Nhanh chóng phục hồi hoạt động xuất khẩu lao động

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu lao động theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh chịu nhiều tác động. Thời gian qua, Lào Cai đã và đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để hoạt động xuất khẩu lao động nhanh chóng phục hồi.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, hướng dẫn các thủ tục đi xuất khẩu lao động cho người lao động.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, hướng dẫn các thủ tục đi xuất khẩu lao động cho người lao động.

Những ngày này, anh Trần Khắc Tư, ở phường Lào Cai (thành phố Lào Cai) đang gấp rút hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để chuẩn bị cho chuyến xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc vào tháng 8 năm nay. Anh Tư cho biết: Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, tôi có nguyện vọng đăng ký đi lao động xuất khẩu nhóm ngành sản xuất chế tạo tại Hàn Quốc và được hướng dẫn các thủ tục cần thiết để đi xuất khẩu lao động.

Lựa chọn học lớp điều dưỡng tại Khoa Y dược, Trường Cao đẳng Lào Cai, nhiều sinh viên kỳ vọng khi ra trường có thể đáp ứng không chỉ nhu cầu lao động trong nước, mà còn có thể đi xuất khẩu lao động tại những thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc. Sinh viên Nguyễn Quang Phúc, lớp Cao đẳng Điều dưỡng K21, Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết: Mong muốn của em sau khi học xong sẽ đi xuất khẩu lao động để cải thiện cuộc sống và nâng cao tay nghề.

Được biết, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… rất lớn. Với thị trường Nhật Bản, đang cần tuyển lao động ở các ngành nghề như cơ khí, chế biến thực phẩm, xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng, hộ lý, đóng gói sản phẩm, vệ sinh… Điều kiện là lao động nam, nữ tốt nghiệp THPT, tuổi từ 18 đến 35, sức khỏe tốt; mức lương dao động từ 30 đến 35 triệu đồng/tháng (chưa tính tăng ca). Người lao động được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm việc làm đầy đủ theo quy định của Chính phủ Nhật Bản. Thời hạn hợp đồng từ 3 đến 5 năm và có thể gia hạn thêm. Còn thị trường Đài Loan cần tuyển lao động làm việc ở các ngành nghề như điện - điện tử, lắp ráp xe điện, đóng gói, thực phẩm, cơ khí, hàn - tiện, nông nghiệp, xây dựng, dệt may… Thị trường này không yêu cầu về trình độ học vấn, chỉ cần lao động nam, nữ tuổi từ 18 đến 45, có sức khỏe tốt; mức lương từ 20 đến 21 triệu đồng/tháng; tuần làm việc 5 ngày và được hỗ trợ một phần chi phí ăn, ở...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 38 doanh nghiệp được cấp giấy phép tuyển dụng lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong 7 tháng năm 2022, Lào Cai đã đưa 69 lao động xuất cảnh đi làm việc. Để đạt mục tiêu năm 2022 đưa 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tuyển sinh lao động đi làm việc tại các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản; đẩy mạnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, tuyển chọn lao động đi xuất khẩu lao động.

Thời gian qua, để tạo điều kiện, hỗ trợ người lao động đi xuất khẩu lao động, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch triển khai thực hiện. Tỉnh ủy ban hành Đề án số 10 về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020 - 2025, trong đó có dự án hỗ trợ người lao động đi xuất khẩu lao động; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND quy định nguyên tắc, tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 128 ngày 1/4/2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có dự án hỗ trợ người lao động đi XKLĐ... Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đã triển khai kịp thời hệ thống chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lao động các huyện nghèo, lao động thuộc các đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, tư vấn bằng nhiều hình thức, như trực tiếp tư vấn tại các trường nghề và các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh; mở rộng các phiên giao dịch việc làm ở các huyện, thị xã, thành phố để kết hợp tư vấn, định hướng nghề nghiệp, xuất khẩu lao động… góp phần thay đổi suy nghĩ của người dân về công tác xuất khẩu lao động, nhiều người lao động, đặc biệt là lao động ở các huyện nghèo, người dân tộc thiểu số đã chủ động học nghề, ngoại ngữ và tham gia xuất khẩu lao động.

Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mặc dù trình độ của lao động Lào Cai đã được nâng lên, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các thị trường lao động. Vì vậy, nâng cao chất lượng lao động là nhiệm vụ quan trọng cần quan tâm trong thời gian tới. Cùng với đó, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tư vấn để chủ trương, chính sách về xuất khẩu lao động đi vào cuộc sống, được người dân tích cực hưởng ứng.

Cùng với đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm, triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm ngay tại địa phương cho người lao động, công tác quản lý đưa lao động đi xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh hứa hẹn mang lại hiệu quả, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo, nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động hội nhập quốc tế.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359864-nhanh-chong-phuc-hoi-hoat-dong-xuat-khau-lao-dong