Nhập nhằng việc quản lý cây xanh trong trường học, công sở

Cây phượng vĩ bất ngờ bật gốc, đổ xuống sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) đã khiến 18 học sinh thương vong. Sau sự cố này, câu hỏi đặt ra: Ai quản lý cây xanh trong các sân trường học? Thẩm quyền trong quản lý cây xanh sân trường sẽ như thế nào?

Trường quản lý nhưng không được tự quyết?

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, việc quản lý cây xanh trên đường phố trước đây thuộc phòng quản lý công viên cây xanh - Sở Giao thông - Vận tải, sau này chuyển giao về Sở Xây dựng. Hệ thống cây xanh trên đường phố sẽ được đánh số thứ tự và đấu thầu chăm sóc, cắt tỉa, đốn hạ.

Còn đối với cây xanh trong khuôn viên trường học, bệnh viện (được các đơn vị trồng khi xây dựng các cơ sở này) thì do phía đơn vị quản lý có trách nhiệm chăm sóc. Nếu có nhu cầu, các trường học, bệnh viện có thể liên hệ với các công ty công ích quận - huyện, công ty công viên cây xanh để thuê các đơn vị trên chăm sóc.

Trường học phải chịu trách nhiệm về cây trong sân trường, nhưng lại không được tự quyết việc chặt bỏ.

Trường học phải chịu trách nhiệm về cây trong sân trường, nhưng lại không được tự quyết việc chặt bỏ.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số trường học, quy định như vậy chưa thật sự thỏa đáng. Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), đặt vấn đề: "Những cây cổ thụ quý có giá trị kinh tế hơn hẳn các cây phượng, cây bàng trong khuôn viên, phải chăng chỉ thuộc quản lý của trường? Trong trường hợp hội đồng trường thông qua, thì trường có được đốn hạ cây để lấy khoảng không xây dựng phòng học hoặc bán cây đem tiền về cho trường hay không?".

Ông Phú cho biết, hiện trường ông có 11 cây gỗ cổ thụ. Trong đó, 1 cây thuộc phần đất của nhà trường nhưng cũng được đánh số quản lý. Các cây mỗi khi muốn cắt cành, tỉa cây đều phải mời đơn vị chuyên môn vào khảo sát rồi nhận quyết toán với chi phí khoảng 2 triệu một cây.

Theo ông Phú, các cơ quan chức năng, trong đó có Sở Xây dựng, nên quy định cụ thể trách nhiệm của từng bên với việc quản lý cây xanh trong trường, đặc biệt là những cây cổ thụ, chứ không chỉ giao cho trường. Nếu nói trường quản lý, thì cần nêu rõ quản lý ở mức độ nào, bón phân, tưới cây hằng ngày có được xem là có quản lý hay không?

Tại cuộc họp báo ngày 26.5, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM - cho biết: Những vấn đề chuyên môn kỹ thuật như trồng cây, đốn cây an toàn trong nhà trường thì trường không thể tự quyết định. Chẳng hạn khi trường xây mới, các cây được phép trồng sẽ nằm trong quy định của giấy phép xây dựng phê duyệt. Các cây lớn tuổi khi đốn đi đều phải xin phép chứ hiệu trưởng không được quyền tự quyết.

Đại diện Sở Xây dựng cho biết, việc đốn hạ thì đây là tài sản của trường học, bệnh viện nên lãnh đạo các nơi này sẽ tự quyền quyết định, nhưng phải thông qua Sở Xây dựng, cụ thể là Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM. Công tác trên cần thuê các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện để tránh các sự cố, tai nạn lao động.

Rà soát lại toàn bộ hệ thống cây xanh

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật và Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh yêu cầu các đơn vị rà soát, kiểm tra tình trạng sinh trưởng, phát triển của toàn bộ các cây xanh đang được phân cấp quản lý, kể cả cây xanh nằm trong các khu vực công cộng của địa phương như cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện...

Cây phượng đổ trong sân trường THCS Bạch Đằng (quận 3).

Cây phượng đổ trong sân trường THCS Bạch Đằng (quận 3).

Sở Xây dựng cũng đề nghị quận, huyện tập trung kiểm tra kỹ rễ, thân, cành, tán lá để phát hiện, xử lý kịp thời các cây xanh già cỗi, mục ruỗng có nguy cơ ngã đổ.

Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật phối hợp với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh tích cực hỗ trợ UBND các quận, huyện trong việc kiểm tra, đảm bảo an toàn về cây xanh do địa phương quản lý; lập danh sách trong đó có cụ thể tên, số điện thoại của các cá nhân, đơn vị phụ trách theo từng địa bàn để có văn bản thông báo đến địa phương nhằm cùng phối hợp kiểm tra, giải quyết các sự cố khi cần thiết.

Khi quận, huyện cần trợ giúp có thể liên hệ số điện thoại 028.39291470 (Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật) và 028.38236565 (Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh) để được hỗ trợ.

Sở GDĐT TP.HCM cũng có văn bản khẩn về việc tăng cường đảm bảo an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh.

Theo đó, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục kiểm tra, cắt tỉa cành, chăm sóc cây xanh, xử lý thông thoáng hệ thống thoát nước, chống dột trong khuôn viên nhà trường; kiểm tra và đảm bảo an toàn hệ thống điện tại các phòng học, phòng chức năng, phòng thí nghiệm, phòng thực hành...

Sở cũng đề nghị Ban giám hiệu các trường học cần chủ động, kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai bão, lũ lụt... nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên; phối hợp với chính quyền, tổ chức đoàn thể địa phương tổ chức hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, các lớp học bơi, học kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước trong thời gian nghỉ hè...

Công ty Cây xanh phản hồi việc chăm sóc cây ở trường Bạch Đằng

trong văn bản gửi Sở TT&TT TP.HCM và các cơ quan truyền thông ngày 28.5, công ty này cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh chính của mình là chăm sóc, bao dưỡng thường xuyên công viên, mảng xanh và cây xanh trên đường phố.

Trong các công viên thì công ty làm theo hợp đồng ký kết với các chủ đầu tư. Ngoài ra công ty thực hiện hợp đồng dịch vụ với một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP nhưng không thực hiện hợp đồng chăm sóc cây xanh tại trường Bạch Đằng.

Tuy nhiên, ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban lãnh đạo Công ty cùng các cán bộ kỹ thuật đã đến hiện trường để đánh giá nguyên nhân cây ngã đổ. Tuy nhiên, do công an phong tỏa khu vực trường nên nhân sự công ty không được vào tiếp cận hiện trường.

Sau đó, công ty đã cử đại diện quay lại trường vào buổi trưa, đồng thời khảo sát một số cây xung quanh trường và khuyến cáo Ban Giám hiệu nhà trường nên xử lý ngay cây phượng còn lại vì cây này đã bị nghiêng, có thể gây nguy hiểm bất ngờ cho học sinh.

Cây phượng này nằm ngoài phạm vi chăm sóc của đơn vị nên công ty đã chủ động xin ý kiến Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật TP để tiến hành đốn hạ. Đồng thời kiểm tra, mé nhánh lại toàn bộ những cây xanh quanh khu vực để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Theo quy định về quản lý cây xanh trên địa bàn TP.HCM, cây xanh trong khuôn viên nhà trường, bệnh viện, văn phòng các cơ quan... thuộc quyền quản lý của đơn vị nào thì đơn vị đó sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Tuy nhiên, trên thực tế việc nhận diện, đánh giá những dấu hiệu nguy hiểm của cây rất khó vì cây trong đô thị nhìn thấy bình thường, lá vẫn xanh nhưng bên trong nhiều khi đã mục ruỗng. Cây có thể bị bật gốc do nhiều nguyên nhân như quá trình đô thị hóa ảnh hưởng đên cây xanh, thời tiết biến đối khí hậu, ngập úng do triều cường, mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh...

Vì thế công ty khuyến cáo các cơ quan, đơn vị có trồng cây xanh nên liên hệ các đơn vị chuyên ngành có chuyên môn để tư vấn nên chọn chủng loại cây phù hợp để trồng cây. Đồng thời có kiểm tra, đánh giá, xử lý định kỳ nhằm phát hiện kịp thời những cây có biểu hiện nguy hiểm.

Ngoài ra, không nên ký hợp đồng với những đơn vị không có chuyên môn, không kinh nghiệm để thực hiện chăm sóc cây để đảm bảo an toàn trong quá trình chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh. Với các dự án có trồng cây xanh nên tham khảo ý kiến các chuyên gia nhà khoa học... để lựa chọn trồng cây cho phù hợp và đảm bảo an toàn.

Kiên Cường

(Theo Báo Pháp luật TP.HCM)

Bạch Dương

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nhap-nhang-viec-quan-ly-cay-xanh-trong-truong-hoc-cong-so-23776.html