Nhật Bản chế tạo robot biết cười và có làn da thật
Các nhà khoa học Nhật Bản đã sử dụng tế bào người để phát triển một loại da sống tương đương có thể gắn vào bề mặt robot để tạo ra nụ cười chân thực, dù có phần rùng rợn.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Tokyo đã công bố phát hiện của họ trong tuần này cùng với một đoạn video cho thấy vật liệu màu hồng trông nhớp nháp bị kéo căng thành một nụ cười.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Cell Reports Physical Science cho biết các nhà khoa học đã sử dụng một loại "gel chứa đầy tế bào tạo thành da" để tạo ra một "robot được bao phủ bởi da sống".
Các chuyên gia về robot sinh học hy vọng một ngày nào đó công nghệ này sẽ đóng vai trò trong việc phát minh ra robot có ngoại hình và khả năng giống con người.
Nhóm nghiên cứu do giáo sư Shoji Takeuchi dẫn đầu cho biết: "Chúng tôi cũng hy vọng điều này sẽ giúp làm sáng tỏ hơn về sự hình thành nếp nhăn và sinh lý của nét mặt", đồng thời giúp phát triển vật liệu cấy ghép và mỹ phẩm.
Vật liệu mới này có thể báo hiệu sự thay đổi so với các loại robot hình người truyền thống được bao phủ bằng lớp da trông giống thật, thường làm bằng cao su silicon, không thể đổ mồ hôi hoặc tự chữa lành.
Mục tiêu của các nhà khoa học là "cung cấp cho robot khả năng tự phục hồi vốn có của da sinh học", nhưng họ vẫn chưa đạt được điều đó.
Trong các nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học đã ghép collagen vào vết cắt trên da nhân tạo của robot trong phòng thí nghiệm để chứng minh khả năng tự chữa lành của nó. Tuy nhiên, họ cho biết việc tiến hành các thử nghiệm chữa lành tương tự trên làn da robot biết cười của mình "là một thách thức trong tương lai".
Để robot có một "nụ cười tự nhiên", các nhà nghiên cứu đã hồ hóa mô giống như da và cố định nó vào trong các lỗ của robot, một phương pháp lấy cảm hứng từ dây chằng da người thật.
Hoài Phương (theo AFP)