Nhật Bản nỗ lực đưa nền kinh tế 'cất cánh'

Trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước mặt trời mọc đang đối mặt những thách thức lớn cả trong và ngoài nước, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo vừa mới tung gói kích thích kinh tế đầu tiên của nước này kể từ năm 2016. Đây được xem là nỗ lực lớn của Chính phủ Nhật Bản nhằm đưa nền kinh tế xứ Phù tang 'cất cánh'.

Theo AFP, phát biểu với các bộ trưởng tại Văn phòng Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản Abe Shinzo thông báo: "Chúng ta sẽ áp dụng một chính sách tài chính táo bạo trị giá 13.000 tỷ yên (120 tỷ USD). Đó là một gói kích thích kinh tế mạnh tay". Ông Abe Shinzo cũng cho biết, ba trụ cột của gói kích thích kinh tế này là hồi phục, tái thiết và an toàn trước thiên tai; hỗ trợ để vượt qua nguy cơ kinh tế giảm tốc và đầu tư cho tương lai sau Thế vận hội Tokyo 2020.

Kế hoạch này được đưa ra tại thời điểm Nhật Bản đang tìm cách phục hồi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau các thảm họa thiên nhiên, cũng như chống chọi với tác động của việc tăng thuế tiêu dùng gần đây và đối phó nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế sau Thế vận hội Tokyo 2020. Theo kế hoạch, Chính phủ Nhật Bản sẽ tập trung vào các biện pháp nhằm thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng thông qua thanh toán không dùng tiền mặt và chi tiêu cho các công trình công cộng sau khi một loạt thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng của đất nước. Dự kiến, Tokyo sẽ chi khoảng 6.000 tỷ yên cho đầu tư công. Gói kích thích kinh tế mới được Chính phủ Nhật Bản đưa ra cũng sẽ giúp các công ty của nước này chuẩn bị ứng phó trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại do cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung. Bên cạnh đó, theo hãng tin Kyodo, gói kích thích kinh tế này sẽ giúp Tokyo mở rộng xuất khẩu nông sản khi thỏa thuận thương mại song phương Nhật-Mỹ có hiệu lực từ năm 2020.

 Công nhân Nhật Bản sửa chữa một con đường ở tỉnh Okayama sau mưa lũ. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Công nhân Nhật Bản sửa chữa một con đường ở tỉnh Okayama sau mưa lũ. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Việc Chính phủ Nhật Bản quyết định tăng thuế tiêu dùng từ mức 8% lên mức 10% từ ngày 1-10 vừa qua diễn ra trong bối cảnh quốc gia Đông Bắc Á đang phải nỗ lực để trang trải chi phí an sinh xã hội đang ngày càng phình to do dân số già hóa nhanh chóng. Chính phủ Nhật Bản ước tính, việc tăng thuế tiêu dùng sẽ mang lại khoảng 5.700 tỷ yên (52,8 tỷ USD) cho ngân sách nhà nước, qua đó góp phần cải thiện các chương trình an sinh xã hội, tập trung vào giáo dục mẫu giáo. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng trong 4 năm qua sau hai lần trì hoãn. Động thái này làm dấy lên lo ngại về triển vọng phát triển nền kinh tế xứ Phù tang thời gian tới, bởi việc tăng thuế tiêu dùng có thể tác động tiêu cực tới việc chi tiêu cá nhân-một yếu tố quan trọng trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Abe Shinzo, để bảo đảm hệ thống an sinh xã hội có thể đối phó với cuộc khủng hoảng dân số đang ngày càng nghiêm trọng do tình trạng dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp, một nền kinh tế vững mạnh và tăng trưởng cao là quan trọng nhất. Thừa nhận những nguy cơ kinh tế Nhật Bản suy giảm đã ngày càng hiện hữu, Thủ tướng Abe Shinzo cam kết, chính phủ sẽ triển khai các biện pháp linh hoạt và cụ thể để nhanh chóng vực dậy nền kinh tế.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 0,8% trong năm nay và 0,5% vào năm tới. Theo IMF, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ phải đối mặt với một loạt nguy cơ tăng trưởng chậm lại thời gian tới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và nhu cầu tiêu dùng toàn cầu yếu đi ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản. Theo số liệu chính thức do Chính phủ Nhật Bản công bố, GDP của nước này trong quý III-2019 đạt 0,2%, giảm khá mạnh so với mức 1,8% ghi nhận trong quý II-2019 .

Tờ Financial Times nhận định, gói kích thích kinh tế đánh dấu sự trở lại của việc Chính phủ Nhật Bản mạnh tay chi tiêu như trong những ngày đầu của chính sách chấn hưng kinh tế mang tên Abenomics do ông Abe Shinzo khởi xướng từ năm 2012. Điều này cho thấy quyết tâm tiếp thêm động lực cho nền kinh tế của Nhật Bản giữa lúc quốc gia Đông Bắc Á này đang phải đối mặt với những rủi ro thương mại toàn cầu và các thách thức gia tăng trong nước.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nhat-ban-no-luc-dua-nen-kinh-te-cat-canh-604700