Nhật Bản bắt đầu 'ngán' nhiệt điện than

Trong khi nhu cầu điện trong nước suy giảm và công suất các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng gia tăng, nhiều tập đoàn đầu tư và các công ty điện lực ở Nhật Bản đang rút lui khỏi các dự án nhiệt điện than vốn đang bị chính phủ Nhật Bản chỉ trích.

 Nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than bị hủy bỏ trong thời gian gần đây. Ảnh: Sem Tech Solutions

Nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than bị hủy bỏ trong thời gian gần đây. Ảnh: Sem Tech Solutions

Hàng loạt dự án nhiệt điện than bị hủy bỏ

Hôm 28-3, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Yoshiaki Harada thông báo rằng về nguyên tắc, bộ này sẽ không phê duyệt các dự án nhiệt điện than mới cũng như các dự án mở rộng các nhà máy nhiệt điện than hiện tại để bảo đảm Nhật Bản tuân thủ các cam kết trong Thỏa thuận chung Paris về chống biến đổi khí hậu.

Thông báo được đưa ra giữa lúc các công ty Nhật Bản đang từ bỏ các dự án nhiệt điện than.

Hồi cuối tháng 1, ba công ty Nhật Bản giồm Idemitsu Kosan, Kyushu Electric Power và Tokyo Gas thông báo hủy bỏ dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở tỉnh Chiba có công suất 2 GW vì họ nhận thấy dự án không có tính khả thi kinh tế.

Thay vào đó, họ cho biết sẽ cân nhắc xây dựng một nhà máy điện khí sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở địa điểm của dự án cũ.

Trước đó một tháng, hai công ty khác của Nhật Bản Chugoku Electric Power và JFE Steel cũng thông báo hủy dự án nhà máy nhiệt điện than khác có công suất hơn 1GW tại Chiba để chuyển sang nghiên cứu dự án nhà máy điện khí. Lý do hủy là: “Chúng tôi không nhìn thấy tính khả thi kinh doanh đầy đủ của dự án này”.

Gần đây nhất, công ty Kansai Electric Power và tập đoàn Marubeni đang cân nhắc hủy dự án nhà máy nhiệt điện than có công suất 1,3 GW ở tỉnh Akita.

Đốt than nhiệt lượng cao để sản xuất điện sẽ sản sinh ra lượng khí thải CO2 khổng lồ và các khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác, nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu.

Vào năm 2017, Kouichi Yamamoto, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản vào lúc đó, cảnh báo Nhật Bản có thể không đạt được mục tiêu giảm khí thải carbon như đã cam kết trong Thỏa thuận chung Paris nếu như các công ty địa phương xúc tiến kế hoạch xây dựng 41 nhà máy nhiệt điện than.

Trước sức ép ngày càng gia tăng từ chính phủ, năm ngoái, tậo đoàn thương mại và đầu tư Marubeni, có trụ sở ở Tokyo, cho biết sẽ không khởi động các dự án nhiệt điện than mới và sẽ giảm một nửa tổng công suất tại các nhà máy nhiệt điện than của tập đoàn này vào năm 2030 để giúp đạt mục tiêu giảm khí thải CO2 và chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hồi tháng 3-2019, tập đoàn Sojitz thông báo sẽ bán 30% cổ phần đang nắm giữ tại ở một mỏ than ở Indonesia.

Trước đó một tháng, tập đoàn thương mại Itocho cho biết sẽ rút lui khỏi các dự án nhà máy nhiệt điện than cũng như tiếp tụ thanh lý cổ phần đang nắm giữ tại các mỏ than nhiệt lượng cao ở Úc và Indoensia.

Nhật Bản không còn mặn mà với các dự án nhiệt điện than khi nhu cầu điện được dự báo suy giảm trong dài hạn trong vì công suất từ các nguồn năng lượng thay thế như điện gió, điện mặt trời, thậm chí điện hạt nhân được dự báo tăng trong những năm tới. Sau khi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân vì thảm họa động đất sóng thần vào năm 2011, giờ đây, chính phủ Nhật quyết tâm đưa một số nhà máy điện hạt nhân hoạt động trở lại.

 Một tuốc bin gió ngoài khơi bờ biển TP. Sumoto, tỉnh Hyogo, Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản muốn năng lượng tái tạo phải đóng góp 22-24% cơ cấu sản lượng điện của nước này vào năm 2030. Ảnh: Kyodo

Một tuốc bin gió ngoài khơi bờ biển TP. Sumoto, tỉnh Hyogo, Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản muốn năng lượng tái tạo phải đóng góp 22-24% cơ cấu sản lượng điện của nước này vào năm 2030. Ảnh: Kyodo

Hồi kết cho than nhiệt lượng cao ở châu Á?

Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang quyết định chuyển sang đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo lớn ở châu Á. Đồng thời các ngân hàng và các tập đoàn thương mại Nhật Bản cũng bắt đầu “cai” đầu tư than, bán cổ phần tại các mỏ than của Úc và hủy các kế hoạch xây dựng nhà máy nhiệt điện than.

Đây là một sự thay đổi lớn mà theo đánh giá của các nhà phân tích năng lượng sẽ báo hiệu “sự khởi đầu của hồi kết than nhiệt lượng cao” ở châu Á.

Theo dữ liệu từ trang thông tin theo dõi nhà máy nhiệt than toàn cầu Global Coal Plant, trong số các dự án nhiệt điện than được lên kế hoạch ở Nhật Bản tính đến năm 2015, có ¾ dự án giờ đây có thể sẽ không triển khai nữa.

Các nguồn tin khác cho biết trong những tháng tần đây, hai tổ chức được nhà nước hậu thuẫn gồm Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) bày tỏ ý định đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Trên khắp Nhật Bản, 13 dự án điện gió xa bờ với tổng vốn đầu tư lên đến 2.000 tỉ yen đang trong giai đoạn đánh giá tác động môi trường.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono đang kêu gọi nâng mục tiêu đóng góp của năng lượng tái tạo cho cơ cấu sản lượng điện của Nhật Bản lên mức 22-24% vào năm 2030.

Kimiko Hirata, Giám đốc quốc tế của Mạng lưới Kiko, một tổ chức vận động hành động vì khí hậu ở Nhật Bản, cho biết kể năm ngoái, có nhiều thay đổi về chính sách năng lượng than ở các ngân hàng Nhật Bản cũng như các công ty vảo hiểm và tập đoàn thương mại.

Tim Buckley, Giám đốc nghiên cứu tài chính năng lượng của Viện phân tích tài chính và kinh tế năng lượng (IEEFA), nhận định bất kỳ thay đổi nào ở Nhật Bản về chính sách năng lượng than cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến phần còn lại của châu Á.

Ông nói cho rằng xu hướng từ bỏ nhiệt điện than ở Nhật Bản có thể khởi động cho hồi kết của than nhiệt lượng cao ở châu Á vì Nhật Bản không chỉ là một trong những nước nhập khẩu than nhiệt lượng cao lớn nhất thế giới mà còn là nước đang cung cấp vốn vay lớn cho chương trình tăng trưởng của ngành công nghiệp than đá ở châu Á.

Ông cho biết các dự án nhiệt điện than ở các nước châu Á đang phát triển cần phải được chính phủ ở các nước đó đứng ra bảo lãnh vay vốn thì mới thu hút được các tổ chức tài chính quốc tế rót tiền. Các dự án này thường tìm kiếm nguồn vốn vay từ JBIC, JICA và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc.

Theo Reuters, Guardian

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/287207/nhat-ban-bat-dau-ngan-nhiet-dien-than.html