Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) đã tổ chức buổi lễ tiếp nhận và đưa vào vận hành tàu ngầm phi hạt nhân JS Oryu (511). Buổi lễ được tổ chức tại quân cảng Kure, thành phố Hiroshima, Nhật Bản vào ngày 7-4.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, buổi lễ tiếp nhận được tổ chức với quy mô nhỏ. Thủy thủ và những khách mời đều đeo khẩu trang và tuân thủ quy trình vệ sinh phòng dịch trong suốt buổi lễ.
JS Oryu là tàu ngầm thứ 11 thuộc tàu ngầm tấn công điện-diesel lớp Soryu được chế tạo cho JMSDF.
Đây là tàu đầu tiên trong lớp, cũng là tàu ngầm đầu tiên trên thế giới được trang bị pin lithium-ion, thay thế cho pin axit-chì trên những tàu ngầm trước đó.
Pin lithium-ion có hiệu suất lưu trữ gấp đôi so với pin axit-chì, cho phép hoạt động dưới nước lâu hơn.
Như vậy, với cùng một không gian lưu trữ, pin lithium-ion cung cấp năng lượng nhiều gấp đôi so với hệ thống pin cũ.
Việc trang bị pin lithium-ion là bước tiến quan trọng để thử nghiệm công nghệ cho tàu ngầm điện-diesel thế hệ tiếp theo của Nhật Bản. Tàu cuối cùng của lớp Soryu là Toryu (512) cũng sẽ được trang bị công nghệ pin lithium-ion.
Tàu có chiều dài 84 m, đường kính 9 m, lượng choán nước khi nổi 2.950 tấn, 4.200 tấn khi lặn. Thủy thủ đoàn 65 người, gồm 9 sĩ quan và 56 thủy thủ. Soryu là lớp tàu ngầm phi hạt nhân lớn nhất thế giới.
Tàu được trang bị 2 động cơ diesel Kawasaki 12V 25/25SB, 4 động cơ AIP hợp tác sản xuất với Thụy Điển trên các tàu ngầm trước đó được thay thế bằng hệ thống pin lithium-ion mới.
JMSDF sẽ đánh giá hiệu suất của hệ thống pin mới so với động cơ AIP. Tàu đạt tốc độ tối đa 13 hải lý khi nổi, 20 hải lý khi lặn, dự trữ hành trình 6.100 hải lý.
Tàu Oryu được trang bị hệ thống điện tử hiện đại với cảm biến chính là sonar Hughes/Oki ZQQ-7 hợp tác sản xuất với Mỹ. Đây là một trong những hệ thống sonar tốt nhất thế giới. Radar tìm kiếm mục tiêu mặt nước ZPS-6F, hệ thống tác chiến điện tử ZLR-3-6.
Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, có thể phóng ngư lôi Type-89 do Nhật Bản chế tạo, tên lửa chống hạm Harpoon và thủy lôi. Cơ số ngư lôi và tên lửa mang theo là 30 quả.
Tàu còn được trang bị lớp thảm âm thanh tiên tiến cho phép hoạt động cực êm dưới nước. Hệ vũ khí mạnh mẽ, khả năng tàng hình đỉnh cao, cảm biến hiện đại nâng cao khả năng trinh sát khiến Oryu nói riêng và lớp Soryu nói chung được đánh giá là một trong những sát thủ dưới nước đáng sợ nhất thế giới.
Tàu ngầm Oryu được đóng mới từ tháng 11-2015, hạ thủy vào tháng 10-2018. Chi phí lên đến 610 triệu USD, đưa nó trở thành một trong những tàu ngầm phi hạt nhân đắt nhất và nguy hiểm nhất thế giới.
Tuy vậy động thái xóa số hiệu ngay khi mới đưa vào hoạt động chỉ ít hôm của con tàu này gây nên sự chú ý của giới quan sát, đặc biệt là hải quân Trung Quốc.
Một số cho rằng đây là một phần công việc bảo dưỡng tàu, sơn lại số hiệu tàu, tuy vậy ý kiến phản bác cho rằng, con tàu còn rất mới và không nhất thiết phải bảo dưỡng lớp sơn khi mà chúng chỉ đi vào hoạt động chính thức có mấy hôm.
Công việc xóa bỏ số hiệu tàu ngầm được thực hiện trên tàu 511 chỉ diễn ra trong vài giờ đồng hồ. Mọi chi tiết khác bên ngoài con tàu cũng được xóa bỏ rất sạch sẽ.
Một số khác cho rằng, rất có thể việc xóa số hiệu của con tàu này là một trong những bước đi đầy toan tính của lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong việc đối phó với các đối thủ tiềm tàng.
Hiện vẫn chưa rõ ẩn ý cụ thể của Nhật Bản trong việc bất ngờ xóa số hiệu nhật biết của chiếc tàu ngầm đặc biệt này.
Hải quân phòng vệ Nhật Bản được đánh giá là một trong những thực thể có sức mạnh lớn nhất châu Á. Ngoài các tàu ngầm, họ còn có các loại chiến hạm cực mạnh trong đó có lớp tàu khu trục lớp Hyuga có thể hoán cải thành tàu sân bay.
Việt Hùng