Nhân vụ Thơ Nguyễn: Cha mẹ làm gì để con an toàn khi dùng internet?

Internet đã làm thay đổi cuộc sống. Len lỏi vào ngóc ngách của xã hội và vào từng phòng ngủ của mỗi gia đình. Trẻ em như tờ giấy trắng ứng xử như nào trong môi trường mạng nhiều thú vị và cám dỗ? Bài học cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh, giáo viên và nhà trường ra sao sau vụ việc kênh Youtube Thơ Nguyễn? Báo SK&ĐS đã phỏng vấn PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Nhà sáng lập Toán POMATH về vấn đề này.

PV: Thưa PGS.TS Chu Cẩm Thơ, là người mẹ có 2 cô con gái đang tuổi lớn, chị hướng các con của mình sống trong môi trường internet hiện nay như thế nào?

PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Ở thời điểm này, tôi không thể khẳng định được tôi có thể định hướng các con mình như thế nào trong môi trường internet. Tôi liên tục bất ngờ vì những gì con mình thể hiện khi chứng kiến các con truy cập internet.

Ví dụ, mới đây, tôi thấy các con tôi không xem youtube nữa, các con có nhiều kênh khác, tham gia nhiều mạng xã hội, tham gia nhiều nhóm kín, …

PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Sự chuẩn bị của bố mẹ để cho con bước vào môi trường internet là rất quan trọng.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Sự chuẩn bị của bố mẹ để cho con bước vào môi trường internet là rất quan trọng.

Mặc dù, trường học của các con cũng có những quy định, biện pháp để ngăn chặn, và gia đình tôi cũng rất quan tâm thực hiện điều đó. Những lúc nhận những bất ngờ như vậy, tôi có rất lo lắng. Tôi cố gắng tìm hiểu và soi chiếu lại chính mình, để kiểm điểm xem, biện pháp giáo dục của mình; sự quan tâm, hiểu biết của mình đã đủ chưa, và cần phải làm gì để xử trí cho tốt hơn.

Tôi và chồng mình trò chuyện với nhau, trước những lo lắng của tôi, anh ấy trấn an tôi. Điều anh ấy luôn nhắc tôi, đó là so sánh lại chính mình, ở thời điểm bằng tuổi các con, thì tôi đã ra sao?. Khi bình tĩnh lại, chúng ta sẽ thấy, về mặt tâm lí, ở lứa tuổi dậy thì, tôi và các con mình cũng không khác nhau là mấy.

Những đứa trẻ khát khao thể hiện bản thân bằng cách tìm kiếm những hình tượng, những câu chuyện mà mình thấy gần với những gì mình muốn, hoặc bị hấp dẫn trước những gì mình không có, khác biệt so với mình. Đó cũng là một quá trình thích nghi, rồi chúng ta vẫn nhận ra mình, chọn con đường đi tiếp theo. Từ đó, tôi nhận ra, cái gì sẽ quyết định bản thân mình, những lựa chọn của mình. Đó chính là những “giá trị” mà tôi, gia đình tôi theo đuổi, gắn kết với nhau.

Tôi muốn nói, những định hướng không quan trọng nữa, mà sự thể hiện của người cha, người mẹ khi chung sống cùng con. Trong câu chuyện này cũng vậy, nói về “môi trường internet”, định hướng các con không quan trọng bằng cách các con chứng kiến chúng ta dùng internet!.

PV: Chỉ cần 1 click chuột trẻ em hôm nay đã bước ra ngoài thế giới rộng lớn, ở đó có nhiều điều thú vị và không ít cám dỗ, là chuyên gia giáo dục chị có lời khuyên như thế nào đối với các bậc phụ huynh?

Ngày nay, internet đã trở thành môi trường sống của chúng ta rồi, khi hầu hết mọi người, mỗi ngày đều tương tác với internet. Nhiều người đọc tin, tin những gì internet truyền tải; nhưng cũng có rất nhiều người không có ý thức trách nhiệm xã hội khi đưa những thông tin không chính xác, không đúng quy phạm.

Chúng ta cần dùng thời gian để học, để dùng internet cho hợp lí để không lệ thuộc vào internet. Ảnh minh họa

Chúng ta cần dùng thời gian để học, để dùng internet cho hợp lí để không lệ thuộc vào internet. Ảnh minh họa

Điều đó dẫn đến, internet sẽ được dùng như một công cụ kiếm tiền, công cụ dẫn dắt, …đối với không ít người. Chính vì vậy, cũng như cuộc sống này, chúng ta phải đối mặt với internet, phải có sự chuẩn bị và chung sống với nó như những gì đã hiện hữu, chỉ khác so với những môi trường khác, internet có thể không có trong tuổi thơ của chúng ta, không có tiền lệ ở thế hệ đi trước để chúng ta học hỏi, và sự biến hóa của internet thì có tốc độ nhanh, nhanh đến nỗi không thể so sánh với những cách truyền tin trước kia, không thể so sánh về tính đa dạng của thông tin nữa.

Tôi nhắc lại, tôi không nghĩ phụ huynh có thể làm gì tốt hơn bằng thể hiện việc sử dụng internet như thế nào để các con mình nhìn thấy, cảm thấy, và sẽ từ đó mà có sự ảnh hưởng. Một nghiên cứu nhỏ của chúng tôi cho thấy, đa phần phụ huynh không có kĩ năng số tốt, từ thời lượng sử dụng, chất lượng hiệu quả và kĩ năng an toàn.

Ngay cả hiểu biết như thế nào là một “video” độc hại đang lan truyền chóng mặt trên internet nhiều phụ huynh của chúng ta cũng chưa rõ, đôi khi còn tiếp tay lan truyền chúng đến con em mình. Khi mở mạng ra, chúng ta sẽ thấy, internet thông minh đến nỗi chúng ta tưởng rằng “internet hiểu chúng ta muốn gì, biết chúng ta hôm qua xem gì?”.

Trên màn hình máy tính, điện thoại sẽ xuất hiện những gì được cho là xu hướng mà chúng ta tìm kiếm và cả những xu hướng mà do những kĩ thuật quảng cáo thực hiện. Chúng ta cần dùng thời gian để học, để dùng internet cho hợp lí rồi từ đó chúng ta mới biết cần ứng xử với con mình thế nào.

PV: Giáo dục ở nhà trường, vai trò của thầy cô, từ mầm non đến học sinh THPT có ý nghĩa rất lớn. Chị có thể chia sẻ với các giáo viên hiện nay như thế nào? Đặc biệt, những giáo viên làm công tác chủ nhiệm và giáo viên dạy ở những khối lớp có trẻ đang tuổi “nổi loạn”?

Đối với môi trường sư phạm, chúng ta vẫn chưa có những sự chuẩn bị đầy đủ cả về nhận thức và phương tiện, kĩ thuật để giáo dục có thể song hành, sử dụng internet. Chính vì thế, chúng ta chấp nhận thực tiễn là có rất nhiều giáo viên sợ internet, coi internet như một môi trường đầy rủi ro cho công việc của mình.

Nhưng thực tiễn, thì các giáo viên đều không thể không dùng internet, vì đó vừa là nhu cầu giao lưu, vừa là công cụ lao động. Mới đây, tôi có đọc một báo cáo của một giáo viên chủ nhiệm ở một trường THCS của Hà Nội, cô giáo viết về kinh nghiệm “giáo dục học sinh có cá tính mạnh”, trong đó, cô giáo đã sử dụng biện pháp để các em được thể hiện điểm mạnh của bản thân mình, cô cũng có những trường hợp để các em sử dụng internet để hoàn thành nhiệm vụ.

Cô viết rằng, điều cô yên tâm nhất, chính là “hiểu được các em” và các em, khi được thể hiện trước các bạn, thì đều đã tự học tập một cách đúng đắn, các em cũng biết tìm đến những thông tin tốt, có nghĩa là các em sẽ bớt đi những quan tâm cho những gì độc hại.

Tôi hiểu ý của cô: thay vì răn dạy giáo điều, cô giáo, thầy giáo có thể giúp các em an toàn, lựa chọn ứng xử đúng khi cho các em có cơ hội được khẳng định bản thân, được thể hiện có trách nhiệm với tập thể.

Về mặt chuyên môn, rõ ràng nếu giáo viên không có những hiểu biết đầy đủ về internet, có kĩ năng sử dụng tốt, có trách nhiệm nghề nghiệp và sẵn sàng làm gương, yêu thương đồng hành cùng học sinh thì không thể có những ứng xử như vậy.

Trước một công cụ có sức mạnh như internet, chúng ta và học sinh bình đẳng. Nhưng thầy vẫn là thầy nêu thầy nếu chúng ta nhận lấy trách nhiệm, và học hỏi để thực hiện được trách nhiệm giáo dục.

PV: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Chu Cẩm Thơ

Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng mạng xã hội trên internet, chị Thơ cho biết, tôi hầu như chỉ sử dụng internet trong công việc.
Vấn đề sử dụng internet của trẻ phụ huynh có thể quyết định chứ không phải chỉ do trẻ em hay trào lưu xã hội. Sự chuẩn bị của bố mẹ để cho con bước vào môi trường internet là rất quan trọng.
Cả nhà cùng xem vô tuyến rồi cùng trao đổi về một vấn đề nào đó hay cùng con thảo luận 1 clip trên youtube phân tích đúng sai, hay dở để con có “đề kháng” trước initernet!

Anh Văn (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhan-vu-tho-nguyen-cha-me-lam-gi-de-con-an-toan-khi-dung-internet-n188361.html