và công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của nhân dân ta.
Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kế thừa và phát triển các giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc với sự vận dụng sáng tạo các giá trị nhân văn phổ quát của nhân loại tiến bộ và phát huy những giá trị nhân văn cao đẹp để trong quá tình đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng XHCN, với công cuộc đổi mới hiện nay phù hợp với lợi ích dân tộc, ước nguyện của nhân dân, theo đúng quy luật và giá trị trong quá trình phát triển của nhân loại.
Từ thực tiễn của đỉnh cao nhân văn Hồ Chí Minh, Đảng ta đã vận dụng để ứng xử mang tính thu phục nhân tâm, mang đến những thắng lợi to lớn cho cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do và trong công cuộc đổi mới. Thực hiện thành công công cuộc đổi mới với thành tích xóa đói, giảm nghèo, hoàn tất sớm các mục tiêu thiên niên kỷ. Với nền kinh tế có sự tăng trưởng ở tốp đầu, nhưng vẫn còn thua kém nhiều nước, song có những mặt Việt Nam đã chứng tỏ là quốc gia đi đầu nhân loại, từ tầm nhìn và tư duy Việt Nam với con người, với thời đại, đó là tầm nhìn nhân văn và văn hóa. Cho nên, Việt Nam trở thành hình mẫu của sự phát triển năng động, của việc đóng góp tích cực trách nhiệm vào các công việc chung của thế giới.
Với những giá trị nhân văn cao cả đã nổi lên trong việc đương đầu với nạn dịch Covid-19. Trước nạn dịch mà cả thế giới đều bàng hoàng, đang tìm cách đối phó, thì Việt Nam với tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, với lòng yêu nước nồng nàn, nghĩa đồng bào sắt son, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ và tính ưu việt của chế độ. Việt Nam đang phất cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc, hợp tác đa phương, kết nối các quốc gia với những sáng kiến và nghĩa cử cao đẹp, đang quyết tâm vượt qua và hỗ trợ bạn bè, cộng đồng quốc tế. Với sự kiện này, Việt Nam được xem như một biểu tượng nhân văn nổi bật trên thế giới. Các hãng thông tấn hàng đầu thế giới đều ghi nhận “nghĩa cử của Việt Nam”, “sự hy sinh, sự tử tế” và “lòng nhân từ”,… Việt Nam đã huy động được sức mạnh của cả cộng đồng chống dịch như chống giặc.
Rõ ràng xét về mặt lý luận và thực tiễn, có thể nói sức mạnh của Việt Nam là sức mạnh nhân văn Hồ Chí Minh đang được phát huy từ cả bên trong và bên ngoài. Với bên trong, đó là việc nêu cao mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, nâng mức thu nhập đầu người “vượt qua mức thu nhập trung bình thấp” đến “thu nhập trung bình cao” và đến kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đạt “thu nhập cao”. Đó là việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam phát huy truyền thống nhân văn dân tộc, kết hợp tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh. Đó là việc nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, định hướng XHCN. Với bên ngoài là kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, làm bạn với các nước, nêu cao thượng tôn pháp luật, là thành viên có trách nhiệm tham gia giải quyết các vấn đề chung vì tiến bộ của nhân loại.
Hiện nay đang có nhiều quan điểm về sức mạnh, trong đó có cả “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm” nhằm gây ảnh hưởng, áp lực buộc các quốc gia khác phải tuân phục, đi theo, thì sức mạnh nhân văn được thể hiện qua con người và thể chế chính trị Việt Nam với sự kiên cường nhưng hòa hiếu, độc lập tự chủ nhưng đầy trách nhiệm với nhân loại, tình cảm thủy chung, nhân ái, bao dung với con người, với cộng đồng là sức mạnh thu phục nhân tâm mang tính thời đại.
Trong bối cảnh thế giới đang có những biến đổi sâu sắc, nhất là trong tình hình đại dịch hiện nay và trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trước các xung đột sắc tộc… đất nước ta từng bước đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, tiếp tục phát huy sức mạnh nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh, là tư duy phù hợp với thời đại, là phong cách chỉ đạo để tập hợp nguồn lực cho phát triển đất nước. Nêu cao mục tiêu “hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ” và “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, khơi dậy khát vọng, niềm tự hào dân tộc, sức mạnh quốc gia để tập hợp mọi người nhằm tạo sự đột phá vì một nước Việt Nam “hùng cường, thịnh vượng, phát triển phồn vinh, hạnh phúc” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu.