Nhật Bản thúc đẩy ý tưởng định giá riêng với khách nước ngoài nhằm giảm thiểu quá tải du lịch

Theo trang Nikkei Asia, ý tưởng định giá riêng áp dụng với du khách nước ngoài tại một số điểm đến của Nhật Bản đang thu hút sự chú ý lớn trên thế giới trong bối cảnh nước này muốn giảm thiểu tình trạng quá tải khách du lịch.

Lâu đài Himeji là một tòa thành cổ của Nhật Bản nằm trong trung tâm thành phố Himeji tỉnh Hyogo, cách thủ đô Tokyo 650km về phía Tây. Tòa lâu đài là Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, nổi bật là tòa tháp màu trắng được xây dựng cách đây hơn 400 năm và là điểm đến phổ biến của du khách nước ngoài.

Lâu đài Himeji đang xem xét đặt mức phí vào cửa cao hơn cho du khách nước ngoài. Ảnh: Takashi Iwamoto

Lâu đài Himeji đang xem xét đặt mức phí vào cửa cao hơn cho du khách nước ngoài. Ảnh: Takashi Iwamoto

Với số lượng khách du lịch tăng đều đặn, Thị trưởng thành phố Himeji cho biết thành phố đang cân nhắc tăng giá cao hơn đối với du khách nước ngoài nhằm hỗ trợ cho công tác bảo tồn cần thiết với công trình kiến trúc đã tồn tại hàng thế kỷ.

Ý tưởng định giá riêng cho du khách nước ngoài đang thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp và một số địa phương Nhật Bản bởi tình trạng quá tải du lịch đang diễn ra ở đây.

Định giá 2 bậc áp dụng với khách du lịch và người dân Nhật Bản sẽ đòi hỏi quá trình tỉ mỉ và quyết tâm của chính quyền địa phương và ngành du lịch nước này.

Các cuộc thảo luận về việc tính phí cao hơn đối với du khách nước ngoài đã bắt đầu từ mùa thu năm ngoái. Chẳng hạn như Nhật Bản đã áp dụng tăng giá vé tàu Japan Rail Pass đối với du khách nước ngoài vào năm 2023 nhằm tạo điều kiện dễ dàng và thuận tiện hơn cho du khách.

Trước đó, ý tưởng ban đầu của Japan Rail Pass (JR Pass) chỉ là chào đón du khách nước ngoài đến Nhật Bản với những ưu đãi mới. Tuy nhiên, việc tăng giá gần đây báo hiệu sự kết thúc của lối suy nghĩ như vậy.

Sau đợt tăng giá JR Pass, nhiều mức tăng giá khác cũng áp dụng với khách du lịch nước ngoài ở Nhật Bản, chẳng hạn như tô cơm trị giá 10.000 yên ($62) tại một địa điểm du lịch nổi tiếng hay một quán bar ở Tokyo cũng tính giá cao hơn cho những người không nói tiếng Nhật với lý do phải mất nhiều thời gian hơn để giải thích.

Trong thời gian dài, các khách sạn, nhà hàng và nhà cung cấp dịch vụ khác thường cung cấp những dịch vụ cao cấp đắt tiền với đối tượng khách du lịch giàu có. Các công ty cũng cạnh tranh mạnh mẽ để cung cấp các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của du khách nước ngoài.

Và thông thường, khách du lịch - tận hưởng thời gian xa nhà - thường mở hầu bao để mua những sản phẩm và trải nghiệm mà họ thấy lạ hoặc độc đáo ở mỗi điểm đến. Việc tìm ra cách làm hài lòng cả hai nhóm là khách quốc tế và khách Nhật Bản sẽ là một bài kiểm tra kỹ năng của người quản lý.

"Xu hướng định giá 2 cấp"

Quay lại thời điểm du lịch nước ngoài bị chi phối bởi các tour du lịch theo nhóm, khách du lịch thường được hướng dẫn đến các cửa hàng khác nhau, phù hợp khả năng chi tiêu. Tuy nhiên, ngày nay, du khách nước ngoài thường có xu hướng tự mình đưa ra quyết định nơi sẽ đến và sẽ ghé thăm các địa điểm nổi tiếng ở địa phương ngay cả khi họ không nói tốt ngôn ngữ. Sự thay đổi này đã góp phần thúc đẩy xu hướng định giá hai cấp ngày càng tăng.

Việc đánh giá một khách hàng có phải là người nước ngoài hay không chỉ dựa vào vẻ ngoài của người đó là điều không thể. Và du khách nước ngoài khó có thể tự nguyện cung cấp thông tin đó chỉ để bị tính phí nhiều hơn.

Ở một số quốc gia, các nhà hàng có thực đơn bằng tiếng nước ngoài với các mức giá và món ăn khác nhau đáp ứng khẩu vị đặc trưng của từng người. Việc giữ nguyên món ăn trong menu nhưng tính phí nhiều hơn có thể sẽ khiến khách du lịch không hài lòng.

Vì vậy, nhà hàng phải giải thích chính xác sự chênh lệch giá hoặc cung cấp dịch vụ bổ sung để có thể có những lựa chọn tốt hơn.

Singapore và Malaysia đã áp dụng phương pháp tính giá tương đối cao ở một số cơ sở công cộng, chẳng hạn như thủy cung. Những người xuất trình thẻ nhận dạng là người dân địa phương sẽ được giảm giá trong khi du khách nước ngoài sẽ tính giá khác. Thực tế đây là định giá hai cấp.

Bên cạnh đó, một cách chắc chắn hơn để thu phí từ du khách nước ngoài là đánh thuế nhập cảnh tại các sân bay, số tiền thu được sẽ được phân phối cho các địa phương và doanh nghiệp.

Ví dụ điển hình là Bhutan. Quốc gia này đã tăng thuế du lịch gần gấp 3 lần vào năm 2023, lên 200 USD/ngày. Tuy nhiên, Bhutan đã giảm 1/2 mức phí ngay sau đó khi nhận được những phản hồi trái chiều.

Định giá hai cấp dành cho người nước ngoài và người dân địa phương là một hệ thống chủ yếu được áp dụng ở các nước đang phát triển nhằm duy trì hoạt động bảo tồn các di tích cổ và các di tích lịch sử khác là tài sản chung của nhân loại.

Trong nhiều trường hợp, du lịch là cách duy nhất để các quốc gia đó kiếm được ngoại tệ cần thiết để duy trì các địa điểm.

Khi khách du lịch từ các nước phát triển đến thăm những nơi như vậy, sự chênh lệch về giá được hiểu giống như một sự quyên góp hoặc hỗ trợ. Nếu các cơ sở công cộng ở Nhật Bản đặt ra mức giá hai cấp vì người nước ngoài khá giả hơn, thì điều đó sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng - đặc biệt là đối với giới trẻ Nhật Bản - rằng Nhật Bản đang phải dựa vào khách du lịch phương Tây.

Theo các nhà quan sát, có hai cách để cân bằng giữa định giá 2 cấp và lòng tự hào dân tộc. Thứ nhất là áp dụng cách làm ở một số nhà hàng, khách du lịch nước ngoài có thể nhận được các dịch vụ bổ sung khi trả thêm phí.

Thứ hai là giải thích sự chênh lệch giá một cách hợp lý và lịch sự với du khách nước ngoài, rằng các Di sản Thế giới và bảo vật quốc gia đòi hỏi chi phí bảo tồn rất cao, được chi trả từ nguồn thuế quốc gia cũng như địa phương và hy vọng người nước ngoài có thể chia sẻ những khoản chi trả này với người dân trong nước./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nhat-ban-thuc-day-y-tuong-dinh-gia-rieng-voi-khach-nuoc-ngoai-nham-giam-thieu-qua-tai-du-lich-20240709112904439.htm