Nhập khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện dự báo đạt mốc lịch sử 100 tỷ USD

9 tháng, nhập khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện sơ bộ đạt 79,1 tỷ USD và dự báo là mặt hàng đầu tiên trong lịch sử đạt giá trị nhập khẩu 100 tỷ USD.

Ghi nhận mức tăng cao nhất ở cả chiều xuất và chiều nhập

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện dự báo đạt mốc lịch sử 100 tỷ USD. Ảnh: S.T

Nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện dự báo đạt mốc lịch sử 100 tỷ USD. Ảnh: S.T

Điện tử, máy tính và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam cùng với nhiều ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đang nỗ lực hồi phục sau dịch Covid-19.

9 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện sơ bộ đạt 52,8 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng mạnh 27,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu. Các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này là chủ yếu vẫn là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện sơ bộ đạt 79,1 tỷ USD, chiếm tới 28,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng mạnh 25,8% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức tăng cao nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị nhập khẩu dẫn đầu.

Như vậy, sau 9 tháng năm 2024, mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã xuất khẩu 52,8 tỷ USD, nhập khẩu 79,1 tỷ USD; tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 131,9 tỷ USD. Với giá trị nhập khẩu đã đạt được và tốc độ tăng cao như hiện tại, hoàn toàn có cơ sở để hy vọng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện là mặt hàng đầu tiên trong lịch sử đạt giá trị nhập khẩu 100 tỷ USD vào năm 2024.

Nâng cao năng lực để có thể tham gia chuỗi cung ứng

Trong thời gian gần đây, đặc biệt kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chính thức nổ ra đầu năm 2018, triển vọng phát triển của ngành sản xuất điện tử, máy tính và linh kiện được nhiều chuyên gia đánh giá là sáng sủa khi Việt Nam có cơ hội đón sóng đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn.

Trong 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng chung 8,6% của toàn ngành công nghiệp, trong đó sản xuất linh kiện điện tử tăng 10,5%. Đây là một tín hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất cũng như xuất nhập khẩu sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện trong năm 2024, dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ và đóng góp tích cực của ngành này vào sự phục hồi của cả nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo các chuyên gia, mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, chưa phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao còn thấp. Năng lực các doanh nghiệp nội địa trong ngành vẫn còn hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường.

Trong khi đó, các doanh nghiệp điện tử nội địa có tiếng trước đây đang phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu và chiếm thị phần nhỏ. Mặc dù có một số nhãn hiệu điện tử trong nước mới nổi, tuy nhiên thị trường điện – điện tử dân dụng trong nước chủ yếu do các thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh.

Ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển khi Việt Nam có vị trí địa lý nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động. Thêm vào đó là thị trường nội địa hơn 100 triệu dân và khả năng tiếp cận trực tiếp với thị trường 600 triệu dân của khu vực ASEAN, thị trường xuất khẩu quốc tế rộng lớn nhờ tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do.

Ngoài ra, Việt Nam còn sở hữu nguồn lao động dồi dào và được đánh giá là học hỏi nhanh trong khai thác, sử dụng và lắp ráp các thiết bị điện tử, kể cả các thiết bị điện tử hiện đại. Chi phí nhân công lao động tương đối thấp tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp so với các doanh nghiệp trong khu vực…

Việt Nam cũng là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng cần thiết để phát triển công nghiệp vật liệu điện tử như: quặng sắt, đất hiếm, titan, rutin, barit, ilmenit… Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có an ninh chính trị ổn định, đây là yếu tố quan trọng bậc nhất với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Điều này đã tạo lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài về một môi trường đầu tư an toàn, cùng với khuôn khổ pháp lý và thể chế được cải thiện đáng kể đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp FDI đã có những chính sách nhất định nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng nội địa và bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dù vậy, để tận dụng cơ hội và thực thi hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp ngành điện tử cần nâng cao năng lực để có thể tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu chuỗi đang hoạt động tại Việt Nam và tăng cường tham gia các hoạt động, sự kiện kết nối kinh doanh để có thể tận dụng được những cơ hội kết nối với doanh nghiệp điện tử của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới.

Ngoài ra, để chủ động và phát triển nhanh, bền vững cho ngành công nghiệp điện tử hiện nay, cần xây dựng các biện pháp bảo vệ thị trường điện – điện tử tiêu dùng (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhập lậu…). Đồng thời, tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện – điện tử gia dụng.

Năm 2021, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện mới chỉ chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2015, tỷ trọng đã gấp 2 lần, chiếm 9,6% và luôn duy trì mức trên 10% từ đó đến nay.

Năm 2022, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện vươn lên đứng thứ 2 trong 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam. Đến năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đã chiếm vị trí dẫn đầu trong tổng số 7 mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD (giảm 1 mặt hàng là thủy sản), đạt 57,3 tỷ USD.

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2023, kim ngạch tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Bình quân cả giai đoạn 2011-2023 tăng 23,8%. Đây là mức tăng rất ấn tượng đối với một mặt hàng xuất khẩu trong hơn 10 năm qua.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện cũng đạt những con số ấn tượng trong hơn 10 năm qua. Nếu như năm 2010, nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện mới chỉ chiếm 6,1% tổng kim ngạch nhập khẩu thì đến năm 2015 tỷ trọng đã gấp hơn 2 lần, chiếm 14% và liên tục tăng cao từ đó đến nay.

Năm 2010, mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện chỉ đứng thứ 3 về giá trị trong tổng số các mặt hàng nhập khẩu, đạt 5,2 tỷ USD. Đến năm 2011, mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã vươn lên dẫn đầu với kim ngạch nhập khẩu đạt 7,9 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Trong giai đoạn từ 2011 đến 2022, giá trị nhập khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao. Bình quân cả giai đoạn 2011-2023 tăng 24,3%.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhap-khau-nhom-hang-dien-tu-may-tinh-va-linh-kien-du-bao-dat-moc-lich-su-100-ty-usd-352147.html