Nhập khẩu của Trung Quốc tăng kỷ lục

Tháng 4 đánh dấu mức tăng hàng tháng mạnh nhất trong giá trị nhập khẩu của Trung Quốc kể từ tháng 1/2011.

Tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong hơn 10 năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng chóng mặt này được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc cũng như giá cả hàng hóa toàn cầu tăng, theo Nikkei Asia.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 4 của nước này đạt 485 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái và 29,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhập khẩu của Trung Quốc đạt 221 tỷ USD, tăng tới 43,1% so với cùng kỳ năm 2019.

 Một tàu chở dầu cập cảng Thanh Đảo ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Một tàu chở dầu cập cảng Thanh Đảo ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

David Dollar, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Brookings, cho biết: “Cuộc suy thoái kinh tế vào đầu năm 2020 đã làm méo mó kết quả so sánh hàng năm”.

“Tổng giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm tăng 24% so với năm 2019. Tốc độ tăng trưởng này lành mạnh nhưng không có gì ngạc nhiên cả”, ông Dollar đánh giá.

Nhận định về những con số tăng trưởng của Trung Quốc, ông Dollar cho rằng đây là dấu hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế thế giới đang phục hồi trở lại, mặc dù không đồng đều.

Tuy nhiên việc tài nguyên thiên nhiên và thực phẩm nhập khẩu ngày càng tăng giá khiến nhiều người lo ngại có thể tác động mạnh đến doanh thu của các công ty và chi tiêu của người dân.

Giá hàng hóa tăng vọt là yếu tố quan trọng đằng sau sự nhảy vọt của nhập khẩu Trung Quốc. Hợp đồng tương lai của dầu thô WTI hiện giao dịch quanh mức 65 USD một thùng, gấp đôi mức giá so với một năm trước. Số lượng dầu thô Trung Quốc nhập khẩu gần như không thay đổi nhưng giá trị nhập khẩu đã tăng tới 70%.

Giá trị nhập khẩu quặng sắt và đậu nành của Trung Quốc tăng tới 90% và 50%, trong khi khối lượng chỉ tăng 3 và 11%. Đậu nành là một chủ đề chính trong các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc cũng nhập khẩu khoảng 60% quặng sắt từ Australia.

Tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với Australia và Mỹ đều tăng khoảng 50%.

Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, cho biết: "Việc tăng tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Trung Quốc tiếp tục vượt xa nhập khẩu toàn cầu, một phần do giá hàng hóa tăng, nhưng cũng cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện các cam kết mua hàng theo thỏa thuận giai đoạn một Mỹ - Trung".

Quan hệ thương mại Trung Quốc và Australia lại xấu đi nhanh chóng khi Bắc Kinh tuyên bố đình chỉ đối thoại kinh tế. Bắc Kinh đã gây áp lực lên Canberra về các vấn đề chính trị bằng cách áp thuế nặng đối với các mặt hàng xuất khẩu của Australia như lúa mạch.

Tuy nhiên, việc quặng sắt của Australia vẫn được Trung Quốc miễn thuế đã giúp làm giảm áp lực kinh tế đối với Canberra.

Khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, việc mua thiết bị và linh kiện sản xuất ở nước ngoài cũng tăng lên. Cả giá trị và số lượng nhập khẩu các mạch tích hợp của Trung Quốc đều tăng 20%. Mặc dù Mỹ đã cấm bán các loại chip cho Huawei, Trung Quốc vẫn có thể mua các loại chất bán dẫn.

Tuấn Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhap-khau-cua-trung-quoc-tang-ky-luc-post1213023.html