Nhanh chóng sửa đổi, nâng cấp Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu
Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) cần xem xét để nhanh chóng khởi động nghiên cứu khả thi nhằm sửa đổi, nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do song phương.
Nhờ tác động tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu (VN-EAEUFTA), 9 tháng năm 2023, thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu đạt khoảng 3,2 tỷ USD, với tỷ lệ tận dụng C/O form EAEU sau 7 tháng đạt khoảng 51% kim ngạch thương mại hai chiều, tăng cao so với mức 38% của năm 2022.
Chia sẻ thông tin tại Khóa họp lần thứ V, Ủy ban Hỗn hợp thực thi VN - EAEUFTA, theo hình thức trực tuyến, Bộ trưởng Phụ trách Thương mại của Ủy ban Kinh tế Á - Âu, Andrey Slepnev và Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đều thống nhất cho rằng thực thi VN-EAEUFTA đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Theo số liệu của Liên minh Kinh tế Á-Âu, trong giai đoạn từ năm 2017 - 2021, thương mại 2 chiều đã tăng mạnh từ 5,9 tỷ USD vào năm 2017 lên 7,8 tỷ USD vào năm 2021.
Nga vẫn là đối tác lớn nhất trong Liên minh, chiếm 66% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước EAEU và 97% trong nhập khẩu của Việt Nam từ EAEU.
Do tác động của nhiều yếu tố bất lợi cũng như những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, thương mại giữa Việt Nam và EAEU giảm mạnh trong năm 2022. Tuy nhiên, thương mại hai chiều đã có dấu hiệu hồi phục vào năm 2023.
9 tháng năm 2023, thương mại 2 chiều đạt khoảng 3,2 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh Kinh tế Á - Âu đạt khoảng 1,8 tỷ USD. Nhập khẩu của Việt Nam từ Liên minh Kinh tế Á - Âu đạt khoảng 1,4 tỷ USD.
Về việc tận dụng các ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do được đánh giá là rất tích cực. Theo số liệu của Bộ Công thương, sau 7 tháng 2023, tỷ lệ tận dụng C/O form EAEU đạt khoảng 51% kim ngạch thương mại hai chiều, cao hơn so với chỉ số của những năm trước (năm 2022 là 38%, năm 2021 là 31%, và năm 2020 là 28%).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, hiện một số điều khoản, quy định trong Hiệp định VN-EAEU FTA không còn phù hợp, vì vậy, hai Bên cần xem xét kỹ lưỡng, nghiên cứu các giải pháp mới để tăng cường hiệu quả của Hiệp định, thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế -thương mại giữa Việt Nam và EAEU.
Trong đó cần xem xét nhanh chóng khởi động nghiên cứu khả thi về khả năng sửa đổi, nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do; Tiếp tục mở cửa thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại, tháo gỡ các khó khăn liên quan thanh toán, vận tải và di chuyển giữa người dân, đặc biệt là doanh nhân giữa hai nước.
Bộ trưởng Phụ trách Thương mại của Ủy ban Kinh tế Á - Âu, Andrey Slepnev thống nhất chỉ đạo cấp kỹ thuật hai Bên tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa tiếp cận thị trường của nhau thuận lợi hơn, loại bỏ các rào cản về thương mại, nhất là các thủ tục hành chính để tăng cường mạnh mẽ hơn thương mại hai chiều.
EAEU bao gồm 5 nước thành viên: Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Kazakhstan, Kyrgystan và Armenia. Việt Nam và EAEU đã ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -EAEU vào năm 2015 và Hiệp định có hiệu lực từ tháng 10/2016.
Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2022, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều Việt Nam và EAEU đạt gần 4,4 tỷ USD, giảm 30% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang các nước EAEU 2,21 tỷ USD, giảm 41,6%; nhập khẩu từ các nước
EAEU đạt 2,19 tỷ USD, giảm 13,3%
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang khu vực EAEU trong năm ngoái (chủ yếu sang Liên bang Nga) gồm: Cà phê (249,4 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021); Dệt may (221,2 triệu USD, giảm 34,7%); Thủy sản (đạt 163 triệu USD, giảm 0,7%); Điện thoại và linh kiện điện tử (154 triệu USD, giảm 85%); Máy móc thiết bị phụ tùng (116 triệu USD, giảm 44,7%).
Việt Nam nhập khẩu từ khu vực này, gồm: Than các loại (591 triệu USD, tăng 12% so với năm 2021); Phân bón (203 triệu USD, tăng 41,4%); Sắt thép các loại (228 triệu USD, giảm 53%); Thủy sản (145 triệu USD, tăng 69%); Chất dẻo nguyên liệu (96,6 triệu USD, tăng 35,7%) …