Nhật Bản, Indonesia thắt chặt hợp tác quốc phòng, cam kết tổ chức tập trận song phương ở Biển Đông

Baoquocte.vn. Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã có cuộc gặp với 2 người đồng cấp Indonesia từ ngày 28-30/3 vừa qua. Đây là cuộc đối thoại '2+2' đầu tiên của 2 nước kể từ tháng 12/2015.

Bài đăng trên Twitter của Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia sau cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi. (Nguồn: Twitter)

Bài đăng trên Twitter của Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia sau cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi. (Nguồn: Twitter)

Ngày 30/3, Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi của Nhật Bản đã gặp các người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi và Prabowo Subianto.

Hai bên đã nhất trí giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt chuỗi cung ứng, với mục tiêu đảm bảo an ninh kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, Tokyo và Jakarta đã ký kết thỏa thuận để Nhật Bản chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng cho Indonesia. Các mặt hàng xuất khẩu có thể bao gồm công nghệ cho tàu hộ tống.

Trong giai đoạn dịch Covid-19, Nhật Bản đã chú trọng hơn trong việc hợp tác với Mỹ để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và coi Indonesia là một trung tâm sản xuất khác.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp và Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản đã hỗ trợ trợ cấp cho các công ty đang tìm cách tăng sản lượng ở Indonesia và một số quốc gia khác trong khu vực ASEAN.

10 công ty, bao gồm cả sản xuất phụ tùng ô tô, đã được chọn để nhận tài trợ kể từ năm 2020.

Indonesia chiếm khoảng 40% dân số và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đông Nam Á, đồng thời là một trong những thành viên có ảnh hưởng nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Đây là 1 trong 7 quốc gia và là thành viên ASEAN duy nhất mà Nhật Bản duy trì các cuộc đối thoại "2+2", với mục tiêu hướng đến thảo luận về hợp tác an ninh toàn diện.

Về phần mình, Indonesia cũng mong muốn thu hút đầu tư lớn hơn từ Nhật Bản.

Năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội thực tế của nước này lần đầu tiên giảm kể từ năm 1998 khi cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á xảy ra.

Indonesia hy vọng rằng, các khoản đầu tư của các công ty Nhật Bản sẽ tạo ra nhiều việc làm mới và giúp nền kinh tế nước này phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Để hợp lý hóa quy trình và thúc đẩy đầu tư nước ngoài nhiều hơn, vào tháng 11/2020, xứ vạn đảo đã thông qua luật omnibus trong một chiến dịch do Tổng thống Indonesia Joko Widodo dẫn đầu.

Tại cuộc gặp riêng với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ngày 28/3, người đứng đầu ngành Quốc phòng Indonesia đã thảo luận về luật mới và kêu gọi các công ty Nhật Bản đầu tư vào Indonesia.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita đã đến thăm Nhật Bản vào đầu tháng 3 để gặp gỡ các quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp.

Cuộc họp ngày 30/3 cũng bao gồm đề xuất của Nhật Bản về việc phát triển chung Biển Sulu và Biển Celebes nằm giữa Indonesia và Philippines.

Các sáng kiến được lên kế hoạch bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp bí quyết giám sát để chống lại cướp biển và khủng bố.

Quan trọng hơn, hai nước đã bày tỏ quan ngại chung về những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên biển, nhằm đối phó với các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.

Bộ trưởng Kishi cảnh báo rằng, Bắc Kinh có thể đẩy nhanh những nỗ lực như vậy theo luật Hải cảnh mới.

Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng, là cầu nối giữa Đông Á và Trung Đông. Sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở vùng biển này có thể tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia Nhật Bản.

Do vậy, Tokyo coi hợp tác với Jakarta là chìa khóa quan trọng để duy trì trật tự hàng hải ở các vùng biển và trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vì đây là trụ sở của Ban Thư ký ASEAN và là thành viên Đông Nam Á duy nhất của Nhóm G20.

Sau cuộc hội đàm ngày 28/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho hay, hai bên sẽ kêu gọi Trung Quốc kiềm chế việc cố đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, theo Kyodo News.

Ông Kishi cho biết thêm, Tokyo và Jakarta đã đồng ý tăng cường hợp tác quốc phòng và tổ chức các cuộc tập trận song phương ở Biển Đông.

Trong khi đó, Indonesia cũng lo ngại về việc các tàu tuần duyên Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế trên quần đảo Natuna của Jakarta trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, đảo quốc này phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về đầu tư cơ sở hạ tầng hay vaccine Covid-19. Có những lo ngại rằng, điều này có thể buộc Jakarta phải nhượng bộ trong các vấn đề an ninh, bao gồm cả các tuyên bố chủ quyền trên biển đang cạnh tranh với Bắc Kinh.

(theo Nikkei Asia)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhat-ban-indonesia-that-chat-hop-tac-quoc-phong-cam-ket-to-chuc-tap-tran-song-phuong-o-bien-dong-140985.html